|
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc của Việt Nam (Ảnh: TTXVN).
|
Dấu ấn công tác đối ngoại nhân quyền
Kể từ khi gia nhập Liên hiệp quốc (LHQ) năm 1977, Việt Nam đã nỗ lực triển khai công tác đối ngoại, trong đó có lĩnh vực nhân quyền và năm 2023 đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Thứ nhất, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong hoạt động nhân quyền của LHQ. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQ LHQ) 2023-2025, chúng ta đã truyền tải thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người” với nhiều sáng kiến nổi bật. Ngày 3-4-2023, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất đã được HĐNQ thông qua, và nhận được sự tham gia của 98 nước đồng bảo trợ. Điều này cho thấy Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, tích cực đóng góp vào công việc của HĐNQ LHQ, hướng đến mục tiêu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
|
Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và soạn thảo về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên.
|
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.
Trong năm 2023, chúng ta hoàn thành, đệ trình Báo cáo thực thi Công ước quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT); bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần 5.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, để phát huy vai trò của các NGO trong và ngoài nước đối với công tác đối ngoại nhân quyền, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dần hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký và quản lý hoạt động của các NGO: gia tăng thời hạn đăng ký văn phòng đại diện của NGO lên đến 5 năm; giảm các thủ tục hành chính, thời gian xử lý và cấp Giấy đăng ký, gia hạn, sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động...
Chính phủ Việt Nam cũng cung cấp 7 mẫu đơn, báo cáo để thuận tiện cho công việc hành chính của các NGO nước ngoài tại Việt Nam. Ở trong nước, tính đến cuối năm 2022 đã có hơn 900 tổ chức NGO có quan hệ và hoạt động tại Việt Nam, nhiều NGO đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động nhân quyền cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ tư, chủ động trong công tác đối ngoại, đối thoại nhân quyền. Với vị thế ngày một nâng cao trên trường quốc tế, tâm thế của Việt Nam khi tham gia các cuộc đối thoại, làm việc với các nước về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân tộc, tôn giáo được nâng lên một tầm cao mới: chủ động, tự tin, thẳng thắn, mềm dẻo, linh hoạt theo tinh thần đối ngoại "cây tre" và đạt được nhiều thành tựu.
Đáng kể đến là việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, thông qua Thoả thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Toà thánh tại Việt Nam. Hay dựa trên tiền đề mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo, ta đã chủ động thông tin cho phía bạn những nỗ lực, thành tựu trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời đề nghị phía bạn cần thu thập thông tin về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam qua kênh chính thống là các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước, không để các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước…
|
Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Tòa thánh Vatican ngày 27-7-2023, hai bên chính thức thông báo về việc Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh đã thông qua "Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam".
|
Bên cạnh đó, đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - EU, Việt Nam - Australia ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Một mặt, cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống về tình nhân quyền Việt Nam cho các đối tác, mặt khác đấu tranh, phản biện hiệu quả những thông tin sai lệch, đi đến tháo gỡ những vướng mắc, thống nhất nhận thức chung, tôn trọng tính đặc thù về nhân quyền của các bên, để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực nhân quyền, đóng góp vào phát triển quan hệ song phương
|
Các nữ chiến sỹ mũ nồi xanh công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Nam Sudan.
|
Thứ sáu, tích cực tham gia duy trì hòa bình, cứu trợ nhân đạo quốc tế. Từ năm 2014, Việt Nam đã có hàng trăm sĩ quan thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đi làm nhiệm vụ cùng Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan. Các bệnh viện dã chiến của Việt Nam tại Nam Sudan không chỉ thực hiện việc khám, chữa bệnh mà còn thực thi công tác nhân đạo, thiện nguyện đối với người dân nơi đây. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực, sẵn sàng chung tay cùng các nước khắc phục các hậu quả của thiên tai, cứu trợ nhân đạo quốc tế.
|
Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an phối hợp giải cứu nạn nhân thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Ngày 9-2-2023, 100 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia công tác giải cứu các nạn nhân của vụ động đất; hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 đô-la Mỹ cùng hàng chục tấn hàng hóa y tế, lương thực viện trợ.
|
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Báo QĐND.
|
Vượt thách thức, khẳng định giá trị nhân quyền
Tuy gặt hái được nhiều thành công, là bước đi đột phá nhưng công tác đối ngoại nhân quyền Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, nhất là việc Việt Nam xét xử các đối tượng chống đối vi phạm pháp luật… để tán phát thông tin bịa đặt, sai trái về công tác bảo đảm quyền con người của Việt Nam, vận động các nước can thiệp, gây sức ép với ta, nhất là nhân các sự kiện chính trị quan trọng, trước thềm các đối thoại nhân quyền… nhằm vẽ ra bức tranh “tối màu” về tình hình nhân quyền Việt Nam, hạ thấp uy tín của nước ta
Công tác thông tin đối ngoại nhân quyền thời gian được quan tâm, chú trọng nhưng chưa trở thành phong trào rộng khắp; tuyên truyền đối ngoại chưa đồng bộ, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp; nhận thức về tầm quan trọng công tác đối ngoại nhân quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc; đối ngoại nhân quyền chủ yếu tập trung ở hoạt động của Nhà nước, ngoại giao nhân dân còn ít; chưa chủ động trong tiếp cận và phương pháp vận động để phía bạn hiểu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam… Do vậy, để nâng cao công tác đối ngoại nhân quyền, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường thông tin đối ngoại nhân quyền trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc hiệu quả Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới và triển khai trực tiếp Đề án Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam (Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14-9-2022 của Thủ tướng chính phủ). Cần đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại; mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ. Cần có những cách làm sáng tạo, tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ để tiếp cận tới độc giả nước ngoài, đưa thông tin tích cực về Việt Nam ra các nước.
Hai là, phân biệt rõ đối tượng, đối tác trong công tác đối ngoại nhân quyền; đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam; vạch trần những chiêu trò đen tối, luận điệu sai trái, thù địch để thế giới thấy rõ bản chất của các tổ chức mượn danh “nhân quyền” để vu cáo, chống phá Việt Nam thông qua các luận cứ, luận chứng chính xác, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, nghệ thuật ngoại giao, nhất quán trường phái ngoại giao “cây tre” Việt Nam: kiên định về nguyên tắc, uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. “Vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó” khi có những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong đối ngoại nhân quyền. Làm cho đối tác hiểu rõ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh để những vướng mắc kéo dài, không xử lý kịp thời; thực hiện đúng phương châm “nói đi đôi với làm” nhằm tạo niềm tin, tăng cường sự đồng thuận.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ đối ngoại nhân quyền với đối ngoại kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đa dạng các hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân. Thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia, ký kết; chủ động, tích cực đóng góp hiệu quả vào hoạt động nhân quyền của LHQ; thúc đẩy các sáng kiến về bảo vệ quyền con người trước các mối đe dọa, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các NGO trong và ngoài nước, đại diện các nước nhằm thúc đẩy đối ngoại về nhân quyền trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Năm là, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Giải quyết đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ giữa đối nội với đối ngoại với tinh thần “trong ấm, ngoài êm”. Kiên định quan điểm lấy con người là chủ thể, là trung tâm trong mọi đường lối, chính sách phát triển, quyền con người cho tất cả mọi người. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế làm cơ sở, tiền đề vững chắc để nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại về nhân quyền nói riêng.
“Việt Nam là một đối tác quan trọng của LHQ, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres
|
ThS. Lê Văn Chinh
Trường Đại học Nguyễn Huệ