Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, gây ra đợt suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cản trở các liên kết kinh tế quốc tế. Hầu hết các nền kinh tế chịu tăng trưởng âm, trong đó có các đầu tàu kinh tế lớn, nhân loại phải chứng kiến khủng hoảng nhân đạo sâu sắc, tình trạng thất nghiệp, đói nghèo lan rộng. Các hoạt động quốc tế trên mọi lĩnh vực đều bị ngừng trệ. Các thể chế đa phương bị ảnh hưởng, có nơi tê liệt. Nổi lên xu hướng các nước lựa chọn chính sách co cụm, quay vào nội bộ. Cạnh tranh nước lớn, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, toàn diện hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA-41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với nhiều dự kiến bị thay đổi, ASEAN bị thách thức bởi cạnh tranh địa - chiến lược ở khu vực, hòa bình và an ninh trên thế giới có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh.
Là một nền kinh tế có mức độ hội nhập sâu rộng, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khi các thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu, các nguồn đầu tư lớn đều gặp khó khăn nghiêm trọng. Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt, sạt lở… diễn ra gay gắt hơn mọi năm, gây nhiều thiệt hại nặng nề.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực điều hành của Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân, toàn quân, kiên định mục tiêu, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đối nội và đảm đương thành công các trọng trách quốc tế. Trong nước, với chiến lược đúng đắn, cách tiếp cận phù hợp, chúng ta đã phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19, tạo tiền đề quan trọng để chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam không chỉ trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19, mà còn là một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Đời sống nhân dân được chăm lo với các hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, với tinh thần tương thân tương ái của cả dân tộc. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.
Công tác đối ngoại đã ghi thêm mốc son rực rỡ trong năm 2020. Trước hết là việc hoàn thành xuất sắc các trọng trách đối ngoại đa phương. Là người cầm lái con thuyền ASEAN trong một năm đầy giông bão chưa từng có trong lịch sử hơn nửa thế kỷ của Hiệp hội, Việt Nam đã chứng tỏ năng lực dẫn dắt, định hướng. Trong bối cảnh các thể chế đa phương bị xói mòn, ASEAN bị thách thức bởi cạnh tranh nước lớn, các thành viên chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch, Việt Nam đã phát huy cao độ chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, tập trung tăng cường đoàn kết Cộng đồng ASEAN, điều chỉnh phù hợp các nghị trình để cả Hiệp hội chung tay đối phó với đại dịch. Với thành tựu phòng, chống dịch trong nước, Việt Nam được các thành viên tin cậy, đồng thuận cao khi đưa ra các sáng kiến liên quan phòng, chống COVID-19 và thúc đẩy sự cố kết của cộng đồng ASEAN đối phó với các hệ lụy của đại dịch. Đồng thời, uy tín của Việt Nam góp phần khiến các đối tác lớn mong muốn gia tăng hợp tác, phối hợp với ASEAN để vượt qua thách thức chung của nhân loại. Trong một năm đầy khó khăn với các thể chế đa phương nói chung, với ASEAN nói riêng, Việt Nam đã điều hành trên 550 cuộc họp lớn nhỏ, hoàn tất hơn 80 văn kiện. Số lượng các cuộc họp là con số kỷ lục. Các cuộc họp lại được thực hiện bằng phương thức mới, đòi hỏi nền tảng công nghệ cao, khả năng kết nối, điều hành, phối hợp quan điểm, lập trường của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Quan trọng hơn, các văn kiện, nội dung thông qua trong năm 2020 đều là những cơ sở, tài sản chung quý báu để ASEAN tiếp tục phát huy trong chặng đường sắp tới. Điển hình là việc ký kết thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Việc đàm phán RCEP đã đi qua chặng đường dài đầy khó khăn với rất nhiều khác biệt trong các thành viên, các Chủ tịch ASEAN trước đây đều từng kỳ vọng đạt được trong nhiệm kỳ của mình nhưng không thành công. Tuy nhiên, chính trong một năm đầy thách thức đối với đa phương và liên kết quốc tế, Việt Nam đã khéo léo điều hòa các lợi ích khác biệt của các bên, nỗ lực thúc đẩy để liên kết kinh tế quốc tế lớn nhất thế giới này đi đến đích.
Cùng với việc hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đảm đương xuất sắc cương vị Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Với nền tảng là những thành công trong nước, Việt Nam đã chủ trì các phiên họp quan trọng với tư thế đĩnh đạc, tự tin, đề xuất nhiều sáng kiến phù hợp với bối cảnh đại dịch. Tại Hội đồng Bảo an, dưới tác động của cạnh tranh nước lớn và các hệ lụy của COVID-19, quá trình bàn thảo, đưa ra quyết sách cho các vấn đề hòa bình, an ninh trên thế giới diễn ra rất phức tạp, áp lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách với uy tín cao.
Về song phương, với uy tín từ thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 và việc đảm đương các trọng trách quốc tế với tinh thần trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, đối ngoại Việt Nam thời COVID-19 đã tăng cường lòng tin với các đối tác, thúc đẩy các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Với bối cảnh đặc thù của thế giới nói chung, Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện tới 34 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với các nguyên thủ, lãnh đạo các nước để kịp thời phối hợp, hợp tác trên các vấn đề song phương và đa phương. Trong một năm đầy khó khăn với hoạt động đối ngoại, Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ đối ngoại mà còn thắt chặt thêm các mối quan hệ với bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng. Việt Nam và Niu Di-lân đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam lên con số 30, trong đó bao gồm toàn bộ các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, các nước G7, 17/20 các nước G20, tất cả các thành viên ASEAN. Việc củng cố, tăng cường các mối quan hệ song phương, đặc biệt là mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giúp cho thế và lực của đất nước ngày càng vững vàng hơn, chủ động tốt hơn trong ứng phó với các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong bối cảnh cả thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch, tình trạng giãn cách diễn ra ở hầu hết các quốc gia, các liên kết quốc tế, hoạt động ngoại giao bị ngưng trệ, công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam lại gặt hái nhiều thành tựu lớn. Việt Nam đã thể hiện vai trò thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, có tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt, định hướng, điều hành các công việc quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về việc chủ động và tích cực tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, các hiệp định tự do thương mại quan trọng bắt đầu phát huy tác dụng trong năm qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào triển khai hiệu quả, mang lại nhiều giá trị thiết thực. Hiệp định Tự do thương mại với EU (EVFTA) được phê chuẩn kịp thời, có hiệu lực đúng lúc cần thiết. Đặc biệt, việc RCEP được thông qua trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và việc kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh là những điểm sáng về nỗ lực của Việt Nam trong việc không chỉ tham gia mà còn thúc đẩy, đóng góp cho việc đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam đã chủ trì thành công các hội nghị quốc tế về quốc phòng và an ninh trong năm 2020. Đặc biệt, Hội nghị ADMM+ có sự tham gia đầy đủ của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các đối tác, lần đầu tiên từ năm 2013 ra được Tuyên bố chung với đầy đủ các nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề hòa bình, tôn trọng chế độ chính trị, biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, không gian chiến lược châu Á - Thái Bình Dương... Trong bối cảnh đại dịch, hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” nổi bật thông qua hoạt động trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại châu Phi.
Có thể khẳng định, trong bức tranh chung đầy bất ổn của thế giới và khu vực năm 2020, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, uy tín đất nước được tăng cường. Nằm trong khu vực chịu những tác động đầu tiên và trực tiếp của đại dịch COVID-19, giữa vòng xoáy cạnh tranh địa - chiến lược, năm qua Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Tuy nhiên, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ giữ vững mà còn nâng cao vượt bậc vị thế của mình. Phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng hàng đầu thế giới, đảm đương xuất sắc các trọng trách quốc tế, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, chú ý của truyền thông thế giới trong suốt năm qua. Hình ảnh một Việt Nam an toàn, vững vàng, năng động, đổi mới được chuyển tải trên toàn thế giới, minh chứng cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng ta, cho sức sống mãnh liệt của đất nước và dân tộc ta.
Để có được những thành tựu đó, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và Quốc hội, đối ngoại Nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao, quốc phòng và an ninh tạo thế chân kiềng vững chắc, bổ sung lẫn nhau, củng cố môi trường đối ngoại của đất nước giữa lúc khu vực có nhiều bất ổn.
Trong các thành tựu đối nội và đối ngoại của năm 2020 có sự đóng góp quan trọng của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung nghiên cứu, tham mưu ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Quy định số 08-QĐ/TW và nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế quan trọng khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trên cả ba trụ cột: 1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ nền tảng, cơ sở và tiến hành thường xuyên, liên tục. 2) Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ trung tâm, mang tính động lực. 3) Xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt, nhất là người đứng đầu. Cuộc chiến chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng... Những kết quả nêu trên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, năm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế dự báo tiếp tục có nhiều bất ổn. Đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nặng nề. Nội bộ các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn sẽ biến động phức tạp hơn, ảnh hưởng đến cục diện khu vực và thế giới nói chung cũng như đối với những nước vừa và nhỏ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tiếp tục có tác động sâu sắc, nhiều chiều đến đời sống nhân loại. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thực tiễn đã chứng minh bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng được trui rèn qua các thách thức to lớn của thời cuộc suốt 90 năm qua, mà gần nhất là đại dịch COVID-19 - thách thức chưa từng có đối với nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên nền tảng cơ đồ và vị thế ngày càng được củng cố và nâng cao của đất nước, với những thành tựu to lớn đạt được trong năm 2020 đầy sóng gió, Việt Nam sẽ vững vàng tiến bước, hóa giải mọi thách thức, tận dụng cơ hội.
Thế giới sẽ có nhiều biến động khôn lường, song với nguyên tắc tối thượng vì lợi ích quốc gia - dân tộc, với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, với phương cách ứng xử hài hòa, linh hoạt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào năm 2021 với tâm thế mới, tràn đầy phấn khởi, tự hào, tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp với nhiều thành tựu đang chờ đợi phía trước.
TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương