Sáng 27-2 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khoá 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Đây là hoạt động đầu tiên của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ chuyến tham dự Phiên họp cấp cao Khoá 52 HĐNQ LHQ. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng sẽ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Giơ-ne-vơ; tiếp lãnh đạo và quan chức một số nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia này.
|
Đoàn Việt Nam tham dự khai mạc Phiên họp cấp cao Khóa 52 HĐNQ LHQ - Ảnh: VGP
|
Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ: "Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu; đồng thời đề cao chiến lược cũng như chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm của sự phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ quá trình phát triển mang lại".
Cũng theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: “Việc Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa 52 HĐNQ LHQ thể hiện rõ cam kết và nỗ lực, vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của HĐNQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, chủ động tham gia, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của HĐNQ và cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam năng động, đổi mới, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, luôn coi người dân là mục tiêu, chủ thể và động lực của tiến trình phát triển; tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với hệ thống các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế và các nước, cũng như tranh thủ thêm sự hỗ trợ quốc tế đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Phiên họp cấp cao Khoá 52 HĐNQ LHQ tại Giơ-ne-vơ Thụy Sĩ - Ảnh: VGP.
|
Phiên họp cấp cao của Khóa họp 52 HĐNQ diễn ra từ ngày 27-2 đến ngày 2-3, là hoạt động đa phương cấp cao đầu tiên trong khuôn khổ LHQ trong năm 2023, dự kiến có khoảng hơn 120 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế. Đây là khóa họp quan trọng nhất thường niên, một trong ba khóa họp thường kỳ hằng năm của HĐNQ, mở đầu năm công tác của HĐNQ, thu hút sự quan tâm và tham dự và phát biểu của Lãnh đạo cấp cao các nước, các quan chức cao cấp của LHQ và các tổ chức quốc tế, để đưa ra những định hướng, ưu tiên trong lĩnh vực quyền con người, một trong ba trụ cột chính của LHQ.
Phiên họp cấp cao này nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, một trong 3 trụ cột chính của LHQ, cùng với các trụ cột hòa bình - an ninh và phát triển. HĐNQ LHQ là cơ quan liên chính phủ gồm 47 quốc gia thành viên trực thuộc ĐHĐ LHQ, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ. Chương trình nghị sự của HĐNQ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn về quyền con người của các nước và các nhóm nước thuộc các khu vực địa lý, với đặc thù và cấp độ phát triển kinh tế khác nhau.
Chia sẻ thêm về những quan tâm và ưu tiên chính của Việt Nam tại Khóa họp lần này, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, Việt Nam đã tích cực cùng các nước tiến hành công tác chuẩn bị cho Khóa họp 52 HĐNQ và sẽ tiếp tục tích cực tham vấn, tham gia thảo luận, có các bài phát biểu, đồng thời tham dự các hoạt động trong suốt Khóa họp. Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp là nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao hợp tác đa phương và vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu, đề cao chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm, hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng lợi ích mang lại từ phát triển.
|
Phiên họp cấp cao Khoá 52 HĐNQ LHQ diễn ra tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ - Ảnh: VGP.
|
Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của HĐNQ, nâng cao hiệu quả của HĐNQ nhằm mục đích chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người, đồng thời chú trọng vào các chủ đề ưu tiên chính của ta như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bình đẳng giới; quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương; quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; Quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; Quyền được có việc làm tử tế; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về quyền con người.
Nhân dịp năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên – là hai văn kiện quốc tế nền tảng quan trọng về quyền con người, Việt Nam sẽ cùng với các nước tham vấn, trao đổi về sáng kiến, hoạt động của HĐNQ về chủ đề này. Đặc biệt, với tư cách thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 sau khi thắng cử tại ĐHĐ LHQ tháng 10-2022, Việt Nam sẽ cùng 46 nước thành viên khác của HĐNQ quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐNQ, bao gồm các vấn đề lớn của Khóa họp như bỏ phiếu các dự thảo nghị quyết trong đó có khuyến nghị đối với các quốc gia, cũng như việc lập hoặc bổ nhiệm cơ chế nhân quyền của HĐNQ.
Đồng thời, Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, dự thảo nghị quyết, đồng bảo trợ một số sáng kiến để HĐNQ thông qua tại cuối Khóa họp vào đầu tháng 4 tới, trên tinh thần thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho mọi người, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của HĐNQ phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Thành lập năm 2006, HĐNQ LHQ là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
HĐNQ có 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý, cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê 8 ghế, Nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế.
Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục. HĐNQ LHQ bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 1 năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ LHQ từ khi cơ quan này được thành lập, trong đó Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
|
PV