Ngày 19-3-2024, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW (Chỉ thị số 31) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ.
|
Ảnh minh họa.
|
Theo Chỉ thị, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực, tỉ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng giảm.
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và xã hội được nâng lên. Chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng phạm vi áp dụng cho khu vực không có quan hệ lao động. Công tác phòng ngừa, đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại; chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện làm việc và cơ chế hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động được quan tâm hơn. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương. Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động.
Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ tai nạn lao động chưa giảm, bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động. Một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động chưa coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động; nguồn lực đầu tư, công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế; chưa chú trọng đúng mức công tác phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến về an toàn, vệ sinh lao động chưa theo kịp thực tiễn.
Để đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu tình hình mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan…
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành lao động, y tế, môi trường với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động.
PV