|
Ảnh minh hoạ
|
Chủ trương khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số
Nhờ đặc thù xuyên biên giới, đa kênh, truyền thông xã hội có tính lan tỏa mạnh mẽ, tiếp cận nhanh chóng tới đối tượng mục tiêu, trong đó đa phần là người trẻ, hiệu quả thông tin đối nội và đối ngoại, trong nhiều trường hợp, còn tỏ ra vượt trội hơn so với truyền thông dòng chính. Thông tin từ các tổ chức, cá nhân trên các kênh truyền thông xã hội chủ yếu là các trải nghiệm của cá nhân, thể hiện sinh động thực tiễn tình hình Việt Nam. Nhờ vậy, riêng trong truyền thông đối ngoại về quyền con người, truyền thông xã hội ngày càng chứng tỏ độ tin cậy, tính khách quan và thuyết phục mạnh mẽ hơn trong truyền thông thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Tuy có tính bổ khuyết quan trọng cho truyền thông dòng chính, nhưng hiện việc ghi nhận, khuyến khích công chúng truyền thông chủ động về quyền con người hiện chưa được tổ chức một cách có chủ đích, chưa có giải thưởng thường niên có uy tín trao cho lực lượng truyền thông này.
Ngày 14-9-2022, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người, trong đó, lần đầu tiên xác định rõ quan điểm “ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta”. Quan điểm trên được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người, bao gồm việc nghiên cứu tổ chức Giải thưởng truyền thông về quyền con người.
Trong thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại về quyền con người ra thế giới, quan điểm trên tiếp tục được thể hiện nhất quán trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15-4-2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Cụ thể là, Chính phủ quyết nghị xác định “Nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo. Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá”.
Tổ chức Giải thưởng truyền thông về quyền con người
Năm 2023, Bộ Thông tin truyền thông đã tiến hành tổ chức thí điểm Giải thưởng truyền thông về quyền con người mang tên “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” với ý tưởng truyền thông đối nội, đối ngoại về thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam một cách gần gũi.
Qua đó, “Việt Nam hạnh phúc” không chỉ là một cuộc thi, không chỉ là một chương trình mà còn là một chuỗi sự kiện truyền thông - một ngày hội của những người Việt Nam cùng cất tiếng nói về cuộc sống hạnh phúc của họ. Hạnh phúc hiện ra sinh động từ các trải nghiệm cá nhân được các tác giả ghi hình, chụp lại, cất tiếng nói về hạnh phúc của chính họ tại Việt Nam.
Mục đích tôn vinh những tác phẩm ảnh/video có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, có tính chân thực, có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn trong thể hiện một Việt Nam giàu đẹp nơi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo, qua đó tạo nguồn dữ liệu cho công tác truyền thông đối nội và đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, quê hương của người dân Việt Nam trong nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; lan tỏa giá trị tích cực, tạo dư địa thuận lợi cho các công tác vận động, đấu tranh trong lĩnh vực quyền con người của Đảng và Nhà nước ta.
Nội hàm “quyền con người” của Cuộc thi thể hiện qua tiêu chí, chủ đề đối với các tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi phải phản ánh chân thực hình ảnh đất nước, con người Việt Nam phát triển, người dân được thụ hưởng các quyền theo các chuẩn mực quốc tế bao gồm quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm đặc thù dân tộc, tôn giáo, các nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, cộng đồng LGBTIs…).
Tác phẩm có tính truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự tôn dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và người nước ngoài yêu quý Việt Nam nhằm chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc.
Cuộc thi có thể được tính là Giải thưởng truyền thông đầu tiên về quyền con người được phát động trên toàn quốc và qua các phương tiện truyền thông phát động tới người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời điểm tổ chức Lễ trao giải cũng rất có ý nghĩa - dịp cuối năm nhân Ngày Nhân quyền thế giới 10-12 - cũng là thời điểm nhiều tổ chức quốc tế ra báo cáo thường niên thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Năm 2023 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tổ chức Cuộc thi với nguồn kinh phí huy động nguồn tài trợ xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và dành toàn bộ cho chi khen thưởng các tác giả đạt giải.
Kết quả thí điểm năm 2023 của Cuộc thi cũng hết sức khả quan. Chỉ sau 4 tháng phát động kể từ tháng 6 đến tháng 10-2023, cuộc thi đã thu hút được hơn 7.000 tác phẩm ảnh và video tham dự từ các tác giả trong nước và quốc tế.
Từ đó Ban tổ chức đã lựa chọn được 28 tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất để trao giải và 70 tác phẩm ảnh, 14 tác phẩm video được trưng bày triển lãm. Trong số các tác giả người nước ngoài tham dự, có 1 tác giả người nước ngoài đạt giải nhì thể loại ảnh.
Đánh giá về hiệu ứng truyền thông, trên nền tảng Vietnam.vn, đã có trên 90 triệu lượt người vào xem 7.000 tác phẩm này, trong đó, trên 40% là từ nước ngoài. Có những tác phẩm được trên nửa triệu lượt người vào xem. Đây là những con số rất lớn, làm bất ngờ chính những người tổ chức.
Sau lễ trao giải ngày 19-12-2023 đến nay, 7.000 bức ảnh và clip dự thi được lưu trữ, khai thác phục vụ 15 cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức và chuyển giao để Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khai thác phục vụ triển lãm bên lề các hoạt động đối ngoại lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Kết quả của năm đầu tiên tổ chức Cuộc thi càng khẳng định một số nhận thức quan trọng sau:
Thi đua - khen thưởng là một trong các biện pháp quản lí nhà nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy hành động của các lực lượng tích cực hơn. Khen thưởng, thi đua được đặt trong quan hệ hữu cơ, tương hỗ với công tác truyền thông, theo đó, truyền thông góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua, phát hiện, cổ vũ và tôn vinh các các tập thể, cá nhân điển hình trong lĩnh vực thi đua.
Mặt khác, các hình thức giải thưởng, khen thưởng và việc tổ chức các hình thức khen thưởng cũng là một trong các biện pháp truyền thông hiệu quả, tạo dư luận xã hội đồng thuận với các chính sách, chủ trương nhất định.
Đối với các lực lượng truyền thông xã hội, họ có thể trở thành một lực lượng truyền thông quan trọng sát cánh với truyền thông báo chí, truyền thông chính sách qua các cơ quan nhà nước. Cái họ cần không phải là nguồn đầu tư kinh phí từ nguồn Ngân sách Nhà nước mà quan trọng hơn chính là sự ghi nhận, bảo trợ và khuyến khích, động viên kịp thời, trong trường hợp này là các Giải thưởng, sự ghi nhận. Làm được như vậy, sức người, sức của – cụ thể ở đây là sự đóng góp bằng sản phẩm sáng tạo nghệ thuật – của nhân dân cho công tác truyền thông về quyền con người là vô hạn và vô cùng hữu hiệu đúng như câu nói của Hồ Chủ tịch “khó trăm lần, dân liệu cũng xong”.
Trong tình hình hiện nay và nhiều năm tới đây, dân chủ, nhân quyền tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước cũng như chính giới quốc tế. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề nhân quyền kết hợp với sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại để tán phát thông tin xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các giải thưởng mang danh nghĩa quyền con người sẽ tiếp tục là hình thức truyền thông được các tổ chức thiếu thiện cảm với Việt Nam trao cho các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, qua đó phản ánh sai lệch thực tiễn nỗ lực, thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Việc duy trì và chính thức công nhận Cuộc thi “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” trở thành sự kiện truyền thông thường niên là rất cần thiết.
Đối với các địa phương, quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ tại Kết luận số 57-KL/TW, Nghị quyết số 47/NQ-CP và Quyết định số 1079/QĐ-TTg như nêu trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Hội Văn học – Nghệ thuật các tỉnh và Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh cần thấy được ở Cuộc thi cơ hội để truyền thông tích cực về địa phương mình, từ đó, góp phần truyền thông tích cực về tình hình đất nước, quảng bá Việt Nam ra thế giới.
Các địa phương nên tham gia một cách tích cực, có dấu ấn đậm nét hơn ngay từ khâu phát động cuộc thi, tổ chức trao giải đến khai thác tác phẩm đạt giải phục vụ truyền thông ở địa phương.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hường
Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông