|
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ cho thấy những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Đây là minh chứng rõ ràng nhất việc Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm quyền con người.
|
Về nội dung, Báo cáo này được cũng không khác gì những báo cáo trước đây nhưng được thêm thắt một số thông tin cho phù hợp với thời cuộc. Chẳng hạn mở đầu báo cáo vẫn là khẩu hiệu cũ: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất lãnh đạo…”.
Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, chế độ xã hội và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Hiến pháp Việt Nam quy định. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời và do nhân dân làm chủ. Chế độ xã hội và vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là do nhân dân Việt Nam lựa chọn và các Hiến pháp từ 1946 đến Hiến pháp 2013 đã ghi nhận, quyết định.
Điều 4, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Ngoài ra, Báo cáo nhân quyền của Mỹ tiếp tục có những bình luận xoay quanh cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp của ta vào tháng 5-2021 với luận điệu: “không tự do cũng không công bằng; có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản kiểm tra; Chính phủ không cho phép các tổ chức phi chính phủ giám sát”.
Về nội dung trên, nhiều người cho rằng, người soạn thảo Báo cáo hoàn toàn không hiểu biết về các quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam mà chỉ nhặt nhạnh những thông tin “rác” của những kẻ chuyên làm nghề viết thuê trên mạng. Báo cáo đã thừa nhận cuộc bầu cử có sự cạnh tranh nhưng lại đi kèm với “hạn chế”. Đây là nhận định mang đầy sự võ đoán.
Theo báo cáo chính thức về cuộc bầu cử bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu cử tri đi bầu cử (đạt tỷ lệ 99,6% tổng số cử tri cả nước). Cử tri đã lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Chúng ta đều hiểu, cũng như các quốc gia mà vẫn tự nhận là “dân chủ” khác, trước cuộc bầu cử, các tổ chức chính trị - xã hội thường giới thiệu các ứng cử viên để cử tri lựa chọn. Các cuộc bầu cử ở Việt Nam cũng như vậy, đều diễn ra việc bỏ phiếu kín để lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng. Không phải cơ quan nào khác mà các tổ bầu cử, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng nhân dân và cơ quan an ninh là những người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính công bằng của cuộc bầu cử.
Còn về cái gọi là người dân không có “quyền thay đổi chính quyền” tiếp tục là một cáo buộc "ngớ ngẩn". Ở tất cả quốc gia, sự thay đổi chính quyền, bao gồm cả Chính phủ đều thông qua các cuộc bầu cử. Hoa Kỳ và Việt Nam có sự khác nhau về thể chế chính trị nên sự so sánh là khập khiễng, bởi Hoa Kỳ có hai viện: Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện. Trong khi đó, ở Việt Nam việc bầu cử diễn ra theo hình chóp, tức từ cấp cơ sở đến Trung ương.
Theo Luật Bầu cử của Việt Nam, cử tri vừa bầu cử trực tiếp đại biểu ở cấp trên cơ sở, vừa bầu cử đại biểu Quốc hội. Kết quả của các cuộc bầu cử này chính là cơ chế “thay đổi chính quyền” ở Việt Nam. Khác với Hoa Kỳ, cử tri tại Việt Nam được bảo đảm quyền bình đẳng và không có khái niệm “đại cử tri”…
Về quyền “tham gia chính trị” thì người dân Việt Nam có nhiều phương thức để thực hiện, ví dụ như: Tham gia theo kiểu gián tiếp tức thông qua các đại biểu mà mình đã bầu ra. Tham gia trực tiếp theo kiểu gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan chức năng để phát biểu ý kiến của mình. Người dân cũng có thể biểu đạt ý kiến của mình thông qua kênh báo chí.
Chưa dừng lại, Báo cáo một lần nữa chỉ ra những luận điệu kiểu: “Có những báo cáo đáng tin cậy rằng các thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều vụ lạm dụng”, tuy nhiên lại không chỉ được điều đáng tin cậy này bắt nguồn từ đâu mà chỉ cáo buộc lực lượng công an có hành vi “can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp quyền riêng tư gia đình, nhà riêng hoặc thư từ”. Trong khi vấn đề này chúng ta phải hiểu theo nhiều khía cạnh, ví dụ như ở nhiều địa phương, có nhiều kẻ núp bóng là những nhà dân chủ, nhân quyền thực hiện hành vi chống phá, gây mất trật tự, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc gia thì việc bị các cơ quan an ninh theo dõi đối tượng là điều hết sức bình thường.
Về chủ đề quyền con người thì Báo cáo này đã xuyên tạc theo kiểu chụp mũ, bịa đặt đến mức ngây ngô nhưng nghe thì rất “đao to búa lơn” như: “Có những báo cáo rằng Chính phủ hoặc các đặc vụ của Việt Nam đã thực hiện việc tước đoạt mạng sống tùy tiện và các vụ giết người bất hợp pháp hoặc có động cơ chính trị khác; tù nhân bị tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện; tù nhân chính trị...".
Theo các nguồn tin chính thức đáng tin cậy, kể từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này. Dấu ấn đậm nét phải kể đến là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đó, ngày 12-11-2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới được bầu vào năm đó.
Tại cuộc bầu cử Hội đồng Nhân quyền LHQ gần đây nhất (nhiệm kỳ 2023-2025) Việt Nam tiếp tục được bầu vào cơ quan quan trọng này với số phiếu tín nhiệm cao, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt. Có thể nói, đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Đây mới là những dẫn chứng đáng tin cậy nhất.
Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 12-9 đến 7-10-2022, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), đã nhấn mạnh Việt Nam cam kết bảo đảm tốt nhất có thể các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa… của người dân.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (Ảnh: TTXVN).
|
Dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 chính là việc mới đây Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên do Việt Nam đề xuất, soạn thảo.
Trước đó, trong tháng 2-2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự Phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tại đây, Phó Thủ tướng khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, đồng thời đưa ra đưa ra sáng kiến bằng ban hành một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn, tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
Trên tinh thần đó, xuyên suốt Khóa họp, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Sau đó, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng về dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết truyền tải các thông điệp lớn và tích cực về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hoà hợp trong quan hệ quốc tế nói chung và công việc của Hội đồng Nhân quyền nói riêng. Đây là đề xuất rất kịp thời của Việt Nam, đáp ứng sự quan tâm, ưu tiên chung của cộng đồng quốc tế và góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm và hành động của các nước trong hiện thực hoá các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người. Chính vì vậy, Nghị quyết đã tập hợp được số lượng lớn gồm 98 nước đồng bảo trợ.
Bên cạnh đó, phát biểu trong Hội nghị triển khai “Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam” (17 tháng 10 hằng năm), Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Có thể nói, đây một tuyên bố về nhân quyền thiết thực nhất của chúng ta.
Về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, in-tơ-nét, Báo cáo đã xuyên tạc, phủ nhận về mọi thành tựu của ta. Họ viết: “Việt Nam không bảo đảm quyền “tự do biểu đạt và tự do báo chí…”; “cơ quan an ninh đã bắt giữ những người “chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự”; Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do in-tơ-nét; “can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình”…
Về quyền sử dụng in-tơ-nét, xin khẳng định Việt Nam tuy là một quốc gia có mức sống chưa cao nhưng đã bảo đảm các quyền trên về cả pháp lý lẫn điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật. Cho đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa… đã có thể nghe phát thanh, xem truyền hình, truy cập in-tơ-nét, mạng xã hội. Số lượng người dùng in-tơ-nét tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng in-tơ-nét cao thứ 12 trên toàn thế giới.
Và chúng ta phải hiểu, tự do phải có khuôn khổ, phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật bởi vậy những kẻ có ý đồ xuyên tạc chính sách, pháp luật, bôi nhọ cá nhân, tổ chức một cách trái pháp luật thì sẽ bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo quy định.
Còn chuyện Việt Nam “buôn người” thì đây tiếp tục là một sự vu khống trắng trợn. Chứng cứ mà họ gọi là “buôn người” thực chất xuất phát từ chính sách “xuất khẩu lao động” của Việt Nam. Ai cũng biết Việt Nam có dân số trẻ và đông, trong khi nhiều quốc gia, dân số già hóa nhanh và đang giảm… Điều này dẫn đến các quốc gia hợp tác với nhau để giải quyết mâu thuẫn trên.
Ở Việt Nam, không phủ nhận rằng công tác đưa người Việt Nam đi làm việc và lao động tại nước ngoài còn tồn tại nhiều kẽ hở, nhưng chúng ta đang rất nỗ lực để đảm bảo công tác này ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tối đa quyền của người lao động. Thực tế cho thấy, địa phương nào có nhiều người đi "xuất khẩu lao động" thì đời sống của nhân dân ở đây được nâng cao rõ rệt. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp ước với các quốc gia, các công ty về bảo đảm công ăn việc làm và tôn trọng quyền con người của người lao động khi ra nước ngoài. Đại sứ quán Việt Nam tại các nước chính là cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi bảo vệ quyền của người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.
Cuối cùng về Báo cáo nhân quyền hàng năm do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo không chỉ xuyên tạc sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mà đây là mũi kim chọc phá mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang trong thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất. Để không mất thời gian của bạn đọc, tác giả sẽ đưa ra một minh chứng đơn giản chứng minh mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong bữa tiệc tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay trên đất Mỹ vào năm 2015, khi đó Tổng thống Joe Biden còn Phó Tổng thống dưới thời chính quyền ông Obama đã lẩy một câu Kiều (nói về việc Thúy Kiều, Kim Trọng gặp lại nhau): “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Bắc Hà