|
Các nữ đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề Phiên họp của Quốc hội.
|
Kinh nghiệm của thế giới
Bình đẳng giới là cốt lõi của một nền hành chính công toàn diện và có trách nhiệm. Chiếm khoảng một nửa dân số ở các quốc gia, phụ nữ có quyền bình đẳng trong làm việc, tham gia ra quyết định các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp, lĩnh vực và vị trí. Đảm bảo hoạt động hành chính công phục vụ bình đẳng cho mọi người dân của quốc gia đồng nghĩa với việc công dân của quốc gia, bao gồm phụ nữ có quyền tham gia, có tác động trở lại đối với các hoạt động công vụ.
Theo Báo cáo Bình đẳng giới trong hành chính công năm 2021 của Cơ quan phát triển LHQ (UNDP), trong 139 quốc gia được khảo sát, sự tham gia của phụ nữ vào hành chính công trung bình là 46%. Mặc dù tỉ lệ phụ nữ tham gia vào khu vực hành chính công trung bình trên toàn thế giới tăng nhanh, song có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia và khu vực. Ở châu Âu và Bắc Mỹ (53%); Đông và Đông Nam Á và châu Đại Dương (51%); châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (49%); Sahara châu Phi (38%); Bắc Phi và Tây Á (37%); Trung và Nam Á (32%). Các quốc gia kinh tế ít phát triển hơn và hạ tầng khó khăn thường có tỉ lệ tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hành chính công thấp hơn. Ở các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột, cơ hội phụ nữ làm việc trong lĩnh vực hành chính công thường bị hạn chế.
Một số quốc gia đã có những kết quả đáng ghi nhận về thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công với những kinh nghiệm đáng học hỏi:
Là quốc gia tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới, Thụy Điển xây dựng nguyên tắc: mọi người, bất kể giới tính, đều có quyền làm việc và nuôi sống bản thân, cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình, không sợ bị lạm dụng hoặc bạo lực. Nhờ vậy, từ năm 2006 nay, Thụy Điển luôn luôn xếp trong nhóm 5 nước đứng đầu (trong 150 nước) về bình đẳng giới về hành chính công. Tháng 11-2021, Thụy Điển đã có nữ Thủ tướng đầu tiên; có 11/23 bộ trưởng là phụ nữ, chiếm gần 48%. Sau cuộc bầu cử năm 2022, có 188 nam và 161 nữ nghị sĩ trong Quốc hội. Thụy Điển có khung khổ pháp lý mạnh để đảm bảo bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực như: Đạo luật Cơ hội bình đẳng; Kế hoạch lồng ghép giới tại các Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2004-2009; Mục tiêu tổng thể nhằm đảm bảo rằng phụ nữ và nam giới có cùng sức mạnh để định hình xã hội và cuộc sống. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách như: hỗ trợ chăm sóc con cái với hệ thống nhà trẻ công cộng được cải tạo và mở rộng để cha và mẹ đều đi làm; thay thế chế độ nghỉ thai sản theo giới tính bằng chế độ nghỉ phép trung lập về giới tính…
Đối với Hàn Quốc, một quốc gia có quan niệm phân công lao động về giới đã ăn sâu thì việc thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ đòi hỏi thời gian và nỗ lực đáng kể. Hàn Quốc thực hiện tăng cường bình đẳng giới bằng hệ thống pháp luật và các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới như: Đạo luật Việc làm bình đẳng (1987), Đạo luật về việc làm bình đẳng và cân bằng công việc và gia đình (1989); Đao luật Phúc lợi Mẹ - Con (1991); Đạo luật Phát triển Phụ nữ (1995), Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân (1997)...
Cùng với đó, năm 2005, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình được thành lập và sổ đăng ký gia đình phụ hệ bị bãi bỏ. Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích cha mẹ nghỉ phép; giảm gánh nặng nuôi con; công bố “lộ trình chính sách về xã hội già hóa và sinh thấp” cho giai đoạn đến năm 2022 bằng việc liên tục mở rộng các trung tâm chăm sóc trẻ công lập; tập trung nỗ lực trong việc lồng ghép giới... Kết quả: tỉ lệ nhập học đại học của nữ năm 2020 là 71,3% (cao hơn 5% so với nam); hơn 60% giáo viên là nữ; tỉ lệ phụ nữ trong thành viên các ủy ban Chính phủ đạt hơn 40%; tỉ lệ nữ bộ trưởng trên 33% năm 2020; các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo không ngừng tăng lên, đạt 1,4 triệu và chiếm khoảng 40% tính đến năm 2017.
