|
Không gian đọc sách cho các trẻ em DTTS. Ảnh minh hoạ
|
Chính sách phù hợp thực tiễn
Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân bằng những giải pháp đồng bộ đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là đối với đồng bào DTTS, dần rút ngắn khoảng cách về thông tin giữa người dân khu vực này với người dân cả nước.
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản, quan trọng của con người, được luật pháp bảo vệ. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Tiếp cận thông tin (Luật) năm 2016 cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Ngày 23-1-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các biện pháp, hình thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng đồng bào DTTS… thực hiện quyền tiếp cận thông tin như: thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước; qua hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, đặc biệt là các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác; phát hành tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm bằng ngôn ngữ dân tộc; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin...
Ngoài ra, ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 467/QĐ-TTg về tích hợp các chính sách cụ thể hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo như: hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; hỗ trợ phương tiện nghe, xem (radio, ti vi, đầu thu truyền hình kỹ thuật số) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thí điểm cấp radio cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS; cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; thiết lập, duy trì trang thông tin điện tử tổng hợp song ngữ Việt - Khmer, Việt - Hoa để phục vụ độc giả trong và ngoài nước trên địa chỉ: dantocmiennui.vn; cung cấp các sản phẩm thông tin có tính chất chuyên biệt, có đối tượng phục vụ tập trung là nhân dân các DTTS như: Hệ phát thanh Tiếng Dân tộc (VOV4) - Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình Tiếng Dân tộc (VTV5) - Đài Truyền hình Việt Nam; hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở; chính sách hỗ trợ dịch vụ bưu chính và phát hành báo chí đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Rút ngắn khoảng cách thông tin
Để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào, nhiều chương trình, đề án, dự án có liên quan đã và đang được triển khai tại vùng DTTS và miền núi. Qua đây, nhận thức của đồng bào DTTS được nâng cao, quyền tiếp cận thông tin của người dân vùng DTTS được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội.
Hiện nay, 26 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Kinh) đang phát sóng trên kênh VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam qua các nền tảng khác nhau (ứng dụng VTVgo, website VTV5, kênh YouTube, trên Facebook...). Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát sóng 13 thứ tiếng trên hệ Phát thanh Tiếng Dân tộc, trên cả 4 loại hình báo chí của Đài là phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, với thời lượng gần 30h/ngày, tại 6 khu vực trong cả nước (Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đến nay đã đầu tư, nâng cấp cho 682 đài truyền thanh xã, 67 đài truyền thanh, truyền hình huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình; cung cấp 66 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở; cung cấp 370 bộ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe, xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng và các đồn biên phòng; thiết lập 10 cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, khu vực biên giới.
Trên cơ sở các chính sách được ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Dân tộc phối hợp chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí xuất bản ấn phẩm báo chí (có tiếng dân tộc) kịp thời cấp cho đồng bào DTTS. Giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, đã chuyển phát 18 loại báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ.
Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tăng cường tin, bài, ảnh trên báo in, báo điện tử để tuyên truyền về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi.
Về thông tin liên lạc, hiện nay tỉ lệ xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng đạt trên 98%, có hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp vùng DTTS, riêng tỉ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã lên đến 99,8% xét trên dân số. Tại nhiều tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng viễn thông di động và Internet băng rộng đã phủ đến hầu hết các thôn, bản; có hơn 16 nghìn điểm giao dịch bưu chính viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Đã xuất bản trên 1.200 đầu sách với khoảng 11,3 triệu bản phục vụ cho đồng bào DTTS, hoạt động của tủ sách công cộng duy trì thường xuyên. Đẩy mạnh xuất bản tờ rơi, tờ gấp… cho các huyện miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, các trường phổ thông dân tộc nội trú, giúp đồng bào nắm được những thông tin cần thiết, quan trọng. Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội diễn ra sôi nổi, trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xuất bản bộ sách 7 câu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với đồng bào DTTS và được dịch, thu âm từ tiếng phổ thông sang 6 ngôn ngữ DTTS: Tày, Mông, Thái, Mường, Ê-đê, Khơ-me.
Công tác xuất bản phim được quan tâm, đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức sản xuất trên 40 phim tài liệu, chuyên đề về phong tục tập quán, lễ hội, những bản sắc đặc trưng của các dân tộc. Hoạt động chiếu phim lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào và hỗ trợ tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin liên lạc được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp tích cực phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới đến vùng DTTS để cung cấp dịch vụ viễn thông và in - tơ - nét, thu hẹp khoảng cách sử dụng dịch vụ và tiếp cận thông tin giữa các vùng miền. Hiện nay, đường truyền dẫn cáp quang, dịch vụ thông tin di động đã đến 100% xã trong toàn quốc; tính đến năm 2023 đã huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ được 2.500 máy tính, 329 máy in, 1.952 bộ tài liệu học tập cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Việc người DTTS ở Việt Nam được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin sẽ giúp đồng bào chủ động hơn trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời có điều kiện thực hiện quyền tự do ngôn luận và báo chí đã được ghi nhận trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên.
Đẩy mạnh quyền tiếp cận thông tin
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đối với đồng bào DTTS vẫn còn những bất cập như: việc cung cấp thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến ngư... có lúc, có nơi vẫn chưa kịp thời, thường xuyên; hình thức truyền tải còn chậm đổi mới; dù đã có nhiều kênh thông tin truyền thông phục vụ đồng bào nhưng vẫn còn có người chưa hoặc ít tiếp cận thông tin từ những kênh này...
Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc tình hình trong nước, kích động đồng bào DTTS, gây suy giảm niềm tin với Đảng, Nhà nước, từ đó có những hoạt động vi phạm pháp luật.
Trước tình hình đó, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin nhất là đối với người DTTS ở nước ta ngày càng trở nên cấp thiết. Theo đó, cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về vai trò của thông tin và quyền tiếp cận thông tin của người dân; cần hướng đồng bào đến những thông tin chính thống, tránh xa những thông tin xấu độc của kẻ xấu.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để người DTTS hưởng thụ đầy đủ quyền con người, quyền công dân; nghiên cứu, xây dựng quy trình cung cấp thông tin đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho đồng bào DTTS. Có cơ chế đánh giá, giám sát và phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội thực thi quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế.
Bốn là, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, viễn thông, trang thiết bị công nghệ thông tin; tăng cường cung cấp các dịch vụ thông tin hiện đại, hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng các thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ.
Năm là, chủ động, nhanh chóng, kịp thời công khai thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực (trừ những vấn đề thuộc bí mật nhà nước); thường xuyên thực hiện chế độ tiếp xúc nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi chính đáng của đồng bào.
Việc được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp người DTTS có cơ hội bình đẳng trong việc tìm kiếm các nguồn thông tin trong xã hội. Đây chính là tiền đề để thực hiện quyền dân chủ, văn minh trong xã hội. Khi được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin chính thống, đồng bào có thể từng bước nâng cao chất lượng đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội; “miễn dịch” trước những biến thể “vi-rút” mang thông tin độc hại, từ đó góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.