Nhật ký mùa chống dịch (tiếp theo và hết)
Nhịp sống trở lại với thành phố đáng sống.
Bài 5. NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP 
Tính đến cuối ngày 18-9-2020, đã qua 16 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đà Nẵng, vùng tâm dịch thì đã qua 22 ngày. Cả thành phố mừng vui. Không có cuộc hò reo, không có tiệc chào mừng, người Đà Nẵng cẩn trọng trong quyết tâm trở lại trạng thái bình thường của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. 

Các khung rào chắn, dây băng, biển báo hạn chế đi lại ở đầu các chốt cách ly, chốt kiểm soát y tế cửa ngõ ra - vào thành phố, bệnh viện, chợ, các khu dân cư, thôn, tổ, ngõ hẻm… lần lượt được tháo gỡ. Nhiều bệnh viện, trong đó có nơi từng là “ổ dịch” đã được làm sạch và trở lại khám, chữa bệnh bình thường. Các đoàn cán bộ y, bác sĩ từ các địa phương đến hỗ trợ cho Đà Nẵng lần lượt chia tay trở về, để lại phía sau lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân, tình đoàn kết, gắn bó và kinh nghiệm trong chuyên môn của Ngành Y tế Đà Nẵng. 

Hàng quán mở bán, dù chưa nhộn nhịp, cũng tạm đủ để phục vụ cho người lao động có bữa sáng ấm bụng, bữa trưa, bữa tối no lòng. Các quán cà phê có người vào ra, nét căng thẳng trên gương mặt khách hàng những ngày qua được thay bằng những nụ cười an nhiên. Việc kiểm soát tần suất bán hàng của tiểu thương, đặc biệt là tần suất đi chợ của người dân bằng “Thẻ vào chợ” (3 ngày/1 lần) được bãi bỏ; các mặt hàng được nhập về nhiều hơn, giá cả giảm nhẹ về mức trước khi có dịch. 

Biển Mỹ Khê, biển Thanh Bình vắng tanh gần 2 tháng, giờ đã nhộn nhịp người đến tắm biển, tập thể thao, dạo mát. Xe buýt được trợ giá trở lại hoạt động đón đưa công nhân, người lao động tự do đến nhà máy, công trình. Tắc-xi đã chạy khắp nội đô phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là đón và trả khách cho các điểm sân bay, bến xe, ga tàu. 

Không còn phải hạn chế số lượng người tập trung cùng một lúc, các cơ sở giáo dục - đào tạo triển khai các kế hoạch dạy và học. Học sinh, sinh viên được đến trường, bước vào năm học mới với niềm hân hoan sau thời gian phải học qua trực tuyến.

Học sinh trường THPT Trần Phú thực hiện biện pháp phòng dịch ngày tựu trường.

Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) được người dân duy trì thực hiện. Đường phố chưa đông đúc bởi ý thức chấp hành quy định hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Hình ảnh những chiếc khẩu trang vẫn là một phần bắt buộc của mọi người khi ra khỏi nhà, song nay trở thành “thời trang”, đẹp hơn bởi hình dáng phong phú, nhất là màu sắc không chỉ đen, trắng mà còn xanh, hồng, tím, hoa văn in sẵn, thêu tay...

Nhìn lại quãng thời gian gần 2 tháng chống dịch, người dân Đà Nẵng thật sự “tâm phục, khẩu phục” công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Những kinh nghiệm mang lại thành công trong cuộc chiến chống dịch lần này có thể kể đến:

Một là, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tâm, hết mình của các lực lượng xã hội đã tạo cho Đà Nẵng một sức mạnh to lớn trước bão dịch. Đặc biệt, sau 7 ngày không có ca mắc mới trên địa bàn, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 3-9-2020 “về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay”. Trên cơ sở đánh giá tình hình của đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 7-2020 và dự báo những nguy cơ có thể cho đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, Chỉ thị yêu cầu “các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể thành phố quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy đề ra và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc lãnh đạo tổ chức thực hiện, đặc biệt là ban cán sự đảng UBND, đảng đoàn mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các chi bộ, đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Tất cả với tinh thần “quyết tâm” về ý chí, “quyết liệt”, “nỗ lực”, “chủ động” trong hành động để chuyển Đà Nẵng vào trạng thái mới - an toàn trước dịch mà vẫn duy trì được sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội. Đoàn kết, nỗ lực, chấp hành nghiêm và chia sẻ tình thương, trách nhiệm là các giá trị được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng xây dựng vững bền từ trước, nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, sự chỉ đạo và hỗ trợ các nguồn lực từ Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trên nhiều phương diện, nhất là ngân sách và bộ máy, đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp chống dịch đã tiếp thêm sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần cho Đà Nẵng. Trong các buổi chia tay các đoàn cán bộ y, bác sĩ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định… hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch trở về địa phương, các đồng chí lãnh đạo TP. Đà Nẵng đều xúc động thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc… Có thể thấy, nếu không có sự hỗ trợ của Trung ương, sự đồng cam cộng khổ, nỗ lực, hy sinh của các tập thể y, bác sĩ tình nguyện đến với Đà Nẵng, chắc hẳn cuộc chiến chống COVID-19 chưa có thắng lợi như bây giờ. Song, đúng như đánh giá của nhiều đoàn công tác, nếu không có tâm thế quyết liệt, sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, đầu tư về trang thiết bị, vật tư y tế thì dù lực lượng chi viện có hùng hậu đến đâu cũng sẽ khó lòng đẩy lùi dịch bệnh sớm như vậy.

Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền của các lực lượng dân vận của Đảng, chính quyền, đoàn thể được triển khai quyết liệt, đồng bộ, với nhiều hình thức (qua đài, báo, mạng in-tơ-nét, facebook, zalo, qua cổ động bằng pa-nô, khẩu hiệu, loa đài, qua tuyên truyền miệng trực tiếp đến từng hộ gia đình…), nội dung cụ thể, cập nhật kịp thời, thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu. Nhờ vậy, mọi đối tượng trong cộng đồng đều có cơ hội tiếp cận thông tin, nắm rõ chủ trương, nhận thức đúng nguy cơ của dịch bệnh, hiểu rõ trách nhiệm và biện pháp phòng, chống dịch, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, từ đó tự giác chấp hành nghiêm các quy định, đồng thời tự nguyện tham gia vào việc hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với các lực lượng chức năng phòng, chống dịch.

Bốn là, trên cơ sở các quan điểm, chủ trương chỉ đạo phòng, chống dịch nói chung, lãnh đạo Đà Nẵng đã có những quyết định táo bạo, sáng suốt, chắc chắn để tạo ra những đột phá quan trọng trong phòng, chống dịch hiệu quả. 

Trước hết là thực hiện phong tỏa ngay địa điểm phát dịch; kêu gọi Trung ương và các địa phương hỗ trợ y tế để điều trị cho các ca bệnh; tập trung truy vết, cách ly lập tức các trường hợp F1, quản lý chặt các trường hợp F2 cách ly tại nhà và giám sát người nước ngoài, người về từ địa phương khác, người có biểu hiện sốt, ho… bằng bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở và các khu dân cư. 

“Làm sạch” 3 ổ dịch là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng bằng việc chuyển các ca mắc COVID-19 ra khỏi bệnh viện, xét nghiệm, cách ly bệnh nhân và đội ngũ cán bộ y tế. Qua đó khống chế được tình trạng lây lan, bùng phát dịch không kiểm soát, đồng thời tạo cơ sở cho các bệnh viện trở lại hoạt động bình thường nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của trên một triệu cư dân Đà Nẵng. 

Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm, từ bệnh nhân đến các trường hợp F1, từ nhân viên y tế đến các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, từ học sinh, giáo viên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đến toàn bộ đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này có thể khẳng định, ngoài các ca dương tính đã được cách ly chữa bệnh, trên một triệu cư dân Đà Nẵng thực sự “sạch” – âm tính với virus SARS-CoV-2. Đây là cơ sở vững chắc nhất để lãnh đạo thành phố quyết định chuyển trạng thái hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng về mức bình thường, ngoại trừ một số lĩnh vực không thiết yếu (vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa vẫn tạm dừng hoạt động). 

Năm là, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đã thực sự thể hiện vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Chủ động, sáng tạo, nhiệt tình là hình ảnh mà người dân Đà Nẵng luôn bắt gặp ở các lực lượng quần chúng tại tuyến đầu phòng, chống dịch. Mặt trận là đầu mối kêu gọi, tiếp nhận và phân bổ nguồn hỗ trợ vật chất từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Đến nay, đã có 62 tỷ đồng và nhiều vật tư, thiết bị y tế, khẩu trang các loại, nhu yếu phẩm đã được chuyển qua Mặt trận thành phố để hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hội Phụ nữ thành phố phát động chương trình “San sẻ yêu thương - Ấm tình phụ nữ Đà Nẵng”. Với phương châm “Vận động tại chỗ, hỗ trợ tại chỗ”, chỉ hơn 1 tháng, chương trình đã tiếp nhận tiền và nhu yếu phẩm với tổng giá trị 2,4 đồng, góp phần hỗ trợ, san sẻ khó khăn với người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đoàn Thanh niên thành phố, với hơn 5.500 tình nguyện viên trực chiến thường xuyên trên mặt trận tiếp nhận, vận chuyển, phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm đến các khu cách ly, tiếp năng lượng cho các chiến sĩ nơi tuyền đầu chống dịch, tổ chức hưởng ứng chương trình “Triệu bữa cơm” với thông điệp “Trao bữa cơm - Trao niềm tin” để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ "Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, từ đợt dịch thứ nhất đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 1.652 Tổ công tác COVID-19 tại cộng đồng. Dù với các tên gọi khác nhau, số lượng thành viên/1 tổ cũng không giống nhau, song tất cả cùng chung nhiệm vụ hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhằm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giám sát nhân dân và hỗ trợ chính quyền, đơn vị y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình, khu dân cư. 

Hôm nay, cơn bão số 5 của năm 2020 quét qua các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Người Đà Nẵng như quá quen với bão dịch, giờ đón bão gió bằng tâm thế khẩn trương mà bình tĩnh. Bão gió dù thế nào cũng sẽ nhanh chóng qua đi, nhưng bão dịch vẫn còn là nguy cơ ở phía trước. Nhìn lại những gì mà Đà Nẵng đã làm được để kiểm soát, khống chế và loại bỏ dịch bệnh, chúng ta có thể vững tin cho cuộc chiến đấu mới vì “mục tiêu kép” – vừa “sống chung” an toàn với dịch bệnh, vừa khôi phục kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng. 

Đêm Đà Nẵng bình yên, không còn lạnh và vắng. Dù Cầu Rồng chưa phun nước và lửa vào ngày cuối tuần, dù tần suất các chuyến tàu, chuyến bay đến Đà Nẵng còn ít, nhưng ánh sáng từ đường phố, từ nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, các điểm tham quan, du lịch đã bừng sáng trở lại. Tất cả đang chuẩn bị để đón mời du khách thập phương trở lại với thành phố đáng sống, nơi có “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”, nơi ăm ắp tình người dù phải qua bao lận đận!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất