|
Đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển
|
Từ đời sống vật chất, tinh thần
Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng luôn huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng đã phân bổ nguồn vốn thực hiện 12 công trình với tổng mức vốn đầu tư trên 20 tỉ đồng; triển khai 3 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí trên 406 tỉ đồng…; ban hành Quyết định về phân công cơ quan, đơn vị phụ trách giúp đỡ xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 đối với 5 xã có dân tộc Mông sinh sống; triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở ở các cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ mua con giống, hỗ trợ giống cây, phân bón, hướng dẫn các hộ phát triển sản xuất, bảo đảm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Hiện nay, Cao Bằng đang triển khai thực hiện hiệu quả các Dự án chăn nuôi bò tại huyện Bảo Lạc; Dự án hỗ trợ phát triển cây thuốc lá, lò sấy thuốc lá tại huyện Hòa An; mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả bằng biện pháp thâm canh trồng mới cây Lê VH6 tại huyện Trùng Khánh; mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná tại huyện Hà Quảng; mô hình sản xuất đỗ tương giống mới ĐT23 tại huyện Quảng Hòa…
Học sinh dân tộc Mông được chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm, với việc triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách cho học sinh đã góp phần giảm bớt khó khăn về kinh tế đối với các gia đình học sinh dân tộc Mông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo điều kiện cho học sinh có chỗ ăn, chỗ ở để các em yên tâm học tập, huy động tối đa trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số đến trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ học đồng thời góp phần qui hoạch mạng lưới trường, lớp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thành lập, duy trì nhiều lớp xóa mù chữ cho các hộ đồng bào dân tộc Mông, không chỉ dạy chữ, mà còn hỗ trợ phấn trắng, bảng, vở, bút viết cho đồng bào, trước sự quan tâm của chính quyền, người dân tộc Mông đã nâng cao ý thức tự giác học tập, thậm chí họ còn tuyên truyền, vận động người thân, con em gia đình tham gia lớp học xóa mù chữ. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mông đã được nâng cao, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của bà con, giúp bà con tiếp nhận những cái mới, cái tiến bộ và gieo ước mơ về một ngày mai tươi sáng hơn cho chính cuộc sống của mình.
Tỷ lệ trẻ em, phụ nữ đồng bào Mông được hưởng các giá trị y tế ngày càng tăng, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được khám, cấp phát thuốc miễn phí; trẻ em dưới 1 tuổi là người dân tộc Mông được tiêm chủng mở rộng; bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi là người dân tộc Mông thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các can thiệp về phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu chất dinh dưỡng; phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sau đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 5 hội nghị triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia để đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng và chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; 10 buổi truyền thông, tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng cho đồng bào dân tộc Mông, …; kêu gọi ủng hộ, triển khai hoạt động của Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Cao Bằng; phát động “Tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”; huy động các nguồn lực tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy với nhiều cách làm hay như tổ chức khảo sát, sưu tầm tư liệu di sản văn hóa truyền thống; nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, văn hóa dân tộc Mông, tổ chức hội thảo chuyên đề “giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng”; nghiên cứu bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống; quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…
Các thôn, xóm của đồng bào dân tộc Mông đã có hương ước, qui ước; thực hiện nếp sống văn hóa theo hướng văn minh, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Mông.
Đồng bào dân tộc Mông thường xuyên được thông tin, truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ đặc thù thuộc tiểu dự án giảm nghèo…
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho đài truyền thanh cấp xã; thiết lập mới 50 đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho các xã chưa có đài truyền thanh, đài truyền thanh công nghệ không dây FM hoặc đã hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ các điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng.
15 câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập và duy trì để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, nổi bật như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; Chương trình giao lưu văn nghệ nhân dịp kỉ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dân tộc Mông; lồng ghép việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian trong Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Theo thống kê, tính đến tháng 10 năm 2022, tỉnh Cao Bằng có 10.722 tín đồ là người dân tộc Mông, chủ yếu theo đạo Tin lành (10.683 tín đồ, chiếm tỉ lệ 50,4% số tín đồ theo đạo Tin lành trên toàn tỉnh), trong đó có 41 chức sắc (gồm 4 mục sư, 16 mục sư nhiệm chức, 21 truyền đạo), 71 đảng viên, 7 cán bộ đoàn thể, tham gia sinh hoạt tại 88 điểm nhóm đã được cấp phép trên địa bàn 8/10 huyện, thành phố (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, thành phố Cao Bằng).
Đại đa số chức sắc, chức việc, ban quản lí cơ sở tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo có tinh thần dân tộc, có đường hướng tiến bộ, đồng hành cùng các dân tộc không theo tôn giáo xây dựng quê hương; các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo qui định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và phù hợp với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn, giải quyết kịp thời các đề nghị của tổ chức tôn giáo.
Từ năm 2020 đến nay đã giải quyết 43 đề nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo (Công giáo 16 đề nghị; Phật giáo 8 đề nghị, Tin lành 20 đề nghị). Luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; chấp thuận cho các tổ chức, chức sắc tôn giáo tổ chức các lễ, giảng đạo theo chương trình đăng kí hằng năm; chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thực hiện đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những điểm, nhóm đủ điều kiện.
Nhìn chung, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản ổn định, tuân thủ theo đường hướng hành đạo và qui định của nhà nước. Đa số các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia vào các hoạt động chung trong các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền và các tổ chức đoàn thể phát động, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng trong hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện giải quyết kịp thời theo đúng qui định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của tín đồ đối với chính sách tôn giáo.
Các cơ quan lý nhà nước về tôn giáo tỉnh Cao Bằng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, tín đồ tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên Đán, lễ trọng, đại hội của tổ chức tôn giáo, từ năm 2020 đến nay đã thăm hỏi được 48 lượt. Đồng thời, thực hiện tốt việc đối thoại với các tổ chức tôn giáo, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết tốt nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào tôn giáo và các vấn đề có liên quan đến hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật như: đất đai, cơ sở thờ tự, đăng kí phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc…; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an ninh, trật tự vào các dịp lễ, hội của các tôn giáo; tuyên truyền, vận động tổ chức các hoạt động nghi lễ tôn giáo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, ưu tiên mọi nguồn lực để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các DTTS nói chung và dân tộc Mông nói riêng. Người dân luôn được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách, với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân ngày càng được phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn, trên cơ sở thượng tôn pháp luật. |
Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Cao Bằng