Hay ở Phi-líp-pin, quốc gia đứng đầu khu vực châu Á và 16/146 quốc gia xếp hạng về bình đẳng giới, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố năm 2023. Là nước đứng đầu về bình đẳng giới trong giáo dục và trình độ học vấn với khoảng cách giới cơ bản đã được xóa bỏ; tỉ lệ phụ nữ trong lực lượng quân đội và cảnh sát là 30%; tính đến năm 2022, tỉ lệ nữ là thẩm phán chiếm 57%, bộ trưởng trong nội các chiếm 26%, đại biểu Quốc hội chiếm 37,6%; từng có 2 nữ Tổng thống, chỉ số trao quyền chính trị đứng ở vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Phi-líp-pin có hệ thống văn bản pháp lý khá toàn diện trong việc đảm bảo bình đẳng giới trên các lĩnh vực, đặc biệt là các sắc lệnh chống phân biệt đối xử đã được thông qua và thực thi: Kế hoạch Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (GEWE) 2019-2025; Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào năm 2010 và Kế hoạch thứ hai được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022...; ban hành các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm giải quyết các quyền làm việc của phụ nữ như luật về nghỉ thai sản, nghỉ phép nuôi con một mình, nghỉ phép cho nạn nhân của bạo lực và đạo luật chống quấy rối tình dục... Lồng ghép giới là cốt lõi trong cách tiếp cận xây dựng pháp luật. Phi-líp-pin đang thực hiện chương trình nghị sự lập pháp ưu tiên phụ nữ; lập ngân sách đáp ứng giới, đảm bảo phân bổ và chi tiêu dành riêng cho phụ nữ và bình đẳng giới trong tất cả các cơ quan Chính phủ. Ủy ban Phụ nữ Phi-líp-pin trực thuộc Bộ Nội vụ có trách nhiệm thúc đẩy các chính sách dành cho phụ nữ và đảm bảo rằng việc lồng ghép giới được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, Phi-líp-pin cũng thành lập Ủy ban Nhân quyền được ủy quyền điều tra các cơ quan nhà nước khác về các vi phạm nhân quyền.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong hành chính công tại Việt Nam
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đặc biệt là hành chính công. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu ASEAN về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý; nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%... Những thành tựu trên là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Để thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công nói riêng và phát triển bền vững, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công. Hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới, nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ; đánh giá tác động kinh tế, xã hội, giới, tác động của thủ tục hành chính và tác động đối với hệ thống pháp luật đến việc thực thi chính sách về giới; dự báo tác động của các chính sách, quy định được ban hành đối với nữ và nam. Chú trọng việc tiếp cận quyền phụ nữ trong quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật trên lĩnh vực hành chính công. Nghiên cứu, ban hành các quy định đặc thù về tiêu chuẩn, tỷ lệ phụ nữ làm việc và tham gia lãnh đạo, quản lý trong khu vực công. Hoàn thiện các thể chế, quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong chính trị, kinh tế, lao động, việc làm; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là những lợi ích của bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công. Đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới; đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số; mở rộng và đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên… về vai trò, vị trí của phụ nữ, bình đẳng giới trong xã hội, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và có các kỹ năng, phương pháp, xây dựng nội dung truyền thông hiệu quả.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với kết quả của công tác bình đẳng giới. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Bố trí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Hoàn thiện bộ máy và vận hành có hiệu quả cơ chế giám sát việc thực hiện bình đẳng giới...
Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, gắn với quy hoạch, tạo nguồn bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong khu vực công. Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ nữ để phục vụ cho việc xây dựng chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng quy hoạch nguồn, bổ nhiệm các chức danh, lãnh đạo nữ bảo đảm tỉ lệ theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm phân biệt đối xử trong bố trí, phân công công tác đối với cán bộ nữ…
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về bình đẳng giới trong hoạt động công vụ; huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính từ các đối tác quốc tế để thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công vụ.