Pháp luật bảo đảm quyền sử dụng thực phẩm an toàn tại Việt Nam
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chất lượng thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, việc bảo đảm người dân được tiêu dùng thực phẩm an toàn chính là bảo đảm quyền có thực phẩm thích đáng của người dân Việt Nam. Theo Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc với 2.138 người mắc. Con số này tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023. Các vụ ngộ độc này xuất hiện từ bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất cho đến cơ sở kinh doanh tư nhân như tiệm bánh mì, quán cơm với 23 trường hợp tử vong.

Khung pháp luật liên quan đến quyền sử dụng thực phẩm an toàn

Bên cạnh các quy định của Hiến pháp 2013, còn một số văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam có quy định về an toàn thực phẩm, tiêu biểu là Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực An toàn thực phẩm (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ). Tổng cộng hiện nay nước ta có 103 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm 1 Luật, 0 Nghị quyết, 6 Nghị định, 11 Quyết định, 81 Thông tư, 5 Thông tư liên tịch và 1 Chỉ thị của Thủ tướng.

Xét về những nội dung cụ thể, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 nêu ra định nghĩa: An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người, đồng thời quy định các vấn đề như: (i) quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; (ii) điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; (iii) quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; (iv) kiểm nghiệm thực phẩm; (v) phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; (vi) phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; (vii) truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn; (viii) thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; (ix) trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Như vậy, có thể thấy các quy định của Luật An toàn thực phẩm đã tương đối đầy đủ và tương thích với các văn kiện có liên quan của FAO và WHO. 

Xét về phạm vi, hiện chỉ còn vấn đề liên kết, hợp tác với các tổ chức xã hội, các chủ thể ngoài nhà nước trong công tác giám sát về an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa được quy định (trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 68 Luật này chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước, cụ thể là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan ngang bộ).

Về cơ chế quản lý, theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành, có 3 bộ có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm ở Việt Nam, gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương. Bộ trưởng của ba bộ này ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Nguyên tắc quản lý được xác định là: “Một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước” và “Quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm”.

Cũng theo Luật An toàn thực phẩm (Khoản 3, Điều 38), trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định giảm áp dụng phương thức kiểm tra với các loại thực phẩm mà đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên và đã có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, hoặc “được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương”.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2005, kiện toàn năm 2009 và gần đây nhất là 2018 có bổ sung Bộ Công thương trong nhóm thành phần của Ban chỉ đạo.

Pháp luật Việt Nam hiện quy định ba hình thức chế tài hình sự, hành chính và dân sự với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Chế tài hình sự quy định với Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có bốn khung hình phạt và hình phạt bổ sung, trong đó mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 20 năm tù, mức phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng. Chế tài hành chính được qui định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP với các hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền, xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Chế tài dân sự nằm trong qui định của Điều 53 Luật An toàn thực phẩm. Hệ thống chế tài này cơ bản phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và truyền thống lập pháp của Việt Nam. Mặc dù vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm để đánh giá về tính hợp lý và khả thi của từng chế tài trong quá trình áp dụng thực tế.

Đề xuất, khuyến nghị

Mặc dù trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực lập pháp để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. 

Cần nhất quán củng cố cách tiếp cận dựa trên quyền, đồng thời nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế đã nêu ở trên nhất là các khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào năm 2016, trong đó đề cập nguy cơ về những tác động có hại đối với sức khỏe do sự phơi nhiễm của con người đối với các mối nguy qua đường thực phẩm và hai nguyên tắc chính trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đó là :

(i) Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ; xây dựng đội ngũ thanh kiểm tra an toàn thực phẩm được đào tạo bài bản; lập hồ sơ dựa trên phân tích nguy cơ của các ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sẽ giúp lập kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ và dựa trên bằng chứng khoa học, thiết lập mạng lưới phòng xét nghiệm (nhà nước và tư nhân) đã được đánh giá năng lực có thể thực hiện các xét nghiệm kịp thời và bảo đảm chất lượng.

(ii) Xây dựng hệ thống cơ quan giám sát an toàn thực phẩm đáng tin cậy và có thẩm quyền, có hệ thống giám sát các mối nguy an toàn thực phẩm một cách toàn diện và minh bạch, có kế hoạch truyền thông cho các cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm, các nỗi lo sợ về thực phẩm không an toàn, các vụ bùng phát dịch và mối quan hệ tốt với công chúng cũng như các tổ chức liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong năm 2024, hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam đã được công bố. Đây dự kiến sẽ là hệ thống thông tin an toàn thực phẩm thống nhất cho cả nước nhằm quản lý, cập nhật theo thời gian thực, dữ liệu cũng như công bố thông tin về an toàn thực phẩm. 

Ngoài ra, đối chiếu với những tiêu chuẩn, khuyến nghị khác, Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh các qui định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm theo hướng quản lý rủi ro, đặc biệt là với hàng hóa nhập khẩu, để có thể kiểm tra có trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, giảm tải áp lực cho cơ quan thực thi.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bởi nếu có không những thước đo này thì không thể kiểm soát chất lượng thực phẩm một cách khách quan và khoa học.

Việt Nam cũng nên sắp xếp về mặt tổ chức theo hướng cơ quan Nhà nước chỉ kiểm tra các tiêu chí liên quan đến an toàn thực phẩm, đồng thời rà soát loại bỏ những mặt hàng chồng chéo giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy các bệnh liên quan đến thực phẩm có nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật gây lây nhiễm chéo, và do việc tiêu thụ các sản phẩm tươi sống hay chưa nấu chín. Trong khi đó, ở các thành phố lớn nhất Việt Nam hiện có 80% thịt lợn, 85% rau, chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống có điều kiện vệ sinh kém. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư quy hoạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống chợ để một mặt tiếp tục duy trì văn hóa thực phẩm truyền thống nhưng mặt khác vẫn bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Cuối cùng, Việt Nam cũng cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của các chủ thể ngoài nhà nước vào hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2017) Báo cáo "Tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016". 

2. Chính phủ (2018) Báo cáo "Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020

3. Cục An toàn thực phẩm (2024) Lễ công bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam, dự án ODA "Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị An toàn thực phẩm tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, 07/03/2024.

4. DW, Vietnam's fight against hunger - a success story, DW, 27-2-2015, http://www.dw.com/en/vietnams-fight-against-hunger-a-success-story/a-18477927 

5. FAO, Viet Nam launches national Zero Hunger Challenge, 14-01-2015 http://www.fao.org/news/story/en/item/274816/icode/ , truy cập ngày 8-3-2024.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất