Hợp tác quốc tế toàn diện về bảo đảm vấn đề nhân quyền của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan (Ảnh: TTXVN)

Thành viên trách nhiệm của các công ước quốc tế về quyền con người

Những năm đầu 80 của thế kỷ XX, khi đất nước vừa mới thoát khỏi chiến tranh, gặp muôn vàn khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế khi vướng phải lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam đã chủ động gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng liên quan đến nhân quyền như Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1966); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1969); Công ước về Quyền Trẻ em (1989) và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về Quyền của người khuyết tật (2006); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người...

Năm 1994, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Sau đó, chúng ta tích cực đăng ký tham gia 20 công ước về quyền lao động như Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải v.v.

Đặc biệt, năm 2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động và gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể. Đây là công ước mang tính bản lề, trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và EU, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế khi bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị, một trong những công ước được xem là “khó” trong việc triển khai thực hiện các nghĩa vụ.

Hợp tác với các cơ chế của Liên hiệp quốc (LHQ) về quyền con người

Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm khi tham gia làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các diễn đàn khác của LHQ nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế về nhân quyền.

Tại các diễn đàn LHQ, Việt Nam luôn đề cao quan điểm và lập trường tích cực, tiếp cận các vấn đề về nhân quyền một cách công bằng. Chúng ta cũng chủ động, tích cực tham gia đóng góp và đồng tác giả nhiều dự thảo nghị quyết về thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là các dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề giáo dục, phòng, chống ma túy, tội phạm…

Trong năm 2008 và 2009, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA), Việt Nam chủ trì và thúc đẩy hai sáng kiến quan trọng là Tuyên bố Chủ tịch về “Trẻ em và xung đột vũ trang” và Nghị quyết 1889 về “Phụ nữ và hòa bình, an ninh”. Việt Nam là 1 trong ba nước đang phát triển đã đưa dự thảo điều khoản quy định về “Hợp tác quốc tế” vào thành một điều khoản chính trong nội dung dự thảo Công ước về Quyền của người khuyết tật, làm cơ sở để cả nước đang phát triển thảo luận và soạn thảo Công ước nêu trên.

Đặc biệt, sự kiện lịch sử vào ngày 7-6-2019, 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực của HĐBA sau phiên bỏ phiếu tại Niu-oóc với 192 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 phiếu). Chỉ 6 tháng sau khi đắc cử, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021.

Với trọng trách công việc phải đảm nhiệm ngay tháng đầu tiên của một nhiệm kỳ, chúng ta cũng nhận định khó khăn thách thức không nhỏ đang đặt ra trước mắt khi tình hình thế giới diễn biến khó lường: Quan hệ giữa các nước lớn đang chia rẽ ở mức cao nhất kể từ sau chiến tranh lạnh; Xung đột tiếp diễn ở nhiều khu vực; Chủ nghĩa đa phương gặp thách thức chưa từng có; Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hành động đơn phương, xu hướng muốn đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực gia tăng... Tuy nhiên, với trách nhiệm và tinh thần tích cực chủ động của mình, Việt Nam quan điểm, chủ động xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực. Chính điều này đảm bảo cho chúng ta có một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội. 

Thêm vào đó. Việt Nam đang là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt trong tiến trình thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền, góp phần vào việc củng cố vài trò của Hội đồng Nhân quyền như một cơ chế quan trọng nhất của LHQ trong việc xử lý các vấn đề về quyền con người. Trong đó, Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Tham gia từ năm 2008, đến nay, Việt Nam đã trình bày và đối thoại thành công các báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ I (2009), II (2014) và III (2019). Các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại phiên rà soát UPR qua chu kỳ đã và đang được thực hiện nghiêm túc và tích cực, thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…

Đặc biệt, các nước đánh giá rất cao Việt Nam trong quá trình xây dựng luật. Ví dụ như trong thời gian 4-5 năm chu kỳ giai đoạn 2014-2019, chúng ta đã xây dựng được khoảng 100 các văn bản luật khác nhau, trong tất cả cá lĩnh vực về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Bất chấp tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% trong nhiều năm, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỉ USD.

