Giáo dục quyền con người cho thanh niên thích ứng bối cảnh mới
Giáo dục QCN cho thanh niên không chỉ là giải pháp trực tiếp hướng tới thanh niên, mà còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng (Ảnh minh hoạ).

Quan điểm của Liên hiệp quốc (LHQ) về giáo dục QCN cho thanh niên

Theo định nghĩa của LHQ, thanh niên là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24. Đây là nhóm đối tượng đang ở vào giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời, giai đoạn trưởng thành cả về thể chất, nhận thức và tâm lý.

Tuổi thanh niên là giai đoạn trải nghiệm một số QCN, quyền công dân gắn với đặc thù của lứa tuổi trưởng thành, như quyền bầu cử, ứng cử, quyền kết hôn, lập gia đình, quyền có việc làm, quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản... Giáo dục QCN cho thanh niên không chỉ hướng tới việc giúp thanh niên ý thức được tư cách chủ thể quyền (rights holder) của họ, mà còn góp phần định hướng các chủ thể có nghĩa vụ (duty bearer) trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, chính sách quốc gia thích hợp với thanh niên, vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của thanh niên đối với sự phát triển của nhân loại cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, LHQ đã ban hành Chương trình hành động thế giới vì thanh niên đến năm 2000 và những năm sau đó, trong đó xác định 10 vấn đề liên quan đến thanh niên mà chính phủ các nước cần dành ưu tiên cao nhất, giáo dục được xếp thứ tự đầu tiên. Sự quan tâm đặc biệt của LHQ đối với giáo dục nói chung và giáo dục QCN nói riêng được thể hiện trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong Tuyên bố của LHQ về giáo dục và đào tạo QCN do Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2011.

Từ năm 2004, LHQ đã bắt đầu triển khai Chương trình thế giới về giáo dục QCN nhằm thúc đẩy việc thực thi các chương trình giáo dục QCN trong tất cả các lĩnh vực. Năm 2018, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Nghị quyết số 39/3 và quyết định chọn thanh niên là nhóm mục tiêu cho giai đoạn bốn của Chương trình thế giới về giáo dục QCN, nhấn mạnh đến giáo dục và đào tạo cho thanh niên về vấn đề bình đẳng, QCN và không phân biệt đối xử, tôn trọng sự khác biệt nhằm mục đích xây dựng các cộng đồng hòa hợp, đồng thời gắn giai đoạn bốn với Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030. Văn phòng Cao ủy LHQ về QCN (OHCHR) đã khởi thảo Kế hoạch hành động cho giai đoạn bốn Chương trình thế giới về giáo dục QCN và Hội đồng Nhân quyền LHQ đã chính thức thông qua Kế hoạch này trong Nghị quyết số 42/7 ngày 26-9-2019.

Trên thực tế, mặc dù nhận được sự quan tâm của cộng động quốc tế cũng như của các nhà nước và các thiết chế phi nhà nước, nhưng thanh niên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 bùng phát khắp thế giới.

Theo kết quả khảo sát trong Báo cáo của OHCHR và tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thanh niên và đại dịch COVID năm 2020, thanh niên là đối tượng chịu rất nhiều tổn thương do tác động của đại dịch trên các phương diện việc làm, giáo dục, QCN và sức khỏe tinh thần. Cụ thể, chỉ có 1/6 số người được hỏi cho biết đã không mất việc làm kể từ khi đai dịch nổ ra. Trong lĩnh vực giáo dục, 3/4 số thanh niên được hỏi cho biết họ vẫn chưa thích nghi được với quá trình chuyển đổi sang học tập trực tuyến và học tập từ xa. Đối với vấn đề sức khỏe tinh thần, 17% số người được hỏi cho biết đã trải qua tình trạng lo âu và trầm cảm. Đối với việc thụ hưởng QCN, 1/4 số thanh niên tham gia khảo sát thừa nhận đã bị hạn chế quyền tiếp cận thông tin và gặp khó khăn trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Những khó khăn, thách thức nói trên đối với thanh niên đòi hỏi cộng đồng quốc tế và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần có những biện pháp và chính sách kịp thời, phù hợp nhằm giúp thanh niên vượt qua những rào cản trong việc hưởng thụ các QCN và hướng tới cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hiện nay. Thúc đẩy giáo dục QCN cho thanh niên được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu và mang tính khả thi, đặc biệt ở cấp độ quốc gia.

Giáo dục QCN cho thanh niên Việt Nam

Xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng thanh niên và đề cao vai trò của thanh niên. Các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên được khẳng định trong các văn kiện có ý nghĩa chính trị to lớn, như Nghị quyết số 25-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 9-2-1991 “Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên” và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thảm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thanh niên, trong những năm qua, nhiều chính sách và pháp luật đã được cụ thể hóa như Luật Thanh niên (được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2020) đã ghi nhận quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên, đồng thời khẳng định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên trên các lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệpsức khỏevăn hóa, thể dục, thể thao. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành một số chính sách quan trọng đối với thanh niên, như Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Nghị định 13/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các địa phương cũng tích cực ban hành các chính sách về hỗ trợ và bảo đảm quyền cho thanh niên phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam trong độ tuổi thanh niên vào năm 2019 ước tính khoảng 23 triệu người, chiếm 23,8% dân số cả nước, trong đó số lao động thanh niên là hơn 7 triệu người, chiếm 12,8% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Trên thực tế, công tác thanh niên nói chung và công tác bảo đảm QCN cho thanh niên nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn một bộ phận thanh niên gặp nhiều khó khăn, trở ngại và rào cản trong việc thụ hưởng quyền của mình, đặc biệt là quyền liên quan đến việc làm. Năm 2019, số thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 bị thất nghiệp chiếm tới 42,1% tổng số người thất nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), người lao động trong độ tuổi thanh niên thường dễ tiếp cận với những mô hình lao động phi tiêu chuẩn, không chính thức và thiếu chắc chắn. Bên cạnh đó, lao động thanh niên còn lo ngại các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tước đi việc làm của họ, xâm phạm quyền có việc làm của họ.

Báo cáo này cũng chỉ ra những hạn chế trong nhận thức về QCN và chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp đối với thanh niên khuyết tật, cũng như hạn chế từ phía lao động thanh niên như lỗ hổng về giáo dục đào tạo, thiếu định hướng và kỹ năng nghề nghiệp... Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, không chỉ gặp bất lợi trong việc hưởng thụ quyền có việc làm, một bộ phận thanh niên Việt Nam cả ở thành thị và nông thôn còn phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc thực hiện một số QCN khác như quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe (thể chất và tinh thần), quyền được hưởng an sinh xã hội.

Trước thực trạng đó, để bảo đảm tốt hơn QCN của thanh niên, giúp thanh niên vượt qua những rào cản trong cuộc sống hiện tại, cần có những biện pháp kịp thời, khả thi và đồng bộ. Trong đó, nên ưu tiên hoạt động giáo dục QCN cho thanh niên nhằm mục đích nâng cao nhận thức của thanh niên về quyền của mình, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với QCN của thanh niên, từ đó tạo thuận lợi cho thanh niên trong việc thụ hưởng QCN cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống trên mọi phương diện.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên trong các văn kiện của Đảng, qua đó góp phần đưa những quan điểm, chủ trương này vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thời kỳ mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về thanh niên song song với việc tổ chức thực thi hiệu quả các nội dụng của Luật Thanh niên năm 2020.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục QCN cho thanh niên Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình thế giới về giáo dục QCN giai đoạn bốn. Theo đó, cần xác định những mục tiêu rõ ràng cùng những biện pháp và phương thức cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm nhất quán với những nội dung của Kế hoạch hành động giai đoạn bốn mà LHQ đã thông qua.

Thứ ba, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị cũng như huy động sự tham gia của toàn xã hội vào hoạt động giáo dục QCN cho thanh niên. Thông qua đó, có thể huy động được các nguồn lực cần thiết để thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục QCN cho thanh niên.

Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên QCN (human rights-based approach) trong hoạch định chính sách về thanh niên. Theo đó, cần tăng cường sự tham gia của thanh niên vào quy trình chính sách, trao quyền cho thanh niên và tạo điều kiện cho thanh niên thể hiện tiếng nói của mình với tư cách chủ thể quyền (rights holder). Hơn nữa, cần quan tâm đặc biệt tới đối tượng thanh niên thuộc các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các tổ chức quốc tế (đặc biệt là LHQ) để thực thi hoạt động giáo dục QCN cho thanh niên. Sự hỗ trợ quốc tế trên phương diện ngân sách cũng như chuyên môn - kỹ thuật kết hợp với sức mạnh nội tại của quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy giáo dục QCN cho thanh niên đạt hiệu quả cao nhất.

Thanh niên luôn là lực lượng xã hội quan trọng của mỗi xã hội, mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19, thanh niên của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước nhiều thách thức mà bản thân họ không thể tự giải quyết. Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thúc đẩy giáo dục QCN, có thể xem như là chìa khóa quan trọng để tháo gỡ những khó khăn đó, giúp thanh niên vượt qua mọi rào cản để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của mình trong hiện tại cũng như tương lai.

Theo thống kê chính thức của LHQ năm 2019, thế giới có khoảng 1,2 tỷ người trong độ tuổi thanh niên (chiếm 16% dân số toàn cầu) và theo ước tính, con số này sẽ là 1,4 tỷ người vào năm 2065. Những số liệu này cho thấy, thanh niên là lực lượng xã hội đông đảo và các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế cần có sự coi trọng và đầu tư thích đáng cho thanh niên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất