Nhiều ngày qua, công suất tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của Việt Nam đều rơi vào khoảng 1 triệu mũi tiêm/ngày. Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 15-9, Việt Nam đã tiêm được 31.348.153 triệu mũi vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân.
Hơn 31,3 triệu mũi vắc-xin phòng COVID-19 đã được tiêm.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất (số mũi tiêm/số vắc-xin được cấp theo quyết định) là Bắc Ninh, Đồng Tháp, Kon Tum, Lào Cai, Cao Bằng, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Bình Phước, Tuyên Quang, Cà Mau.
Về công tác tiêm chủng, ngày 15-9 được coi là ngày cuối cùng của chiến dịch cao điểm tiêm vắc-xin của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, ngày 15-9, các quận, huyện, thành phố của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tăng cường tổ chức tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1.
Theo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), tính từ 18 giờ ngày 14-9 đến 12 giờ ngày 15-9, toàn TP. Hà Nội đã tổ chức tiêm được 92.765 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Như vậy, cộng dồn qua 16 đợt tiêm chủng đã tiêm được 5.054.473 mũi tiêm, sử dụng 4.616.062 liều/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 86,1% trên tổng số vắc-xin được cấp.
Về tiến độ xét nghiệm diện rộng, trong ngày 14-9, toàn TP. Hà Nội đã lấy 217.908 mẫu xét nghiệm. Trong phát biểu mới đây nhất (ngày 14-9), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong mấy ngày qua, các điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố đều mở tối đa công suất. 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động liên tục, cao nhất ngày 12-9 tiêm 573.000 mũi. Thành phố đã huy động tổng lực với sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ngành Công an, Quân đội và các địa phương khác. 12 tỉnh miền Bắc đã cử 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên đến hỗ trợ Hà Nội trong công tác tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm.
Trước nhiều ý kiến về kế hoạch xét nghiệm 100% cho người dân Thủ đô, trong 7 ngày cao điểm xét nghiệm diện rộng, Hà Nội cũng đã điều chỉnh lại cách thức xét nghiệm tại nhiều phường để tránh lãng phí và bất tiện cho người dân như chuyển từ xét nghiệm 100% người dân chuyển sang xét nghiệm mẫu gộp (“vùng đỏ”, nguy cơ cao thì sẽ lấy mẫu xét nghiệm gần như tất cả người dân, còn “vùng xanh”, nguy cơ lây nhiễm thấp thì xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình), hay điều chỉnh không bắt buộc xét nghiệm với trẻ dưới 12 tuổi (trừ trẻ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19).
Theo CDC Hà Nội, tính tổng từ ngày 9-9 đến 14-9, Hà Nội đã lấy được 3.262.842 mẫu xét nghiệm (2.227.630 mẫu gộp PCR, 1.035.212 test nhanh), phát hiện 19 ca mắc (Hoàng Mai 4 ca, Thanh Trì 4 ca, Thường Tín 3 ca, Đống Đa 2 ca, Thanh Xuân 2 ca, Hai Bà Trưng 2 ca, Chương Mỹ 1 ca, Ứng Hòa 1 ca).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 14-9 Thành phố đã tiêm thêm được 159.990 người. Công tác tổ chức tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định, tuân thủ 5K. Tính đến ngày 14-9, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 8.316.763 mũi tiêm, trong đó có 6.624.241 mũi 1 và 1.692.522 mũi 2. Vắc-xin Vero Cell đã tiêm cho 2.166.174 người.
Như vậy, nếu tính theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào ngày 30-6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP. Hồ Chí Minh là 7.208.800 người thì đến nay tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin của Thành phố đạt gần 92%.
Các quận, huyện, TP. Thủ Đức tại TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm chủng gần như bao phủ. TP. Thủ Đức, quận Phú Nhuận và huyện Củ Chi đạt tỷ lệ 100%; Quận 1, 6, 11 đạt tỷ lệ 98%; Quận 7, 8 và huyện Hóc Môn 97%.
Bình Dương và Đồng Nai hiện mỗi tỉnh cũng đã tiêm hơn 1,7 triệu mũi vắc-xin cho người dân.
N.Anh (tổng hợp)