Hợp tác khu vực phấn đấu bảo đảm quyền con người

Tại khu vực, Việt Nam là thành viên tích cực trong quá trình hình thành và hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), được thành lập tháng 10-2009 và các cơ quan khác của ASEAN liên quan về quyền con người như Ủy ban ASEAN về bảo đảm và thúc đẩy các quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC), Ủy ban ASEAN về lao động di cư (ACMW),…

Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực đóng góp trong việc soạn thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, được Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11-2012. Đây là văn kiện đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, là sự cam kết của các nước ASEAN trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản.

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án hợp tác giữa AICHR và EU trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại khu vực ASEAN – EU (READI). Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN triển khai Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, xây dựng các văn kiện pháp lý ASEAN về nhân quyền như xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, về quyền giáo dục…; triển khai các chương trình ưu tiên hằng năm cũng như sớm xây dựng Kế hoạch công tác 5 năm giai đoạn tiếp theo 2015-2020; tiếp tục kiện toàn bộ máy hoạt động của AICHR; thúc đẩy gắn kết và liên kết giữa AICHR với các cơ quan liên quan của ASEAN, cũng như với các đối tác và tổ chức quốc tế, khu vực.

Việt Nam còn tích cực tham gia Sáng kiến cấp bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống mua bán người (COMMIT), phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan LHQ về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC), Tổ chức di cư quốc tế (IOM)… tại các quốc gia trong khu vực để tăng cường thúc đẩy nỗ lực bảo đảm quyền con người trên mọi phương diện.

Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Với vai trò đặc biệt là “Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN”, Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995. Năm 2010, khi lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, những dấu ấn của năm với các hành động thiết thực vẫn được tiếp tục triển khai như phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Điều đó đã khẳng định rõ ràng Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 càng thêm có ý nghĩa khi sự kiện này đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào "mái nhà chung" ASEAN. Với vai trò kép là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN năm 2020, đây là cơ hội, song cũng là thách thức để Việt Nam thể hiện vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế.Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ như LHQ.

Hợp tác quốc tế song phương và đa phương về nhân quyền

Trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, Việt Nam luôn tỏ thiện chí và sẵn sàng hợp tác, đối thoại song phương với các nước trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mặc dù quan điểm của Việt Nam và các nước liên quan còn có sự khác biệt. Với cách tiếp cận xây dựng, Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan cho các nước hiểu rõ và chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đáp ứng và tạo điều kiện cho đại diện của nhiều nước được tham gia thực địa đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị tại Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác song phương về quyền con người chính là việc Việt Nam thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người với một số nước và đối tác như Hoa Kỳ, EU, Úc, Na Uy Thụy Sỹ (riêng với EU, do cơ chế Chủ tịch Troika luân phiên 6 tháng/lần, đối thoại được tiến hành hai lần một năm).

Việt Nam và các nước nêu trên đều coi trọng và đánh giá cao đối thoại về quyền con người. Các cơ chế đối thoại diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, có nội dung thực chất và đã phát huy kết quả tích cực, thu hẹp khác biệt, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề quyền con người hai bên cùng quan tâm.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của các nước và các đối tác qua hợp tác kỹ thuật về quyền con người và trong nhiều lĩnh vực liên quan như cải cách tư pháp, xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương… Tiêu biểu như trong việc triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác nước ngoài như Ngân hàng thế giới (106,6 triệu đô-la Mỹ), Cơ quan viện trợ phát triển Úc (18 triệu đô-la Úc), Cơ quan viện trợ phát triển Ai-len (30 triệu Euro), Phần Lan (27 triệu đô-la Mỹ), Bộ Phát triển Vương quốc Anh (31 triệu đô-la Mỹ), Liên minh châu Âu (12 triệu Euro).

Từ năm 2006, Úc và Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hợp tác kỹ thuật về quyền con người giữa cơ quan Việt Nam và Úc, nhằm hỗ trợ cơ chế đối thoại về quyền con người. Theo đó, gần đây nhất, chúng ta đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác 3 năm (2019-2021) về giáo dục quyền con người giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan thường trực Đề án, và Ủy ban Quyền con người Úc. Theo bản ghi nhớ, Ủy ban Quyền con người Úc sẽ hỗ trợ Học viện đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục của Việt Nam, thực hiện một số hoạt động đào tạo cho đội ngũ quản lý giáo dục, nhóm tác giả xây dựng chương trình, sách giáo khoa các kiến thức về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; xây dựng phiên bản tiếng Việt của RightsAPP - một ứng dụng trên điện thoại thông minh có chứa các văn kiện cốt lõi của LHQ về quyền con người; chỉnh lý các tài liệu giáo dục quyền con người bằng tiếng Việt cho các cấp học từ mầm non đến đại học; xây dựng một cổng học tập tương tác trực tuyến về “Giáo dục quyền con người”…

Thụy Điển, Thụy Sỹ, Ca-na-đa cũng hợp tác với Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam về đào tạo luật quốc tế về quyền con người, luật nhân đạo. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Quyền con người còn hợp tác với nhiều đối tác khác nhau như với Đan Mạch xuất bản sách về vị thành niên; với Úc nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy về luật quốc tế; Hội Chữ thập đỏ quốc tế về Luật quốc tế về nhân đạo; và trao đổi kinh nghiệm về truyền thông và đào tạo quyền con người với Trung Quốc và Lào.

Có thể thấy, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn thể hiện hình ảnh tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Trong nhiều năm qua, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 TCPCPNN đã đăng ký và hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ giải ngân xấp xỉ 300 triệu USD/năm. Hoạt động viện trợ của các TCPCPNN được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu như: y tế; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội; môi trường và biến đổi khí hậu.

Năm 1996-2017, khoản viện trợ của các TCPCPNN cho Việt Nam đã lên đến 4,1 tỷ USD . Riêng năm 2018, Việt Nam đã nhận được khoản viện trợ TCPCPNN gần 277 triệu đô-la Mỹ, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực y tế, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và xây dựng năng lực.

Việt Nam xác định lĩnh vực đối ngoại nhân dân, trong đó có mối quan hệ với các TCPCPNN là bộ phận quan trọng cùng với đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề hợp tác quan hệ với các TCPCPNN, trong bối cảnh thực hiện chủ trương đổi mới và hội nhập, ngoài những nỗ lực cải cách trong nước, Việt Nam luôn huy động tối đa hiệu quả của các mối quan hệ hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác các tổ chức PCPNN nói riêng. Để quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, ngày 24/5/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 339/TTg thành lập Ủy ban Công tác về các TCPCPNN để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phi chính phủ của Việt Nam và các TCPCPNN.

Việc bảo đảm các quyền về xã hội của nhóm dễ bị tổn thương cũng như có những đóng góp đáng ghi nhận của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN), với số dự án trong lĩnh vực này chiếm hơn 20% tổng số dự án và gần 20% giá trị giải ngân của các hoạt động của các TCPCPNN. Các hoạt động hỗ trợ chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những người yếu thế trong xã hội, những người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt đối với những người khuyết tật bẩm sinh và những người khuyết tật do bom mìn hoặc tai nạn gây ra, các TCPCPNN còn triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng hay phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nhằm giúp họ tự khắc phục được những hạn chế của bản thân và hòa nhập tốt hơn trong xã hội. Thông qua các chương trình trao quyền cho phụ nữ, tín dụng vi mô…, các TCPCPNN đã từng bước xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, giúp họ nhận thức, bảo vệ và phát triển các quyền của mình trong cuộc sống, cũng như tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều các hoạt động phát triển kinh tế và công tác xã hội, từng bước khẳng định vai trò của họ trong xã hội.

Bên cạnh việc trực tiếp triển khai các chương trình/dự án, các TCPCPNN còn tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế. Tại các diễn đàn, hội nghị đa phương khu vực và thế giới, các TCPCPNN đã góp tiếng nói của họ cùng với Việt Nam đấu tranh với những thông tin không chính xác, thiếu khách quan liên quan đến tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam. Mặt khác, các TCPCPNN còn là kênh quan trọng trong việc thúc đẩy, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, cũng như tiến hành các chương trình/dự án hỗ trợ các nạn nhân này. Ngoài ra, các TCPCPNN còn giúp truyền tải thông tin và hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất