Bài 4. HIỆU QUẢ TỪ MỘT MÔ HÌNH TỰ QUẢN
1 giờ 30 phút sáng, điện thoại của chị Hải Vân, Bí thư chi bộ 6C phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng phát tín hiệu và hiện lên dòng tin nhắn: “Báo cáo, vận động đã thành công!”. Chị thở ra nhè nhẹ…
Chuyện là, trưa qua, một gia đình trong khu dân cư 5D có người qua đời. Tuy không phải vì nhiễm COVID-19, nhưng theo chỉ đạo của chính quyền TP. Đà Nẵng, trong thời điểm cách ly phòng, chống dịch, mọi nghi thức tang lễ chỉ được diễn ra trong vòng 24 tiếng, và phải thực hiện giãn cách, không tụ tập đông người… Biết tin, anh Ngô Kim Tuấn, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 khu dân cư 5D cùng anh em trong tổ liền đến chia buồn, đồng thời vận động mọi người trong gia quyến chấp hành chủ trương phòng dịch. Thoạt đầu gia đình rất bối rối, lúng túng và không muốn thực hiện bởi tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận”… Đã thế, sang chiều, khi người thân, con cháu hay tin về chịu tang, xót thương, khóc lóc, không khí càng thêm căng thẳng. Cảm thông, chia sẻ nhưng hiểu rất rõ nguy cơ COVID-19, anh Tuấn và mọi người trong tổ vẫn kiên trì giải thích, thuyết phục, nhẫn nại chờ đợi… Đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau, trước sự chân thành và lý lẽ thuyết phục của các thành viên trong tổ, gia đình đã đồng ý tổ chức tang lễ theo chủ trương của thành phố. Tang lễ đã diễn ra trang nghiêm và nhanh gọn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện diễn ra trong mùa dịch, gắn liền với hoạt động của các tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu dân cư, một hình thức tự quản được xây dựng từ khi Đà Nẵng bước vào cuộc chiến chống SARS-CoV-2 lần thứ nhất.
Sau hơn 3 tháng bình yên vì không có ca bệnh trong cộng đồng, mọi hoạt động ở Đà Nẵng bắt đầu hồi phục. Du lịch nở rộ, hàng trăm ngàn lượt du khách từ mọi miền đất nước đổ về… Nhưng rồi, cuối tháng 7-2020 ca bệnh thứ 416 xuất hiện; ngay sau đó là hàng chục, hàng chục ca tiếp theo được công bố. Đà Nẵng thành điểm nóng trong chống dịch COVID-19. Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: các cấp, các ngành chủ động trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch. Khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, giám sát và theo dõi chặt chẽ… không để sót trường hợp có nguy cơ nào. Cùng với việc huy động mọi nguồn lực để phối hợp điều trị cho bệnh nhân, thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng, cách ly tập trung, giãn cách xã hội…, Thành ủy yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để ổn định tư tưởng, để không hoang mang, không chủ quan; giúp nhân dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các cấp ủy đảng từ quận, huyện đến phường, xã khẩn trương đưa toàn hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát, quản lý cư trú, nhất là đối với người nước ngoài. Đến lúc này, các tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu dân cư lại được “kích hoạt”, đồng loạt ra quân.
Các tổ được thành lập theo quyết định của chủ tịch UBND các phường, xã. Thành viên được mời vào tổ gồm: tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ phó là trưởng ban công tác mặt trận, các thành viên khác gồm chi hội trưởng các chi hội đoàn thể (phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh), bí thư chi đoàn thanh niên, trưởng và phó thôn, tổ dân phố thuộc khu dân cư; một số nơi còn có thêm cảnh sát khu vực, cộng tác viên y tế - dân số…
Đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ khu dân cư, sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của bí thư chi bộ - tổ trưởng, sự cộng đồng trách nhiệm, tự nguyện của các thành viên và sự theo dõi, quản lý của chính quyền cơ sở, các tổ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hằng ngày, theo sự phân công của tổ trưởng, các thành viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, nắm tình hình dịch bệnh tại khu dân cư, kịp thời phát hiện, thông tin về các trường hợp nghi nhiễm bệnh, hay người từ địa phương khác đến địa bàn, báo cho phường để xử lý; tuyên truyền, vận động, yêu cầu, giám sát các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ... chấp hành nghiêm các chủ trương, quy định phòng, chống dịch của thành phố; giám sát các trường hợp cách ly y tế tại nhà (nếu có).
Chị Hải Vân, Bí thư chi bộ - Tổ trưởng Tổ truyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 khu dân cư 6C, phường An Hải Đông cho biết: hơn 1 tháng nay, 27 tổ của phường hoạt động “hết công suất” trên địa bàn 52 tổ dân phố.
Là hình thức tổ chức tự quản, theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, các tổ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác. Tổ lập nhóm trên Zalo, Messenger của Facebook để thảo luận về công việc, đề xuất phương án triển khai, phân công thành viên phụ trách các hộ với tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hỗ trợ nhau khi xử lý tình huống phát sinh. Để chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau thực hiện nhiệm vụ, 27 bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy phường, chính là 27 tổ trưởng, cũng lập nhóm Zalo, liên kết với các đồng chí trong Đảng ủy phường. Qua đây, các văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên nhanh chóng được triển khai đến từng tổ. Những cách làm hay, nhiều biện pháp hiệu quả còn được các tổ chia sẻ trên Facebook, góp phần cổ vũ, động viên các lực lượng tham gia chống dịch, trấn an tinh thần nhân dân, đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng dịch bệnh để kích động, gây hoang mang trong dư luận.
Ở các khu dân cư có bệnh nhân được phát hiện, các tổ vận động nhân dân hỗ trợ các đơn vị chức năng lập và trực quản lý các chốt cách ly, phong tỏa 24/24. Tổ chia nhỏ lực lượng, đi từng nhà, rà soát từng trường hợp để truy vết F1, F2. Tổ chủ động hoặc kết hợp với các nhóm thiện nguyện trên địa bàn huy động hỗ trợ nước uống, bữa ăn cho lực lượng trực chốt cách ly. Nhiều anh em tham gia trực chốt từng nói: nếu không có sự hỗ trợ, động viên này, có lẽ chúng tôi không đủ cả tinh thần lẫn sức lực để trụ vững…
Ngoài việc trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch (cách ly tại nhà, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, tự rèn luyện sức khỏe, sử dụng Phiếu đi chợ đúng quy định...), các tổ còn được giao nhiệm vụ giám sát người lạ vào khu dân cư; phát và tổng hợp Tờ khai y tế; trực tiếp đo thân nhiệt cho tất cả các khẩu trong từng hộ; theo dõi và báo lên cấp trên các trường hợp sốt, ho, hoặc có biểu hiện đáng chú ý... Nhờ vậy, ngành y tế TP. Đà Nẵng có thêm cơ sở để truy vết nhanh chóng các ca nghi ngờ nhiễm bệnh, F1, F2.
Ở nhiều nơi, các tổ còn tổ chức xe cổ động, mang theo pa-nô, khẩu hiệu, cờ, loa đài kêu gọi mọi người chấp hành chủ trương phòng, chống dịch. Những nơi ngõ hẹp, ô tô không qua được, các thành viên dùng xe máy, xe đạp luồn lách, vào tận từng nhà phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Ngay giữa tâm dịch, người Đà Nẵng vẫn “bình tĩnh sống”, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa, tự tin vượt qua đại dịch. Đã hơn 1 tháng, cuộc chiến chống dịch lần thứ 2 thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ngày, cả nước chỉ xuất hiện ca bệnh tính bằng 1 con số. Không ít ngày Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Ngược lại, số khỏi bệnh đã hơn gấp nhiều lần. Đà Nẵng đang cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh!
Đó là nhờ công sức của các chuyên gia, đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm đối mặt với virut SARS-CoV-2, giành giật sự sống cho người bệnh; nhờ lực lượng công an, quân đội ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn vượt biên trái phép vào Việt Nam mang theo nguy cơ gây bệnh; nhờ các lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân, doanh nhân, sinh viên, các cán bộ, công chức, đảng viên... mỗi người một vị trí, một công việc, góp một phần vào nhiệm vụ chung chống dịch.
Và đó còn là nhờ công sức của mỗi một thành viên trong các tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu dân cư. Họ đa phần là lao động lớn tuổi, cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu, sống và liên hệ mật thiết với cộng đồng, thuộc từng ngõ, hiểu từng nhà... Khi có việc, họ sẵn sàng đi đầu, kết nối với mọi người, trở thành “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Tự nguyện, tự quản, quyết tâm phòng, chống dịch, vì an lành, hạnh phúc của nhân dân chính là phương châm làm việc đem lại hiệu quả không đong đếm được của các tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Ngày ngày được chứng kiến và thụ hưởng những kết quả mà các tổ mang lại cho cộng đồng, mỗi người dân Đà Nẵng càng hiểu thêm sự đúng đắn trong chủ trương xây dựng mô hình tự quản tại các khu dân cư của lãnh đạo thành phố, sự quyết tâm tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận, huyện đến cơ sở. Và đây cũng là bài học về công tác dân vận khéo, dựa vào dân, nói cho dân hiểu, khai thác sức mạnh từ trong dân để làm những việc vì dân, có lợi cho dân; là kinh nghiệm lãnh đạo sâu sát, bắt đầu từ mỗi đảng viên, từng chi bộ, từ mỗi bí thư – người đứng đầu chi bộ.
Bạch Yến