Không thể quy chụp tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Các thế lực thù địch sử dụng mạng lưới in-tơ-nét để đăng bài, thông tin chống phá tình hình nhân quyền của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Các thế lực thù địch sử dụng mạng lưới in-tơ-nét để đăng bài, thông tin chống phá tình hình nhân quyền của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Lý tưởng và thời đại 

Từ khi thành lập nước, lý tưởng lớn nhất của Đảng và Nhà nước là giải phóng quốc gia, dân tộc và đem lại cho người dân Việt Nam những QCN cơ bản nhất vốn đã bị tước bỏ trong giai đoạn thuộc địa. Lý tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, đồng thời phản ánh khát vọng dân tộc về QCN, về giá trị nhân bản là tự do, độc lập, bình đẳng, hạnh phúc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần khẳng định “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra tầm nhìn “sánh vai với các cường quốc năm châu” với mong muốn vị thế quốc tế ngày càng cao để Việt Nam có thể bảo vệ tốt hơn QCN.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN là kim chỉ nam cho các nỗ lực thúc đẩy tiến bộ và phát triển của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 cũng đã hoàn thiện, bổ sung những nội dung mới về QCN tạo bước ngoặt trong tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa QCN ở Việt Nam, ngày càng bám sát các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về QCN.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã nhấn mạnh việc “thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới” và “đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới”, khẳng định quyết tâm thực hiện con đường đi lên XHCN của Việt Nam. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định rõ ràng “lợi ích quốc gia, dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”, qua đó thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc” một cách cụ thể và thực tế. Những tư tưởng đó về QCN của Tổng Bí Thư Tô Lâm đã và sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy tiến bộ QCN đồng thời kiên quyết bảo vệ, bảo đảm vững chắc thành tựu đã đạt được trước các nguy cơ gây phương hại từ bên ngoài. 

Trong thời đại hiện nay, môi trường quốc tế đang tác động mạnh tới tình hình ở mỗi quốc gia. Do mô hình chính trị quốc tế hiện hành và quá trình toàn cầu hóa sâu sắc đã khiến các quốc gia ngày càng tiến xa hơn trong quá trình hội nhập, liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, đáng chú ý là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Các liên minh, liên kết và xu hướng chọn phe đang tăng lên, giữa một bên là Mỹ cùng đồng minh và đối lập là nhóm các nước mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam phi cùng hàng chục thành viên mới). Nhiều quốc gia tầm trung và nhỏ cũng đang tập hợp để giữ vị thế (như các quốc gia ASEAN đang nỗ lực duy trì vai trò trung tâm).

Bên cạnh đó, chiến tranh và bất ổn đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Vì nhiều nguyên nhân, các nước lớn không trực tiếp xung đột mà thường có xu hướng ủy nhiệm tại quốc gia khác để giải quyết mâu thuẫn (Dải Gaza, U-crai-na...).

Đồng thời, lợi dụng con bài dân chủ, nhân quyền để thúc đẩy diễn biến hòa bình, cách mạng màu lan rộng tại nhiều nước hòng thay thế Chính phủ và hướng lái chính trị theo quỹ đạo của mình, trong đó có tiêu chuẩn kép “nhân quyền trên chủ quyền”…

Về kinh tế, thế giới đang biến đổi mạnh mẽ, không còn giai đoạn toàn cầu hóa bùng nổ mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn các “cơn gió ngược” như chủ nghĩa bảo hộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại và công nghệ... Các nước sử dụng các biện pháp kinh tế để trừng phạt, kiềm chế lẫn nhau làm khó khăn kinh tế càng thêm trầm trọng.

Chẳng hạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến tắc nghẽn dòng chảy hàng hóa, vừa khiến người sản xuất khó khăn vừa khiến người dân ở nhiều nước không thể trả chi phí sinh hoạt cao. Theo số liệu mới công bố, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, số nợ toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 313 nghìn tỷ đô-la Mỹ vào năm 2023.

Mặc dù kinh tế khó khăn, thế giới cũng chứng kiến mức chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023 tăng cao nhất mọi thời đại, đạt mức 2,4 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Ngoài ra, nhiều nước có nền sản xuất lớn đang bất bình về vai trò độc quyền của đồng đô-la Mỹ trong tài chính quốc tế, gọi đây là hình thức “thực dân đặc biệt”...

Ngoài ra, sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương toàn cầu đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Ngày càng có nhiều nước quyết đoán hơn bất chấp phản ứng quốc tế. Trong đó, ASEAN cũng nhận thấy sự suy giảm của chủ nghĩa đa phương và đang nỗ lực củng cố đoàn kết nội khối, tự chủ chiến lược và tránh trở thành nơi ủy nhiệm cho các cuộc cờ chiến lược của nước lớn.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 tại Lào, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kịp thời thông qua các Kế hoạch Tổng thể 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và việc xây dựng các Kế hoạch Chiến lược để thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045... nhằm hoạch định tương lai ASEAN đoàn kết và tự cường hơn.

Xây dựng Việt Nam bản lĩnh, tự cường    

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam luôn xác định những thách thức to lớn và tác động tiêu cực đối với tiến bộ QCN từ bên ngoài. Nguy cơ diễn biến hòa bình, cách mạng màu trong môi trường an ninh thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề đối với tiến bộ QCN ở trong nước. Do đó, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng sức mạnh quốc gia, khẳng định độc lập, tự chủ để xử lý các nguy cơ, thách thức này.

Thứ nhất, từ quan điểm dân tộc và lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về QCN, Việt Nam tin tưởng những đóng góp tích cực cho nhân loại cũng chính là bảo vệ tiến bộ QCN trong nước. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu nỗi đau từ vi phạm QCN, cũng như quý trọng các giá trị hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam cho rằng một thế giới hòa bình và hài hòa là cơ sở quan trọng cho sự tiến bộ QCN ở mỗi nước.

Ngược lại, môi trường hòa bình và ổn định tại Việt Nam sẽ tăng cường tiến bộ QCN của người dân trong nước cũng như đóng góp những giá trị tốt đẹp cho nhân loại. Trên cơ sở đó, trong đấu tranh chống diễn biến hòa bình, cách mạng màu, Việt Nam coi việc phát huy tiến bộ QCN là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục; phát huy sáng kiến mang đậm tính nhân văn, bác ái cùng những hành động thiết thực, thúc đẩy dòng chảy tiến bộ QCN của nhân loại.

Thứ hai, triển khai toàn diện, sâu sắc các giải pháp và loại bỏ các nguyên nhân, mầm mống từ bên ngoài gây ra cách mạng màu. Trước tác động tiêu cực từ biến động chính trị quốc tế, Việt Nam có sự tinh tế trong điều chỉnh chiến lược phát triển, chủ động tham gia vào vấn đề quốc tế nhưng cũng đề cao cảnh giác, phòng ngừa. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đẩy mạnh quan hệ song phương, đa phương chặt chẽ, bảo đảm tính liên quan giữa Việt Nam và dòng chảy toàn cầu. Vừa qua, nhiều cường quốc (4/5 nước Hội đồng Bảo an LHQ cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-lia-a...) đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam. Trong bối cảnh cách mạng màu đe dọa an ninh khu vực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới New York, Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên lề Tuần lễ Cấp cao LHQ) để cùng tái nhấn mạnh nhu cầu đối thoại, hợp tác song phương và mang lại ý nghĩa hết sức thiết thực đối với an ninh quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã làm thất bại âm mưu kích động dư luận trong nước nhằm gây sức ép để điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng lái của các thế lực thù địch, lôi kéo chọn phe, phục vụ các mục đích chính trị của nước lớn. Việt Nam cũng chủ động tham gia các cơ chế QCN của LHQ, ASEAN.

Mới đây, HĐNQ LHQ vừa chính thức thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV với đánh giá cao... Đây là thực tiễn để phản bác các luận điệu xuyên tạc và chứng minh về tiến bộ QCN ở Việt Nam.

Về kinh tế, Việt Nam đã luôn nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để không để ai lại phía sau, tập trung giải quyết các vấn đề bức thiết của người dân như việc làm, nhà ở, cơ hội phát triển... Điển hình là những chính sách hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm giải quyết bài toán vốn, hạ tầng, công nghệ, việc làm và đào tạo nhân lực.

Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như các các tuyến đường cao tốc kết nối cao, các khu công nghiệp và cảng biển, tạo lập không gian phát triển mới... để vừa tích lũy nguồn lực vừa làm tiền đề phát triển vững chắc nền kinh tế. Các chính sách kinh tế vĩ mô này đã và đang phát huy hiệu quả để hài hòa lợi ích, cơ hội phát triển cho người dân trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang từng bước nâng cao khả năng xử lý các vấn đề dân sinh. Những bất đồng trong sinh hoạt thường nhật sẽ phát sinh theo thời gian và các thế lực âm mưu tiến hành diễn biến hòa bình, cách mạng màu luôn muốn lợi dụng, thổi phồng.

Thứ ba, công cuộc chống tham nhũng do Đảng khởi xướng giúp củng cố con đường đi lên XHCN kéo theo tiến bộ QCN. Từ khi ra đời, các mô hình xây dựng xã hội XHCN đầu tiên đã thúc đẩy tiến bộ QCN. Thế kỷ XX cung cấp không gian, thời gian để chủ nghĩa Mác - Lênin cho thấy tính khả thi của hình thái xã hội mới, từ lý luận tới mô hình thực tiễn với tiến bộ QCN được nâng lên tầm cao mới (tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, thúc đẩy giải phóng thuộc địa...).

Trong thế kỷ XXI này, sứ mệnh của Viêt Nam là tiếp tục hoàn thiện và tiên phong chứng minh con đường phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn quá độ lên XHCN. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định về “định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới”.

Để thực hiện sứ mệnh đó, công cuộc chống tham nhũng xóa bỏ các nhóm lợi ích, loại bỏ tham nhũng cơ chế, từ đó cởi trói cho nguồn lực, điều kiện phát triển để Việt Nam có thể vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Chống tham nhũng sẽ là chủ trương được thực hiện xuyên suốt, lâu dài và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong các thập kỷ tới.

Quá trình đấu tranh với loại tội phạm này đã phát hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn tham nhũng, hối lộ chưa từng có và đến từ bên ngoài; góp phần hoàn thiện pháp luật, kinh nghiệm, cơ chế chống tham nhũng. Ngoài ra, chống tham nhũng hiệu quả đã góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân, Đảng viên, cán bộ chiến sĩ, bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Những luận điệu không có gì mới, nhưng hết sức độc hại, gieo rắc hoang mang nghi ngờ phân tâm. Đây là âm mưu của họ, nhưng có làm được hay không là do ta. Biết bao nhiêu hi sinh xương máu rồi, ta luôn bản lĩnh vững vàng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng, thì họ không làm gì được”.

Nhìn chung, nguy cơ cách mạng màu luôn thường trực đe dọa tới an ninh của Việt Nam, làm xói mòn và nguy hại đến tiến bộ QCN trong nước. Làn sóng cách mạng màu đã và sẽ gia tăng trong thời gian tới do các nước lớn tìm cách điều hướng các nước theo tính toán lợi ích riêng.

Quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã để lại di sản về con đường tự quyết định vận mệnh, độc lập, tự do, hạnh phúc mà Đảng, Nhà nước đã kiên định coi đó là nền tảng để bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam. Đồng thời, gắn kết nỗ lực tiến bộ QCN trong nước với các giá trị chung, phổ quát và đóng góp những giá trị tốt đẹp cho nhân loại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất