Những thành quả hiện thực hóa xã hội XHCN ở Việt Nam (tiếp theo)
Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Bài 2: Nền tảng “dĩ bất biến ứng vạn biến”

Ông Thomas Bo Pedersen, Giám đốc điều hành Công ty Mascot tại Việt Nam và Lào từng đánh giá: “Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1984, trong vai trò phóng viên, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nghèo nhất trên thế giới. Hơn 80% người dân Việt Nam sống dưới mức nghèo chuẩn của Liên hiệp quốc. Gần 20 năm sau đó, tôi trở lại trên cương vị một nhà ngoại giao, con số 80% đó đã được giảm xuống 9%. Chưa có một nước nào đang phát triển trên thế giới đạt được thành tích ngoạn mục như vậy. Những điều Việt Nam làm được trong vòng 20 năm cho tới 30 năm thì nước Đan Mạch của tôi phải mất đến 200 năm mới làm được như vậy”. Đây là một trong số nhiều đánh giá khách quan và tường minh về xã hội XHCN Việt Nam từ giá trị nhân sinh mới.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” - sự kiên định và tự lực, tự cường của cách mạng Việt Nam         

Ngày 31-5-1946, trước khi lên máy bay sang Pháp để tìm cơ hội cho nền hoà bình ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng “bửu bối” là lời dặn dò “dĩ bất biến ứng vạn biến” (dùng cái không thay đổi để ứng phó với cái biến đổi). Dĩ bất biến, cái không bao giờ biến đổi của cách mạng Việt Nam, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được xác định ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó là đường ray của con tàu cách mạng Việt Nam.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, về mặt lý luận là sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định mỗi dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta đều biểu hiện trực tiếp của biện chứng “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, điều mà V.I.Lê-nin gọi là “Trong mỗi thời kỳ đặc biệt, cần phải tìm cho ra cái mắt xích đặc biệt mà người ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kề bên; hơn nữa, trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của (chúng) và những đặc điểm khác nhau của (chúng)”.   

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, xét từ các nguyên tắc của phép biện chứng duy vật đó là nghệ thuật của kiến tạo thích ứng. Nói cách khác là sự liên kết những mắt xích của tư tưởng cách mạng không ngừng để đạt mục đích của cách mạng. Như vậy “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là sự kiên định, ý chí tự lực, tự cường của lực lượng cách mạng trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của nó.

Thế kỷ XX đầy biến động với những sự kiện lịch sử to lớn làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân loại về số phận con người, về hướng đi lên của nhân loại. Thế giới của thế giới đa diện mà Hồ Chí Minh đã gọi tên nó qua cái nhìn từ hệ tư tưởng, khi lựa chọn con đường cách mạng của nước ta: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lê-nin, Chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Ngày nay, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập. Trong cuộc trường chinh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển Việt Nam, trở thành biểu trưng của lẽ phải, của chân lý. Marie C.Damour, Tổng Lãnh sự Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh, con gái của một cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam, khi trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ đã thốt lên: “Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ”. Gián tiếp khẳng định tính đúng đắn của con đường chúng ta đã chọn, chúng ta đã đi và chúng ta tiếp tục đi cho tới đích.

Độc lập dân tộc và CNXH làm nên biểu tượng của một nước Việt Nam mới - nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; biểu tượng của xã hội Việt Nam - xã hội XHCN. Độc lập dân tộc và CNXH bảo đảm và làm cho giá trị dân tộc, giá trị công dân thống nhất với nhau.

Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Nước độc lập mà Dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Bởi thế Độc lập dân tộc và CNXH là nền tảng của mọi kiến tạo. Theo phép biện chứng duy vật, mọi giá trị được kiến tạo không phải là vòng tròn khép kín mà đó chỉ là một vòng khâu trong đường xoáy ốc tiến lên. Do vậy, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” lúc nào xuất phát điểm của nó cũng là mắt xích đầu tiên của dây chuyền cách mạng không ngừng.

Kiến tạo thích ứng - nghệ thuật thắng từng bước của cách mạng Việt Nam

Theo V.I.Lê-nin, khi xem xét đánh giá mỗi vấn đề cần tuân theo “một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xét xem hiện nay nó đã trở thành như thế nào”. Với phương pháp luận đó, có thể khẳng định rằng, kiến tạo thích ứng trong quá trình xây dựng XHCN Việt Nam không chỉ là điểm đặc sắc của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam mà còn là nghệ thuật lãnh đạo, nghệ thuật biết thắng từng bước của cách mạng nước ta để hoàn thành mục tiêu lớn. Khi phân tích một hiện tượng cụ thể nào không chỉ gắn với những quan hệ không gian, thời gian định mà còn phải xem xét ý nghĩa và giá trị của sự vật trong những tương quan khác, đặc biệt phải giữ vững những mối liên hệ bảo đảm cho sự phát triển không chệch hướng cho dù đang đối diện với những hiện tượng phản ánh ít mang tính bản chất, thậm chí là xuyên tạc bản chất. Bởi vậy, kiến tạo thích ứng bao giờ cũng là kết quả thống nhất của trí, lực và quyết tâm của giai cấp lãnh đạo cách mạng và lực lượng cách mạng.

Về tổng thể, kiến tạo thích ứng là biểu hiện cao nhất của tương tác chủ quan và khách quan. Ở đó, nhân tố chủ quan được phát huy cao nhất thông qua tính nắm bắt tình hình, phân tích tình thế và dự báo khoa học, chính xác xu hướng phát triển trong tương lai của thực tại. Kiến tạo thích ứng không chỉ phản ánh trình độ nhận thức mà còn thể hiện sự thống nhất của lý luận và thực tiễn. Vì thế, sáng tạo thích ứng không có chỗ cho chủ nghĩa giáo điều, quan niệm chiết trung, tư tưởng bảo thủ trì trệ và chủ nghĩa kinh nghiệm.

Kiến tạo thích ứng là trình độ cao của nghệ thuật giải quyết mâu thuẫn, là phát huy tối đa hiệu quả sự tích luỹ về lượng trong điều kiện cụ thể và tạo ra những bước nhảy phù hợp khi điều kiện khách quan cho phép. Những thắng lợi vĩ đại nối tiếp nhau của nhân dân ta trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng CNXH không gì khác hơn là kết quả của nghệ thuật biết thắng từng bước.

Thập niên cuối của thế kỷ XX, cách mạng thế giới đi vào thoái trào với sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, đặt ra không ít những vấn đề lý luận về CNXH, về tính quy luật của sự phát triển xã hội loài người. Về bản chất, CNXH vẫn là xã hội mà loài người vươn tới. Bởi chủ nghĩa tư bản cho dù đã điều chỉnh nhưng những mâu thuẫn cơ bản vẫn còn đó.  

Chẳng hạn sự phân cực giàu nghèo, căn bệnh kinh niên khởi thuỷ từ những ngày đầu của xã hội tư bản không những không thuyên giảm sau những lần điều chỉnh mà ngày càng trầm kha.

Mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt, vấn đề là cách nhìn nhận và chúng ta có nhìn ra được điều đó không. Đó là kiến tạo thích ứng. Với nghĩa là gạn lọc được những hiện tượng xơ cứng, phản ánh cái đã biến đổi. Nói cách khác là phải nhận ra biện chứng chủ quan (biện chứng phản ánh) đã lạc hậu không theo kịp biện chứng khách quan. Do vậy, khi Liên Xô tan rã và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ đã cho thấy những giới hạn của mô hình này khi nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.

Tiến lên là sàng lọc và kế thừa, vận động là thống nhất của gián đoạn và liên tục.

Thực tiễn đòi hỏi phải có những bổ sung thêm giá trị mới phù hợp với sự vận động của thực tiễn. Biện chứng đó cũng cho thấy nếu vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách chủ quan và vi phạm phép biện chứng duy vật sẽ không tránh khỏi mò mẫm và rơi vào bế tắc.

Nói về con đường đi lên CNXH của nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tuy nhiên, CNXH là gì và đi lên CNXH bằng cách nào? Đó là điều mà chúng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Đó chính là trăn trở để kiến tạo thích ứng, để từng bước đi đến thắng lợi, mà thắng lợi sau bao giờ cũng to lớn hơn thắng lợi trước.

Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa phải là nước có đời sống vật chất phong phú nhưng những thành tựu mà chúng ta gặt hái được về khoa học - kỹ thuật, văn hoá, thể thao, y tế, quốc phòng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự tăng trưởng kinh tế, nhất là sự ổn định chính trị, đã nâng Việt Nam lên một tầm vóc mới, một vị thế chưa từng có trong lịch sử: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]. Chúng ta đã cơ bản thực hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc làm sao cho đất nước được tự do, nhân dân được hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Tâm nguyện đó, GS. Hà Minh Đức gọi là cái đích. Cái đích này là cái đích của dân tộc, cái đích của nhân dân. Cái đích ấy theo Người đi suốt đời và Người đã thực hiện được cơ bản cho đất nước, cho nhân dân.

Thành tựu 35 năm đổi mới của Việt Nam đã thể hiện ở việc thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 đô-la Mỹ, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.

Những giá trị luôn luôn là những giá trị mở theo xu thế vận động của những giá trị nhân văn tiên tiến giữ vai trò là lương tâm của thời đại và nội lực không ngừng nghỉ của dân tộc trong hành trình kiến tạo xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

CNXH và xã hội XHCN Việt Nam là một hệ thống giá trị thống nhất của cái chung, cái riêng và cái đặc thù. Cái chung đó là quy luật phát triển của lịch sử loài người mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã vạch ra. Cái riêng, cái đặc thù là điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta. Tính đặc thù không chỉ phản ánh sự phong phú của con đường đi lên CNXH mà còn thể hiện bản lĩnh, năng lực và sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta trong quá trình kiến tạo xã hội XHCN. 

Xã hội mới - xã hội XHCN không thể ra đời trong một ngày, thậm chí trong một vài thập kỷ. Mỗi thành tựu trong quá trình kiến tạo đó là sự thống nhất của gián đoạn và liên tục, làm nên hệ thống mở hướng tới những giá trị nhân văn cao nhất, có ý nghĩa nhất mà loài người đang và sẽ tạo ra. Do vậy, mọi so sánh ở thời điểm hiện nay của Việt Nam với những tương quan khác là biểu hiện của thiếu tường minh, thiếu logic. Điều quan trọng nhất trong tính hiện thực của nó, xã hội và chế độ chính trị ở Việt Nam là thống nhất với mục đích tất cả vì nhân dân. Đó là cội nguồn của mọi thắng lợi.

(Còn nữa)


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 25.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất