Những nỗ lực thực chất
Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc, Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và cam kết thực hiện Tuyên bố về một thế giới phù hợp với trẻ em. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu để phê chuẩn Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, chúng ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện bảo vệ quyền trẻ em trên phương diện hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019) được thông qua nhằm tăng cường bảo vệ người lao động, trong đó có lao động chưa thành niên. Mục 1 Chương XI đã có các quy định liên quan đến lao động chưa thành niên: nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc; thời giờ làm việc của người chưa thành niên; công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Ngoài ra, còn có các bộ luật, luật liên quan như Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 tăng cường đào tạo nghề cho học sinh đã rời trường cũng như giới trẻ đã có việc làm; Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 quy định người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thì bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên; danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc. Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016 quy định cụ thể các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ bao gồm bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, Nhà nước còn có những chương trình bảo đảm an sinh xã hội khác như chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách hỗ trợ địa phương vùng đặc biệt khó khăn, chính sách trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng chính sách xã hội như trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật, trẻ em lang thang được tập trung nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; chính sách phổ cập giáo dục tiểu học, chính sách miễn giảm học phí, cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí... Nhà nước quy định miễn thuế cho các cơ sở dạy nghề dành riêng cho trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, các cơ sở này còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện dạy học, đào tạo đội ngũ thầy cô giáo và được vay vốn với lãi suất thấp, ưu đãi. Những chính sách này đã góp phần ngăn ngừa và hạn chế vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam.
Từ năm 2011 đến nay Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 267/QĐ-TTg) và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2361/QĐ-TTg) nhằm tập trung chỉ đạo việc xây dựng và vận hành Hệ thống bảo vệ trẻ em bảo đảm tăng cường hiệu quả phát hiện sớm và can thiệp hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ, trong đó có các trường hợp trẻ em bị ép buộc lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em bị xâm hại tình dục... Hiện nay trên 70% các địa phương đã xây dựng và kiện toàn Hệ thống bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ hiệu quả cho việc phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trường hợp lao động trẻ em. Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó có dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em. Dự án được thực hiện trên phạm vi cả nước với mục tiêu chính là giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại và 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp... Bắt đầu từ năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em, do Tổng cục Thống kế, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ILO tiến hành. Đây cũng là các cơ sở để Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi và ban hành mới các chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy tiếp cận của lao động nông thôn qua đào tạo nghề thông qua Quyết định số 1956/QĐ-TTg, mở rộng các hệ thống đào tạo nghề, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo cũng bao gồm hỗ trợ đặc biệt cho tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề cho trẻ em tại các huyện nghèo; hợp tác với các tổ chức quốc tế khác về quyền của trẻ em, thông qua các dự án nâng cao nhận thức của trẻ em, gia đình và xã hội về quyền của trẻ em; tạo môi trường thân thiện với trẻ để tạo điều kiện cho trẻ em và gia đình tiếp cận giáo dục, dạy nghề, y tế, và các dịch vụ hỗ trợ khác...
Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được chú trọng. Chỉ tiêu theo dõi giám sát và đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng, chống lao động trẻ em đã được đưa vào Bộ chỉ tiêu theo dõi thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2012-2020 gồm 37 chỉ tiêu. Việc thực thi pháp luật cũng như thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lao động trẻ em được đẩy mạnh, thường xuyên hơn, cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, đặc biệt tại một số ngành như nông sản, sản xuất thủy sản và sản xuất đồ may mặc.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng lao động trẻ em trong khu vực không có quan hệ lao động (khu vực kinh tế phi chính thức). Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2019, hiện nay tổng số trẻ em toàn quốc là 26,37 triệu, trong đó có tới 1,442 triệu trẻ em bị bóc lột (bao gồm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật). Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, trong đó năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế. Việt Nam cũng gặp khó khăn như nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động và người môi giới lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em. Nhận thức của cha, mẹ, gia đình, trẻ em, người sử dụng lao động và người môi giới lao động về vấn đề lao động trẻ em còn hạn chế. Vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn hạn chế từ Trung ương tới địa phương. Một số địa phương không phân bổ hoặc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp để triển khai thực hiện chương trình. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ do vậy việc triển khai, thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn…
Nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp bao gồm cả nhân công, các nhà sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nên cần nhận thức rõ được chuỗi cung ứng là một hệ thống các hoạt động liên quan đến việc sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm. Việc sử dụng lao động trẻ em ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng đều vi phạm pháp luật, sẽ dẫn đến các ảnh hưởng không tốt tới việc tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, giai đoạn tới đây Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em để các em có cơ hội được phát triển toàn diện và được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em.
Thứ nhất, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em... từ đó để bảo đảm sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, cần kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em, mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời lao động trẻ em để bảo đảm các quyền của trẻ em hướng dẫn cụ thể, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý thông tin; trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương. Hướng dẫn, vận động bố trí ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức các đoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia về trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Thứ tư, tăng cường truyền thông về các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Vận động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân. Phát hiện, lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động; đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện, vận động các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không để trẻ em phải lao động kiếm sống.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế, thông qua các dự án hợp tác quốc tế nâng cao nhận thức của trẻ em, gia đình và xã hội về quyền của trẻ em; tạo môi trường thân thiện với trẻ để tạo điều kiện cho trẻ em và gia đình tiếp cận giáo dục, dạy nghề, y tế, và các dịch vụ hỗ trợ khác, sử dụng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em để hỗ trợ, can thiệp đối với lao động trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà: “Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng. Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cả xã hội sẽ giúp cho việc xây dựng, thực hiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng và về quyền trẻ em nói chung được thực hiện tốt hơn và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được bảo đảm”. |
Nguyễn Thị Nga
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội