|
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dẫn đầu, đã tham dự Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) và trình bày Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 15 - 17.
|
Trong 2 phiên đối thoại, Uỷ ban Công ước CERD đã đặt nhiều câu hỏi về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội liên quan đến bảo đảm quyền của người DTTTS. Phần đối thoại giữa Đoàn Việt Nam và Uỷ ban Công ước được đánh giá tích cực và hiệu quả.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Trưởng Đoàn Việt Nam cho biết, Đoàn Việt Nam đã giải đáp các vấn đề Ủy ban quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, khẳng định rõ quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, đồng thời cung cấp những thông tin đầy đủ chính xác nhất về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền dân sự, chính trị, quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội của người DTTS trước Uỷ ban Công ước. Việt Nam luôn thể hiện tinh thần mong muốn hợp tác với Uỷ ban để bảo đảm tốt hơn quyền của người DTTS và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước CERD.
Bảo đảm quyền phát triển, tăng cường nguồn lực thu hẹp khoảng cách phát triển vùng đồng báo DTTS
Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc trong đó có 53 DTTS chiếm 14,68% tổng dân số với 14,119 triệu người với 3,6 triệu hộ, cư trú đan xen. Xuất phát từ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng vai trò của việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở Việt Nam không có “người bản địa” theo cách hiểu của một số văn kiện quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 9/11 Công ước quốc tế về QCN, trong đó có 7/9 Công ước của LHQ về QCN, đã phê chuẩn thêm 2 Công ước về QCN: Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS. Chính sách dân tộc của Việt Nam hướng tới mục tiêu thu hẹp, xóa bỏ sự chênh lệch về phát triển giữa các nhóm dân tộc và các vùng bằng việc khẳng định quyền bình đẳng và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những dân tộc, những vùng khó khăn để các dân tộc đó, các vùng đó phát triển, có điều kiện hưởng thụ các QCN một cách bình đẳng.
Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS đến năm 2030. Để đảm bảo quyền phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ:
Ngày 18-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH19 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng DTTSMN giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định quan trọng để định hướng phát triển vùng DTTS trong giai đoạn tới một cách toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo quyền phát triển cho đồng bào DTTS.
|
Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo và phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN.
|
Các chương trình chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả góp phần cải thiện rõ rệt tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi. 1,2 triệu hộ (chiếm 36,9% tổng số hộ đang sống trong các xã vùng DTTS) được hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật từ các chương trình chính sách, dự án của Nhà nước hoặc các đơn vị tổ chức cá nhân ngoài nhà nước. Các hộ DTTS được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý, sản xuất - kinh doanh, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.
Tổng kinh phí cho các chính sách về đất ở và đất sản xuất vùng DTTS là hơn 6.668 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ nhà ở đã hỗ trợ nhà ở cho gần 300.000 hộ là người DTTS giúp họ an cư để sinh sống và làm việc. Tỷ lệ nhà ở của hộ DTTS tăng từ 95,7% năm 2015 lên 99,1% năm 2019. Tỷ lệ đất ở của hộ DTTS tăng từ 97,26% năm 2015 đến 99,1% năm 2019 trong đó diện tích đất chủ yếu từ 200 m2 trở lên, nhà kiên cố và bán kiên cố là 86,4%; số hộ DTTS sử dụng điện lưới thắp sáng tăng từ 93,9% năm 2015 lên 96,7% năm 2019.
Tính đến 30-6-2023 tỷ lệ hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp bố trí ổn định đạt trung bình 65,8/90%; tỷ lệ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 94%. Tỷ lệ hộ DTTS đang cư trú tại các khu vực xa xôi hẻo lánh nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch sắp xếp di dời bố trí đạt trung bình 41,9/60%.
Bảo tồn tiếng nói chữ viết cho các DTTS là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Việt Nam. Hiện nay, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh/thành phố với quy mô 101.918 học sinh…
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng DTTS và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện. Trên 95% số km đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa, có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ thôn có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, tăng từ 72% năm 2015 lên gần 90% năm 2019.
Trong lĩnh vực y tế, 99,5% các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, tỷ lệ các trạm y tế xã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố tăng từ 98,8% năm 2015 lên 99,6% năm 2019, tỷ lệ đạt chuẩn về y tế cấp xã năm 2020 đạt 83,5%, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015, tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ tăng từ 69,2% năm 2015 lên 77, 2% năm 2019.
Tính đến tháng 6-2023, tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia BHYT đạt trung bình 91,9%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ đồng đạt trung bình 79,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đồng đạt trung bình 15,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 21%.
Đời sống văn hoá, tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Năm 2023 tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có độ văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%. Tỷ lệ hộ DTTS được tiếp cận in-tơ-nét đạt 61,3% (năm 2019) tăng hơn 9 lần so với năm 2015.
Tính đến tháng 6-2023, tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình là trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt trung bình 94%. Tỷ lệ tảo hôn giảm từ 26,6% năm 2015 xuống còn 21,9% năm 2019, kết hôn cận huyết thống đã giảm từ 6,5% năm 2015 xuống còn 5,6% năm 2019.
Từ năm 2015 đến năm 2019, số chức sắc tôn giáo là người DTTS và số cơ sở sinh hoạt tôn giáo đã tăng lần lượt từ 8.080 người và 4.630 cơ sở lên 12.586 người và 10.239 cơ sở. Từ 2013 đến 2019 các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 166.745 lượt người DTTS trên tổng số 664.773 lượt người thuộc diện được trợ cấp pháp lý, cấp phát khoảng 1,3 triệu tờ gấp pháp luật bằng tiếng DTTS. Công tác truyền thông cho các tổ chức cá nhân được đẩy mạnh đặc biệt là người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn để họ biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Tạo hành lang pháp lý cho người DTTS tham chính
Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 của Việt Nam đều ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt DTTS hay đa số, chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt đối xử, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử. Cùng với đó là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND (2016) đã có bước phát triển thêm khi quy định tỉ lệ tối thiểu ứng cử đại biểu Quốc hội là người DTTS về mặt định lượng (18%) và tỉ lệ này cao hơn tỉ lệ dân số DTTS so với số dân chung cả nước càng thúc đẩy cơ hội tham gia nhiều hơn đại diện DTTS.
Tỉ lệ người DTTS trong ba nhiệm kỳ Quốc hội gần đây: khoá XIII (2011-2016):15,6%, khoá XIV (2016-2021): 17,3%, khoá XV (2021-2026): 17,84% trên tổng số đại biểu Quốc hội, với 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất các khoá Quốc hội, tức là gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên DTTS theo luật định.
Đến nay, đã có tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh và 51/53 DTTS có đại diện tham gia Quốc hội qua các khoá). Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khoá Quốc hội và đây cũng là mục tiêu Việt Nam phấn đấu để các dân tộc có đại biểu Quốc hội, đại diện tiếng nói của dân tộc mình.
Bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người nước ngoài sinh sống làm việc hợp pháp tại Việt Nam
Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả mọi người, bao gồm cả NNN cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm QCN như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ như công dân Việt Nam…
Kể cả về tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác; bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài; được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mới đây, ngày 25-6-2023, Quốc hội đã ban hành Luật 23/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đã đưa ra nhiều đột phá trong chính sách, tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho NNN nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam.
Số lao động là NNN tại Việt Nam đã tăng từ 72.172 (năm 2013) lên 92.100 người (tháng 7-2019). NNN làm việc tại Việt Nam cũng được hưởng các ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam; ngoài ra, còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì xu hướng NNN vào làm việc tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Năm 2019, Việt Nam đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 cụ thể hơn các quy định về lao động của NNN tại Việt Nam (từ Điều 169 đến 175) nhằm bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.
Tính tới cuối năm 2022, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có hơn 500 tổ chức đăng ký hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang chuyển dần từ quan hệ cho nhận đơn thuần sang quan hệ hợp tác, đối tác phát triển, có những thay đổi trong mô hình hợp tác, nâng cao năng lực cộng đồng. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng thụ hưởng.
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS và NNN tại Việt Nam đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực thi Công ước CERD của Việt Nam tập trung báo cáo kết quả thực hiện các cam kết cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của người DTTS và NNN sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt trong thụ hưởng những quyền được nêu tại Điều 5 Công ước CERD, bao gồm:
11 quyền dân sự chính trị: quyền được đối xử bình đẳng trước toà án và các cơ quan tài phán khác; quyền an ninh cá nhân và bất khả xâm phạm thân thể; quyền về chính trị, bầu cử và ứng cử; quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; quyền được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình và được quay trở lại nước mình; quyền có quốc tịch; quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân; quyền thừa kế; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận và báo chí; quyền tự do hội họp và lập hội.
6 quyền kinh tế, xã hội, văn hoá: quyền có việc làm, quyền về nhà ở, quyền được chăm sóc y tế công cộng, an sinh xã hội; quyền được giáo dục và đào tạo; quyền được tham gia bình đẳng và các hoạt động văn hoá; quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng.
|
Thu Uyên