|
Bản phúc trình hằng năm của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam
|
Lật lại bản “Phúc trình toàn cầu 2024” dài 740 trang công bố ngày 11-1-2024 của tổ chức này thấy rõ bản chất chống phá khi cố tình đưa ra những nhận định thiếu căn cứ khi quả quyết rằng, trong năm 2023 “chính quyền Việt Nam đã đè nén các quyền dân sự và chính trị cơ bản… tiếp tục cấm thành lập công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền cũng như đặt các nhóm tôn giáo độc lập ra ngoài vòng pháp luật".
Lộ rõ bản chất xuyên tạc
Trong lĩnh vực nhân quyền, HRW cùng với các tổ chức Ân xá quốc tế, Phóng viên không biên giới, Freedom House,… và hàng chục tổ chức nhân quyền khác (hội, mạng lưới,…) đều có chương trình nghị sự riêng, có các nguồn tài trợ riêng, có các dự án với các tiêu chí riêng. Cho nên họ làm gì, khen ai, chê ai đều theo tiêu chí và mục đích của họ.
Việc khen, chê hay vinh danh về nhân quyền của các tổ chức này thường chỉ có “giá trị tham khảo” mà không có tính chính danh và đương nhiên không có giá trị pháp lý. Những cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu phong tặng của các tổ chức này, thực ra cũng chỉ là loại hình “truyền thông đại chúng” truyền kỳ không dứt về những câu chuyện “vi phạm nhân quyền” hay “đấu tranh” cho nhân quyền theo cách nhìn của họ mà thực ra, không được đánh giá cao.
Các cơ quan chính phủ nhiều nước cũng như các tổ chức quốc tế, các cá nhân nghiên cứu về quyền con người, nếu có sử dụng thông tin của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Phúc trình nhân quyền hàng năm của HRW, chỉ là để tham khảo, chứ không có giá trị về mặt pháp lý.
Trên trường quốc tế, từ năm 2006, báo cáo của HĐNQ LHQ mới thể hiện tính pháp lý quốc tế chính thức. Các quốc gia thành viên LHQ đều căn cứ vào báo cáo này để xem xét những cam kết quốc tế nhằm thúc đẩy thực hiện quyền con người tại quốc gia mình theo cơ chế của HĐNQ LHQ.
Là tổ chức phi chính phủ, HRW bị chi phối bởi sự bảo trợ, nguồn kinh phí hoạt động của nhiều nước, chủ yếu các quốc gia Bắc Mỹ, Tây Âu. Chẳng hạn vào năm 2019, trong hoạt động tài chính của HRW thì 75% đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và chỉ chưa đầy 1% đến từ các khu vực khác. Sự phụ thuộc về tài chính cho thấy, HRW bị thao túng và thực hiện theo những mưu đồ tư tưởng, chính trị của phương Tây.
Cho nên rất nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Cu-ba, Xri-lan-ca, Ê-ti-ô-pi-a, Sy-ri, vê-nê-xuê-la,... phản đối những nội dung báo cáo của tổ chức này là phiến diện, sai sự thật, can thiệp vào công việc nội bộ, làm phức tạp tình hình thực tế. Ngay ở Mỹ, nhiều người cũng biểu tình, phản đối và yêu cầu tổ chức này đóng cửa các trụ sở của mình do những báo cáo đầy thiên vị, với những bằng chứng sai lệch.
Hằng năm, HRW đều bị chỉ trích gay gắt trên một số cơ quan báo chí tại nhiều nước, chí ít cũng trên 4 phương diện: (i) ít nghiên cứu đầy đủ thông tin trước khi viết báo cáo; (ii) báo cáo thiên vị và sai sự thật; (iii) báo cáo theo kiểu trục lợi ý thức hệ; (iv) nguồn vốn hoạt động bất minh. Dễ thấy nhất đó là việc gây quỹ, HRW đã lợi dụng tâm lý chống Israel để viết báo cáo gây thiện cảm với các tín đồ Hồi giáo nhằm gây quỹ tại những nước Ả Rập giàu có.
Đặc biệt HRW và các tổ chức nêu trên đã sử dụng thông tin nhằm tập trung chống lại các nước trái ý thức hệ tư bản phương Tây. Năm 2008 Venezuela đã trục xuất tất cả các thành viên của HRW vì các lời chỉ trích của họ chịu quá nhiều ảnh hưởng từ chính phủ Mỹ. Ở Trung Đông, HRW can dự vào chính trị đến mức, người sáng lập đồng thời đã lãnh đạo trong suốt 20 năm và là chủ tịch danh dự của tổ chức này, Human Rights Watch Robert Bernstein, vào ngày 19-10-2009, đã chỉ trích công khai về vai trò của HRW trong cuộc xung đột Ả rập - I-xra-en. Nhưng bản thân ông này vốn là một người kinh doanh ngành xuất bản, cũng bị chỉ trích là người “anti-Israel” - chống I-xra-enl[2]. R.Murdoch, ông chủ tờ Thời báo (The Times), đã cáo buộc HRW thiếu kiến thức chuyên sâu, đưa tin không chính xác về cuộc chiến tại dải Gaza, Ap-ga-ni-xtan.
Ngày 28-11-2014, Bộ Truyền thông và Thông tin của Thái Lan đã ra lệnh cấm trang mạng của tổ chức HRW, bởi HRW đã vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của Thái Lan. Như vậy, HRW chính là một trong những công cụ chính trị đắc lực phục vụ chiến lược tư tưởng, chính trị của các nước tư bản phương Tây, đặc biệt để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền.
Những cáo buộc vô căn cứ
Phúc trình toàn cầu năm 2024, cũng giống như các bản phúc trình trước đây, vẫn lặp lại những cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền Việt Nam. Việc bác bỏ và lên án HRW bởi những lý do sau đây:
Về bảo đảm nhân quyền theo Hiến pháp, pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người: HRW sử dụng thuật ngữ “tù nhân lương tâm” (Prisoner of conscience) để chỉ những người đã bị bắt giam, mà theo họ “chỉ vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ” một cách không bạo động. Họ thừa nhận đây là những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Thuật ngữ “tù nhân lương tâm” là sự lai ghép yếu tố đạo đức và pháp luật khi không có đủ bằng chứng pháp lý để tìm cách cổ vũ các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị nhằm xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
|
Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.
|
Quyền con người, theo cách hiểu chung nhất, là các quyền tự nhiên, xuất phát từ phẩm giá vốn có của con người, được pháp luật quốc tế và quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Những nhân vật lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, chống tiêu cực, từ thiện, môi trường... là để tuyên truyền chống phá chính quyền và vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Các báo cáo, đánh giá dựa trên nhãn quan như của HRW chỉ dựa vào thông tin của những kẻ sử dụng lá bài dân chủ, nhân quyền để phục vụ ý đồ chính trị của HRW và trục lợi bản thân. Thực tế các nhân vật giảo hoạt này mượn cách “đấu tranh nhân quyền” để được bảo lãnh cư trú ở phương Tây (Cù Huy Hà Vũ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Bắc Truyền,...).
Việc bắt giữ, xét xử và giam giữ các đối tượng này được thực hiện theo quy trình tố tụng chặt chẽ, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật và Tòa án. Họ được xét xử bởi một Tòa án công khai và công bằng. Vì thế, các đối tượng mà HRW gọi là “tù nhân lương tâm” khi được xét xử tại tòa thì hầu hết đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, thừa nhận không hiểu biết pháp luật, thực hiện hành vi do nhận tiền và bị xúi giục, thậm chí bị đe dọa, nên buộc phải tham gia.
Thực chất, một số người hoạt động môi trường như cách gọi của HRW bị bắt giữ do liên quan đến tội trốn thuế được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, và đã được trả tự do (như bà Hoàng thị Minh Hồng vào tháng 9-2024).
HRW cũng phê phán Việt Nam bỏ tù những người hoạt động bảo vệ môi trường và hạn chế các quyền dân sự, chính trị nói chung. Sự tố cáo này của HRW là hoàn toàn vô lý, bởi Việt Nam là quốc gia tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu; và đang thực hiện cam kết của Thủ tướng chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu - COP26 (2021), COP27 (2022) và COP28 (2023) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo Quyết định số 888/2022/QĐ-TTg, ngày 25-7-2022.
Chính phủ Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp tổng thể trong chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn gắn với bảo đảm nhân quyền. Vì thế Việt Nam đã cùng Phi-líp-pin và Băng-la-đét soạn thảo nghị quyết liên quan đến biến đổi khí hậu và quyền con người, để trình khóa họp 53 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tại Việt Nam, hàng trăm tổ chức xã hội, tôn giáo, phi chính phủ đang tăng cường đa dạng hóa hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Họ được hoạt động theo qui định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và nếu vi phạm sẽ bị xử lý công khai, công bằng bằng pháp luật. Đây là bằng chứng cụ thể trong việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị.
Việt Nam là thành viên tích cực của các thể chế nhân quyền LHQ và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người: Đến nay Việt Nam đã tham gia/ký kết hoặc phê chuẩn 7/9 công ước quốc tế về nhân quyền. Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia; định kỳ rà soát kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ nghiêm túc với Hội đồng nhân quyền LHQ. Đăc biệt, Việt Nam là thành viên Ủy ban Quyền con người năm 2001-2003. Từ, Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ chế quan trọng nhất về nhân quyền trong hệ thống LHQ.
Từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập (năm 2006), Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng này: Năm 2013, lần đầu tiên trúng cử nhiệm kỳ 2014-2016; năm 2022 trúng cử nhiệm kỳ (2023 - 2025) và đang nỗ lực tái ứng cử nhiệm kỳ (2026-2028) để tiếp nối những đóng góp và cam kết.
Rõ nhất về hoạt động chống phá Việt Nam mỗi khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đối thoại về nhân quyền, HRW đều gửi tờ trình. Gần đây, ngày 15-5-2024, HRW lại gửi “Tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam”[3] để đòi hỏi những yêu sách vô lý về nhân quyền. Trong khi, từ trước đó (5-11-2020), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao EU về An ninh và Đối ngoại Josep Borrell đã nhận định: "Việt Nam là một đối tác song phương hấp dẫn của EU cũng như thông qua tư cách thành viên ASEAN và LHQ, nơi Việt Nam đã thể hiện cam kết rõ ràng của mình đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ…".[4]
Gần đây, tại Phiên Thông qua báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, rong khuôn khổ khoá họp 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ), HRW tiếp tục dùng nhiều chiêu trò, tung nhiều bài viết nhằm hạ bệ uy tín của Việt Nam, cáo buộc Việt Nam không có nhân quyền. Tuy nhiên, ngày 27-9-2024, HĐNQ LHQ đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.
Trước đó, tại Phiên đối thoại quyết định về báo cáo quốc gia vào tháng 5-2024, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam và chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại, đạt tỉ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Điều này đã luận chứng đanh thép, khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Có thể khẳng định, ở Việt Nam, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững và được cộng đồng thế giới ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Cho nên HRW, nếu tự cho mình quyền phán xét việc bảo đảm nhân quyền của các quốc gia thì cần phải tuân thủ nguyên tắc: bảo đảm sự công minh của pháp luật quốc tế hài hòa với pháp luật quốc gia sở tại.
HRW - tiền thân là tổ chức Helsinki Watch do Robert L.Bernstein (1923-2019) thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô, phục vụ chiến tranh Lạnh của phương Tây nhằm chống các nước XHCN, như tìm kiến thông tin và hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại các nước này.
Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích, và đổi tên thành Human Rights Watch (HRW). Hiện HRW có trụ sở tại: New York, Amsterdam, Beirut, Berlin, Brussels, Chicago, Geneva, Johannesburg, London, Los Angeles, Nairobi, Paris, Oslo, San Francisco, São Paulo, Silicon Valley, Sydney, Sweden, Tokyo, Toronto, Washington D.C., Zürich.
|
PGS,TS. Nguyễn Thanh Tuấn