Mới đây, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã đề cập đến những kinh nghiệm quốc tế trong báo cáo về xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Theo UNDP, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái là chính sách xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay.
Vai trò cơ bản của phụ nữ trong giảm nghèo là một trong những bài học sâu sắc nhất về kinh nghiệm phát triển hiện nay. Ở hầu hết các nước đang phát triển, phụ nữ đóng vai trò chính trong sản xuất thực phẩm và là người bảo vệ môi trường, giáo dục trẻ em và nuôi dưỡng gia đình. Họ chiếm 1/4 lực lượng lao động trong ngành công nghiệp và 1/3 trong ngành dịch vụ.
Trong nhiều năm, có nhiều chính phủ và các tổ chức phát triển nhìn nhận phụ nữ như “vô hình”. Vì vậy, sự tiến bộ trên toàn thế giới về phát triển kinh tế - xã hội trong ba thập kỷ qua đã không mang lại các lợi ích tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Do đó, đầu tư nhiều hơn cho phụ nữ hiện nay là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo hiệu quả hơn.
Báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng lao động không được trả lương của phụ nữ tăng thêm 10 nghìn tỷ đô-la mỗi năm, tương đương 13% GDP toàn cầu. Phụ nữ sở hữu ít hơn 20% diện tích đất nông nghiệp ở một số vùng của châu Phi và châu Á, nhưng lại chiếm 60% lực lượng lao động nông nghiệp (FAO, 2016).
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.
|
UNDP Việt Nam đã thử nghiệm và nhân rộng sáng kiến 4M (Gặp gỡ/Meet - Kết nối/Match - Đồng hành/Mentor - Phát triển/Move) - trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý điều hành các hợp tác xã tại tỉnh Bắc Kạn, Đắk Nông, Lào Cai và Sơn La trong các năm 2019-2022. Nhờ đó, 169 hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ tại 4 tỉnh, với 15.442 người dân tộc thiểu số (trong đó 78% là phụ nữ dân tộc thiểu số) đã duy trì và phát triển sản xuất, doanh thu trong đại dịch COVID-19. Với 95% hợp tác xã chuyển đổi phương thức quản lý kinh doanh từ chợ và các công cụ quản lý truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo giám sát cập nhật đến cuối năm 2022 cho thấy 93% hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ được UNDP hỗ trợ (2019-2022) vẫn đang hoạt động và duy trì mức tăng trưởng doanh thu trên 20% mỗi năm.
PV