Nhật ký mùa chống dịch
Thanh niên tình nguyện quận Hải Châu, Đà Nẵng tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ các lực lượng chống dịch.
Bài 1. CÓ QUA BAO LẬN ĐẬN MỚI TỎ HẾT LÒNG NHAU


Cơn bão COVID-19 lần thứ 2 ào quét đến, mà "tâm bão" lại chính là Đà Nẵng, nơi chúng tôi đang sống. Từ một trạng thái hằng ngày ra đường là gặp rất đông du khách thập phương đến trải nghiệm ở thành phố vẫn được coi là nơi đáng sống. Giờ đây, mỗi ngày thức dậy, việc làm đầu tiên của mỗi người là xem tin tức, đếm số người dương tính và chia sẻ nỗi đau từ mỗi ca tử vong.
Khi tôi ngồi trong phòng viết những dòng này, ngoài kia trời đang đổ nắng. Người ta cứ nói xứ miền Trung “nắng lửa, mưa dầu”, vì thế người miền Trung thường khô khan, khắc khổ… Những ngày này, cả nước gồng mình chống dịch, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế là hỏa tuyến. Mỗi ngày, nghĩ và ngắm nhìn các thanh niên, thiếu nữ tuổi đôi mươi tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch dưới trời nắng nóng, lòng bao người quặn thắt. Trên những gương mặt tươi trẻ thường chứa đầy nụ cười, giờ như sạm sắt lại, và đó đây lấp ló những vết hằn nhăn. Vết nhăn không phải vì năm tháng, mà là dấu tích của những chiếc khẩu trang ép chặt, suốt ngày…
Kể từ sau đợt bùng phát lần thứ 2 dịch bệnh SARS-CoV-2, chấp hành lệnh của Chính phủ, tôi và rất nhiều người chỉ ở trong nhà, hạn chế ra đường, dù chỉ là đi bộ tập thể dục. Ai cũng nhận thức cao về nguy cơ lây nhiễm. Khẩu hiệu “Chúng tôi chiến đấu vì bạn, và bạn hãy ngồi yên vì chúng tôi” của các lực lượng chống dịch đi vào lòng người dân một cách tự nhiên, với đầy đủ trách nhiệm và sự kính trọng.
Khi tôi ngồi trong phòng viết những dòng này, ngoài kia rất nhiều các thanh niên, thiếu nữ, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, tưởng đang chỉ biết học hành, vui chơi, lại đã trở thành những chiến sĩ thực thụ trên tuyến đầu chống dịch. Họ đến từ nhiều nguồn. Họ không chỉ là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng còn quá trẻ của các bệnh viện, mà có thể là sinh viên các ngành y, dược, đáp lời kêu gọi của nhà trường, của địa phương có dịch, sớm trở thành những thiên thần áo trắng, ngày đêm phụ lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc người bệnh. Họ không chỉ là cán bộ, công chức, viên chức ăn lương Nhà nước, mà có thể mới là sinh viên, học viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học bị “kẹt” giữa vùng dịch, không thể về nhà khi trường học đóng cửa, cũng không có việc làm thêm để kiếm sinh hoạt phí vì các cơ sở dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động. Rất khó khăn, tiết kiệm từng gói mì tôm, quả trứng, song sức trẻ tuổi hai mươi vẫn thúc giục họ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch do nhà trường phát động. Họ, không chỉ là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội thi hành lệnh của Đảng, Nhà nước, mà có người còn chưa đến tuổi công dân, cơm ăn vẫn còn do mẹ nấu, khi từng thôn, tổ dân phố phải cách ly, thì họ mỗi ngày, vẫn lặng lẽ rời nhà, tham gia vào các đội quân xung kích, tổ tự quản, thực hiện nhiệm vụ giám sát cộng đồng, canh giữ bên ngoài các khu cách ly, giữ gìn an ninh trật tự đường phố. Họ, không chỉ là các doanh nhân trẻ đã hỗ trợ nhiều hàng hóa, kinh phí phục vụ chống dịch, mà có người chỉ là anh thanh niên chạy xe ôm công nghệ, là cô gái bán thức ăn vỉa hè, chân chất, giản dị. Nhưng khi dịch ào đến, không cần động viên, hô hào, họ tự mình trở thành lực lượng xung kích, sẵn sàng làm “cửu vạn” khuân vác đồ tiếp tế, hay thành “vua đầu bếp” với những món ăn nóng hổi mỗi sáng, mỗi khuya. Tất cả làm ấm lòng, tăng sức cho lực lượng chống dịch.
Khi được hỏi: có sợ bị lây nhiễm không? Ai cũng trả lời: sợ chứ, nhưng… Và nụ cười lại lóe lên trên những đôi mắt không giấu được sự mệt mỏi, nhưng ấm và sáng. Ấm bởi lòng người và sáng bởi niềm tin.
Văng vẳng đâu đây lời ca của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm: "Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu…".
Tất cả, chúng tôi và họ - những thanh niên, thiếu nữ tuổi đôi mươi, đang sát cánh cùng cả hệ thống chính trị, cùng tất cả các lực lượng xã hội trên mặt trận chống dịch, đều có một niềm tin chắc chắn. Tin về một Việt Nam đồng lòng, sẻ chia, tin về cuộc chiến đấu thấm đẫm tình người vì một ngày mai chiến thắng!

Phản hồi (2)

Trần Hằng 22/08/2020

Bài viết thật xúc động, góc nhìn sâu sắc, chân thật. Thương biết bao những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch. Quả thật ở ĐN, chứng kiến những gì diễn ra ở nơi đây trong 1 tháng qua mới thấy thấm đẫm tình người trong hoạn nạn! Mong ĐN thân yêu sớm vượt qua khó khăn này!

Nguyễn Tấn Tài 22/08/2020

Trân trọng cảm ơn tác giả Bạch Yến với những ghi nhận, đánh giá, nhận định nhẹ nhàng mà sâu sắc, đơn giản mà thắm đẫm nghĩa tình! Đà Nẵng đang sống trong những ngày khó khăn nhất, nhưng cũng oai hùng nhất! Nhưng sau tất cả, “Và nụ cười lại lóe lên trên những đôi mắt không giấu được sự mệt mỏi, nhưng ấm và sáng“. Xin cảm ơn vì tất cả! Đà Nẵng cố lên!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất