Đấu tranh với những chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” của các thế lực thù địch

Nhận diện chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” 

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự thay đổi tư duy, nhận thức về địch, về thù, về bạn, về đối tác đã dẫn đến Đảng và Nhà nước ta có tư tưởng mới về việc xác định “thế lực thù địch”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII chỉ rõ đó là những lực lượng có “âm mưu, hành động can thiệp… vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”(*).

Các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả về “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam hiện nay gồm lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt ở nước ngoài và những cá nhân người Việt trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội nước ta. Ngoài ra còn có một số tổ chức phi chính phủ “khoác áo nhân quyền”, trong báo cáo hằng năm thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, nổi bật như: Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW có trụ sở tại Mỹ, Tổ chức Ân xá quốc tế AI với các nhóm hoạt động ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan…

Bên cạnh những tổ chức trên còn có các tổ chức phản động lưu vong luôn tìm mọi cách để xuyên tạc vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam, thậm chí xem đó là phương thức tồn tại và hoạt động như: Việt Tân, Việt Nam quốc dân đảng, Thanh niên dân chủ, Văn bút Việt hải ngoại, Chính phủ Việt Nam tự do… Đặc điểm chung của các tổ chức, hội nhóm trên đều được hậu thuẫn bởi các thế lực cực đoan ở một số nước phương Tây. Nhiều năm qua, vấn đề “dân chủ, nhân quyền” đã và đang được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí, một vỏ bọc cho các hoạt động chống phá, chuyển hóa Việt Nam theo phương thức “diễn biến hòa bình”. Chúng sử dụng những thủ đoạn, luận điệu để xuyên tạc bóp méo sự thật về “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam như:

Thứ nhất, lợi dụng sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức về vấn đề quyền con người để công kích, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đả kích vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị Việt Nam. Chúng quy kết học thuyết Mác - Lênin, chế độ cộng sản là độc tài, mất dân chủ, vi phạm quyền con người; từ đó đòi thay đổi cương lĩnh, đường lối của Đảng, kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, chúng tung hô, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây, tuyệt đối hóa quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối hóa các giá trị của quyền con người; ra sức xuyên tạc thực trạng “dân chủ, nhân quyền” ở nước ta, triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội, việc bắt, xử lý các đối tượng chống đối chính trị… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Thứ ba, lợi dụng chiêu bài “thúc đẩy dân chủ”, “bảo vệ quyền con người” để tài trợ, hậu thuẫn về vật chất lẫn tinh thần cho các phần tử, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước ta (ở cả trong và ngoài nước) nhằm hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Thứ tư, chúng còn sử dụng “dân chủ, nhân quyền” làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta như tìm cách gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện “dân chủ, nhân quyền” trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đòi nước ta phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo kiểu phương Tây.

Thứ năm, gắn vấn đề nhân quyền với vấn đề tôn giáo, dân tộc, lợi dụng những thiếu sót, hạn chế trong quá trình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam để kích động hoạt động chống Nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài đòi “tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo”, “quyền tự quyết dân tộc”; gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động một bộ phận quần chúng hoạt động chống chính quyền nhân dân như gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn…

Có thể thấy những thủ đoạn đổi trắng, thay đen, bóp méo xuyên tạc lịch sử nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tuy không phải chiêu trò mới, nhưng hiện nay sự chống phá của chúng ngày càng quyết liệt, tinh vi. Thông qua chiến tranh thông tin, chúng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội và blog cá nhân để “nhào nặn”, “vá víu” các sự kiện, tư duy ngụy biện xảo trá, đánh tráo khái niệm, suy diễn méo mó để chống phá cách mạng Việt Nam.

Tình hình “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam

Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy “dân chủ, nhân quyền” trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Ngay trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Chẳng hạn như gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, của Chính phủ, ngày 24-9-2021 “Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”. 

Đây là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch COVID-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tinh thần “đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đối với người dân là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền.

Đồng thời, Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận, điều đó được thể hiện rõ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi Việt Nam ứng cử và trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh với chiêu bài lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, “dân chủ, nhân quyền” vẫn là chiêu bài được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định, can thiệp sâu vào nội bộ của ta. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm thực hiện những vấn đề sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hai là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác bảo vệ và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” chống phá cách mạng nước ta. Từng cán bộ, đảng viên cần nâng cao lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng để nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, xuyên tạc, vu khống, phủ nhận thành quả trong bảo đảm, thực thi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Ba là, đổi mới hình thức, đa dạng các nội dung đấu tranh, bảo vệ dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền con người ở nước ta. Đổi mới, bổ sung nội dung đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo nên dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người ở nước ta. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta.

Năm là, chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” của các thế lực thù địch. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, khiếu kiện, điểm nóng ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp, từ đó chủ động phê phán, phản bác, ngăn chặn những luận điệu phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

“Dân chủ, nhân quyền” đang là “cái cớ”, “vỏ bọc” cho các hành động can thiệp, gây sức ép thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời là một khẩu hiệu, ngọn cờ để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tạo ra các khuynh hướng dân chủ cực đoan, tập hợp lực lượng chống đối, biểu tình, tiến tới các hoạt động khủng bố, bạo loạn, lật đổ. Thực tế diễn biến chính trị ở một số nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, phần lớn sự mất ổn định chính trị, xã hội đều xuất phát từ nhận thức lệch lạc về “dân chủ, nhân quyền” và âm mưu, hoạt động lợi dụng “dân chủ, nhân quyền”.

Vì vậy, hiểu đúng về “dân chủ, nhân quyền” và bản chất của việc lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” giúp nâng cao cảnh giác cách mạng, đồng thời có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh.

-----------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập 1, tr.162-163.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất