Thực trạng phát triển kinh tế số
Thuật ngữ “kinh tế số” đã được đề cập từ trước khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 (khoảng năm 2008). Và từ đó đến nay kinh tế số trở thành xu thế phát triển, vì nó gắn với công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, dữ liệu lớn... Theo quan niệm của Đại học Oxford (Anh), kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, dữ liệu số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua mạng in-tơ-nét.
Ở nước ta, việc phát triển kinh tế số chính thức bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ngày 3-6-2020. Phát triển kinh tế số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số để đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Đây là vận hội để nước ta đi đầu, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của đất nước.
|
Trong kinh tế số, các ngành, lĩnh vực đều được thông minh hóa, tối ưu hóa nhằm hướng đến đổi mới căn bản việc nâng cao trải nghiệm, chất lượng cuộc sống, chủ động tự thực hiện và bảo vệ quyền con người của mỗi người trong sản xuất - kinh doanh.
|
Lợi thế của Việt Nam là dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chủ trương lớn được quyết định, triển khai, thực hiện thống nhất và nhanh chóng ở tất cả các cấp, các ngành. Nếu đi đầu thực hiện phát triển kinh tế số thì công nghệ mới sẽ chuyển dịch về nước ta và vì đi đầu mà nhân lực công nghệ thế giới sẽ di chuyển đến Việt Nam. Bởi những nguồn lực này luôn di chuyển đến chỗ nào có thị trường. Bằng việc đi đầu về cái mới mà Việt Nam tạo ra thị trường về cái mới. Thị trường mới luôn là thỏi nam châm thu hút và tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện công nghệ mới, chứ không phải như trước đây, có công nghệ mới thì mới có thị trường.
Bằng việc đi đầu trong chuyển đổi số, mà nhân cách, phẩm giá và quyền của mỗi cá nhân luôn đổi mới để trở thành người tỉnh táo nhất, năng động nhất nhằm góp phần thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Kinh tế số, vì thế, được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh thành quốc gia có công nghệ phát triển.
Năm 2018, theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường kinh tế số Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và chiếm 1/8 tổng giá trị 72 tỷ đô-la Mỹ (tương ứng khoảng 11%). Dự báo quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 tăng lên 240 tỷ đô-la Mỹ và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số khu vực.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố ngày 12-5-2022, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 2 con số (trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ đô-la Mỹ). Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát và phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19.
Do tác động của đại dịch COVID-19, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến, hình thành làn sóng thứ hai thúc đẩy sự phát triển của TMĐT trong các năm 2022-2025. Tuy vậy, hiện chưa thể thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các địa phương. Đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số TMĐT với 90,6 điểm, tăng gần 23 điểm so với 67,6 năm 2021. Hà Nội ở vị trí thứ 2 với 85,9 điểm. Điểm số này đã tăng tới 30,2 điểm so với năm 2021. TP. Hồ Chí Minh vượt trội ở cả 3 chỉ số: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Phát triển kinh tế số gắn với quyền con người
Hoạt động kinh tế trong môi trường số cũng tương đồng với môi trường kinh tế thực. Vì thế, phát triển kinh tế số vì quyền con người trước tiên và cơ bản đòi hỏi mỗi người sản xuất - kinh doanh cần không ngừng học tập, chủ động, tích cực thay đổi, đổi mới, thích nghi, điều chỉnh nhân cách, phẩm giá và quyền của mỗi cá nhân, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong kinh tế số, các ngành, lĩnh vực đều được thông minh hóa, tối ưu hóa nhằm hướng đến đổi mới căn bản việc nâng cao trải nghiệm, chất lượng cuộc sống, chủ động tự thực hiện và bảo vệ quyền con người của mỗi người trong sản xuất - kinh doanh.
Tháng 9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Trên cơ sở đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Kinh tế số cho phép và đòi hỏi mỗi người sản xuất - kinh doanh có quyền tiếp cận toàn bộ thị trường một cách tổng quát và nhanh chóng. Thay vì mang hàng ra chợ bán tiếp cận được số ít người, trong kinh tế số, họ có thể bán hàng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Mỗi hộ sản xuất - kinh doanh với chiếc điện thoại thông minh và đường truyền in-tơ-nét, có thể trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Những lợi ích của kinh tế số mang lại vô cùng lớn lao nếu các quốc gia, trong đó có Việt Nam biết nắm bắt cơ hội và có chiến lược đầu tư thích đáng.
Để kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh, đạt 30% GDP (ngang bằng với đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo), đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, thứ 3 trong khu vực ASEAN và đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc năm 2030, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Thứ nhất, luật hóa những nội dung cơ bản của kinh tế số để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho triển khai, thực hiện chương trình phát triển kinh tế số. Đến nay, đã cơ bản có khung khổ pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế số với nhiều bộ luật như: Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), Luật An ninh mạng (2018), kể cả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg.
Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình này, cần chú trọng nghiên cứu, đề xuất thêm những chính sách ưu đãi thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, chú trọng đầu tư phát triển mạnh đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số và nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế số. Hiện nay, hạ tầng viễn thông nước ta chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số an toàn, an ninh thông tin ở mức thấp, nhất là trong khối doanh nghiệp. Nguồn nhân lực, đặc biệt số lượng nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số, còn khiêm tốn, lại chưa bảo đảm chất lượng. Đây được xem là một thách thức lớn đối với sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Vì thế, cần triển khai một số giải pháp đầu tư hữu hiệu để phát triển mạnh số lượng, chất lượng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số để triển khai mạnh ứng dụng kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa Chính phủ điện tử…
Đặc biệt, cần triển khai các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được thừa hưởng những tiện ích do kinh tế số mang lại và nhằm phát triển bền vững kinh tế số.
Thứ ba, xác định trách nhiệm của người lãnh đạo và chuyên gia công nghệ số. Do chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, nên ở mỗi tổ chức, việc thay đổi này trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo, bởi nếu ngược lại thì không ai dám làm và có thể làm; đồng thời cũng là trách nhiệm của tất cả mọi thành viên trong tổ chức, đặc biệt chuyên gia công nghệ số với tư cách là người có khả năng và trách nhiệm biến vấn đề phức tạp thành giải pháp đơn giản.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp: Cần tích cực nắm bắt cơ hội và bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu. Chủ động đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm tích cực tham gia phát triển kinh tế số, nhanh chóng phát triển dịch vụ in-tơ-nét di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông in-tơ-nét quốc tế. Trọng tâm là tập trung phát triển đa dạng, hấp dẫn sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam.
Đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo: Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như in-tơ-nét kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ rô-bốt… Muốn vậy cần tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận đại trà lĩnh vực này càng sớm càng tốt.
Đối với các ngành kinh tế: Chẳng hạn đối với nông nghiệp, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Coi trọng việc xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” nhằm bảo đảm mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản và đẩy mạnh phát triển TMĐT trong nông nghiệp. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ công tác quản lý nông nghiệp để có các chính sách, cách thức điều hành kịp thời, hiệu quả với diễn biến thời tiết, mùa vụ… nhằm phát triển bền vững nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý đối với quy hoạch phát triển nông nghiệp.