Ngày nay, việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người đã trở thành một vấn đề toàn cầu, có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề hòa bình, an ninh và chính sách phát triển của tất cả các quốc gia cũng như việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu khác như lao động, di trú, dân số, môi trường, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố… Như thế, nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà mọi quốc gia, dân tộc đều hướng tới, trong đó có Việt Nam. Không những thế, bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam còn được thế giới ghi nhận là thành tựu to lớn của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển.
Hoàn thành Cơ chế UPR
Cơ chế UPR ra đời năm 2008 theo sáng kiến của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) nhằm rà soát định kỳ tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở các nước thành viên LHQ. Tại UPR, thành tích nhân quyền của các nước sẽ được kiểm điểm định kỳ. Đây cũng là cơ hội để các nước trình bày nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền và khắc phục những thách thức đối với việc thụ hưởng quyền con người ở nước mình.
Tham gia tích cực vào Cơ chế UPR ngay từ năm 2008 với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR. Điều này xuất phát từ thực tế trong công cuộc đổi mới toàn diện mà Việt Nam tiến hành trong những thập kỷ qua, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách, hành động.
Nhìn lại năm 2019, có thể khẳng định một trong những sự kiện nổi bật nhất của năm là Việt Nam đã hoàn thành Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III trước Hội đồng nhân quyền LHQ với những kết quả hết sức tích cực. Báo cáo của Việt Nam đã được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận. Phát biểu trong cuộc họp công bố Báo cáo phát triển con người năm 2019, tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12 năm ngoái, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”. Đây chính là lý do giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu khiến thế giới khâm phục.
Các nước đánh giá Việt Nam đạt được kết quả rất toàn diện, đặc biệt các quốc gia đánh giá cao Việt Nam trong quá trình xây dựng luật. Ví dụ như trong thời gian 4-5 năm chu kỳ giai đoạn từ 2014-2019, chúng ta đã xây dựng được khoảng 100 các văn bản luật khác nhau, trong tất cả cá lĩnh vực về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Bất chấp tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% trong nhiều năm, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD.
Có thể nói 2019 là một năm đáng nhớ khi là năm thứ hai liên tiếp chúng ta giành được nhiều thành tựu quan trọng từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo… và trên hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Công tác phòng và chống tham nhũng, lãng phí; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được tăng cường, đáp ứng tốt nguyện vọng và niềm tin trong nhân dân. Một thành tựu nữa cũng được đánh giá cao là sự gắn bó giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và phát triển bền vững. Bởi vì bảo đảm quyền con người không chỉ là tập trung vào phát triển kinh tế mà còn là phát triển xã hội, trong đó có các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, môi trường, quyền của người lao động...
Chương trình xây dựng nông thôn mới của nước ta đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn chúng ta, góp phần đưa mức sống người dân nông thôn lên một bước cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, diện mạo đô thị ngày càng trở nên hiện đại, tính cạnh tranh được nâng lên. Những sự thay đổi trên thể hiện rõ qua Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam, chỉ số được xác định trên cơ sở các tiêu chí như tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ… Trong gần 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng Chỉ số HDI của Việt Nam luôn được xếp vào nhóm đứng đầu thế giới. Đây là bằng chứng cho thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân. Việt Nam đã trở thành một điểm đến mong muốn của rất nhiều du khách và lao động nước ngoài.
Thế và lực của Việt Nam đang lớn mạnh
Thành công năm 2019 là cơ sở để Việt Nam triển khai mục tiêu trong năm 2020, năm bản lề trong việc thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp tới việc thụ hưởng các quyền của người dân. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Kế hoạch quốc gia để triển khai các cam kết theo Cơ chế UPR chu kỳ III.
Trong phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR tháng 7-2019, các quốc gia đã đưa ra 291 khuyến nghị với Việt Nam. Dù đã đồng ý tới 241 khuyến nghị, một tỷ lệ rất cao là 83%, nhưng Việt Nam vẫn còn những việc cần làm để hoàn thành các khuyến nghị còn lại. Chúng ta sẽ có khoảng 4 năm để triển khai các khuyến nghị UPR mà chu kỳ III vừa rồi đã chấp thuận, trước khi báo cáo ở chu kỳ IV, dự kiến vào năm 2023.
Cách làm của Việt Nam là các khuyến nghị sẽ được phân công cho các bộ, ngành, có sự tham gia của địa phương và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cũng sẽ tham khảo các đối tác nước ngoài để từ đó, xây dựng thành chương trình hành động trình lên Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta cũng sẽ có kiểm điểm việc thực hiện hàng năm những khuyến nghị đã cam kết thực hiện, chương trình hành động trong đó có các vấn đề về xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách, biện pháp triển khai cụ thể như tăng ngân sách, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người... Bộ Ngoại giao cũng cùng các bộ, ngành liên quan có các kiểm điểm giữa kỳ. Cách làm này chúng ta đã làm trong chu kỳ II giai đoạn 2014-2019 vừa qua và được nhiều nước đánh giá rất cao. Chúng ta cũng sẵn sàng hợp tác với các nước, các cơ quan LHQ trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tiến trình này.
Thách thức còn nhiều nhưng như đánh giá của dư luận thế giới, thế và lực của Việt Nam đang lớn mạnh. Trong năm 2020, cùng một lúc Việt Nam đảm nhận những cương vị quan trọng hàng đầu tại các tổ chức quốc tế và khu vực. Đó là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đánh giá về vai trò của Việt Nam, Tiến sĩ Frederick Kliem thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyan (NTU, Xin-ga-po), nhận định Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và là ngôi sao sáng của ASEAN. Tờ Liên Hợp Buổi sáng của Xin-ga-po khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Xét về lực, bên cạnh những yếu tố như môi trường thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, còn có những yếu tố liên quan đến nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người trong thực tế, để người dân có cuộc sống thanh bình trên quê hương mình. Trong khi xu hướng của nền kinh tế thế giới vẫn chưa rõ ràng do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona nhưng báo chí thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tạp chí uy tín Forbes đều đã có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2020 với tốc độ tăng trưởng nhanh.
PV