Gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ
Tác động tiêu cực của bạo lực đối với những người phụ nữ sống sót sau các sự cố, gia đình họ và cộng đồng là vô cùng lớn cả về sức khỏe, tinh thần và kinh tế. Vì vậy, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia và của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức nhân loại, dù là tín đồ Thiên chúa giáo, Phật giáo, Nho giáo hay không theo tôn giáo nào, trải qua hàng ngàn năm, loài người vẫn luôn giành một sự trân trọng lớn lao đối với phụ nữ. Còn gì thiêng liêng hơn Đức Mẹ Maria đồng trinh, còn gì từ bi cao cả hơn Đức Phật bà Quán thế âm Bồ tát cứu khổ cứu nạn, Mẹ Tê-rê-sa cứu giúp những người nghèo khổ trong hoàn cảnh tuyệt vọng và còn có ai kính trọng hơn Mẹ Âu Cơ, Tổ Mẫu của người Việt... Nhưng buồn thay, bên cạnh đó lại có không biết bao nhiêu thân phận phụ nữ khác phải chịu kiếp thiệt thòi vì định kiến giới hằn sâu trong nếp nghĩ của hầu hết mọi cộng đồng người và rơi rớt mãi cho đến ngày nay.
Xin đừng nghĩ, chỉ có các nước phương Đông, các nước Hồi giáo mới có tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ. Các nước phương Tây cũng có tình trạng như vậy. Nếu không có, thì tại sao nơi đó lại là nơi ra đời Phong trào nữ quyền sớm nhất!
Người ta đã tìm thấy trong những thư tịch cổ, A-ri-xtốt, một triết gia thời Hy Lạp cổ đại cho rằng, phụ nữ là người không có linh hồn và do nhược điểm về cơ thể nên phụ nữ yếu kém về năng lực, tính khí thất thường và không có khả năng đưa ra những quyết định chính xác. Ngược lại đàn ông có sức mạnh thể chất vượt trội, có tư chất sắc bén nên xứng đáng là người chiếm ưu thế, sinh ra để thống trị đàn bà.
Sách Sáng thế của Kinh thánh đạo Thiên chúa cũng ghi lại rằng Ê-va là người phụ nữ đầu tiên được Thiên chúa nặn ra từ một chiếc xương sườn của A-đam. Bà bị con rắn ranh mãnh xui ăn trái cấm trong vườn địa đàng rồi bị Thiên chúa giáng tội rằng “... con sẽ lệ thuộc vào chồng mình, còn chồng sẽ cai trị con”. Nhà thờ Thiên chúa giáo chỉ thụ phong cho nam giới làm cha xứ; ngôi vị cao nhất trong giáo hội là Giáo hoàng cũng chỉ truyền cho nam giới.
Ở phương Đông, tư tưởng Nho gia ra đời và thống trị ở Trung Quốc cả ngàn năm rồi loang ra khắp khu vực, chứa đựng rất nhiều định kiến đối với phụ nữ mà ngày nay ta gọi là các hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính, ảnh hưởng rất sâu đậm ở nước ta. Trong hôn nhân, phụ nữ phải tuân thủ đạo “tam tòng”, phải chấp nhận lối sống đa thê thiếp bởi quan niệm “Trai làm nên năm thê bảy thiếp/Gái làm nên thủ tiết thờ chồng”, đến mức nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải thét lên “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Nam giới tự cho mình cái quyền “dạy vợ”, có quyền đòi hỏi vợ con phục vụ, thực hiện những yêu cầu của mình. Người vợ với vị thế lệ thuộc, phải phục tùng, làm theo, nếu trái ý hoặc chậm trễ, sẽ bị chồng đối xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm. Nguyễn Du, người đã có những năm tháng phiêu dạt giữa xã hội, phải chịu cảnh đói nghèo, thi nhân hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ trong xã hội. Ông đã bật ra tiếng kêu than “Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”!
Xưa đã thế, nay thì sao? Dù không muốn, nhưng ta vẫn phải chấp nhận một sự thật rằng, sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn chưa kết thúc trong mọi xã hội đương thời. Theo một cuộc điều tra mới đây của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), ngay tại nước Mỹ năm 2019, vẫn còn tình trạng nam giới được trả lương cao hơn nữ giới cho cùng một việc làm dù năng suất, chất lượng công việc là như nhau. Trung bình, cứ 4 phụ nữ Mỹ thì có 1 người từng bị công kích hoặc bị hành hung. Ở một số nước Hồi giáo với Luật Sharia hà khắc, phụ nữ ngoại tình có thể bị ném đá tới chết...
Ở Việt Nam, từ sau Đổi mới năm 1986, một số nhà văn, nhà thơ nữ “lĩnh ấn tiên phong phong trào nữ quyền” đã phản ảnh đời sống bất cập hiện nay của những người phụ nữ bị phân biệt đối xử, bị bạo hành; đả phá thói hư tật xấu của căn bệnh gia trưởng, độc đoán, thể hiện thái độ độc lập, tự chủ, bảo vệ phẩm giá thậm chí bày tỏ một thái độ “nổi loạn” của người phụ nữ chống lại những định kiến giới hiện đang khu trú trong xã hội. Cho dù địa vị của phụ nữ lúc này đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ vẫn cứ bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của số phận đàn bà, những phận người trắc trở, lầm lỡ trong tình yêu, cuộc sống bởi tính thụ động, cam chịu, không lối thoát.
Các quyền về dân sự, chính trị đối với phụ nữ cũng bị xem nhẹ. Họ được tham gia bầu cử muộn hơn nam giới. Đầu thế kỷ XX, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn chưa có quyền tham gia bầu cử và cũng không được đảm nhận một số công việc như nam giới. Ở Việt Nam, cũng tương tự như vậy. Những năm 70 của thế kỷ trước, bố mẹ phân chia tài sản, chỉ chia cho con trai và chỉ có con trai mới có quyền thừa kế. Trong quan hệ vợ chồng, việc đăng kí quyền sở hữu đối với một số loại tài sản thường do người chồng đứng tên, mãi tới những năm cuối của thế kỷ XX mới thay đổi, có thêm tên của người vợ và con gái có quyền thừa kế như con trai.
Theo một thống kê của UNFPA về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam, trong năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người phải chịu một loại hình bạo lực hoặc hơn do chồng gây ra. Hai năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã khiến cho tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ vốn đã tồn tại trước đó, nay trở nên trầm trọng hơn. Những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với những áp lực, căng thẳng về kinh tế-xã hội đã và đang làm gia tăng đối với các gia đình, dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Báo cáo về Khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, nhân loại sẽ mất tới 136 năm để thu hẹp khoảng cách giới do COVID-19 gây ra.
Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn
Do những đặc điểm tự nhiên về giới tính được hình thành qua hàng triệu năm tiến hóa cùng với truyền thống văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, luật pháp, việc xóa bỏ định kiến giới, đồng nghĩa với việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ quả là điều không dễ dàng và không thể giải quyết nhanh chóng. Tuy vậy, việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ luôn là một yếu tố quan trọng, tất yếu để bảo đảm cho tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển của xã hội và hưởng thụ thành quả của phát triển.
Có một sự thật là, bạo lực giới là vấn đề tồn tại từ lâu trong lịch sử nhưng lại là một nội dung mới trong pháp luật quốc tế. Trước những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều người còn cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ thuộc về các mối quan hệ có tính riêng tư giữa các cá nhân, các thành viên trong gia đình. Vì vậy, mọi hành vi bạo lực đối với phụ nữ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật quốc tế nói chung, luật quốc tế về quyền con người nói riêng. Trong những năm gần đây, nhờ sự cố gắng của cộng đồng quốc tế mà LHQ là cơ quan khởi xướng cùng với sự tham gia tích cực của các nước thành viên LHQ, việc nâng cao địa vị bình đẳng của phụ nữ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể nhưng do nhiều yếu tố khác nhau mà ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn diễn ra thường xuyên dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Nhiều hoạt động của Đại Hội đồng LHQ như thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979) - văn kiện tạo khuôn khổ cho việc thực thi các quyền của phụ nữ, được 189 quốc gia phê chuẩn trong đó có Việt Nam; ra Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ năm 1998; chỉ định ngày 25 tháng 11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (từ năm 1999) cùng với nhiều điều ước và nghị định thư quốc tế khác về quyền con người, tạo ra một khung pháp lý các quyền con người cơ bản mà mọi thành viên trong gia đình nhân loại đều được hưởng và được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh và môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn và trừng phạt các hành vi bạo lực giới.
Là thành viên của LHQ, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Các đạo luật được ban hành đều nhất quán khẳng định vị trí bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực.
Dù đã có rất nhiều cố gắng của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức người dân ngày một nâng cao, nhưng tình hình bạo lực chống lại phụ nữ ở nước ta vẫn chưa giảm như kì vọng. Ai cũng thừa nhận, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Họ không thể thiếu được trong gia đình và xã hội, ấy vậy mà vẫn bị định kiến và phân biệt đối xử. Phải chăng muốn tiệt trừ bạo lực đối với phụ nữ, phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ tạo ra định kiến giới - cơ sở tạo ra bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới tồn tại? Một hệ thống pháp luật đầy đủ, xử lý nghiêm những hành vi bạo hành, các chủ trương, chính sách có khi là chưa đủ, mà phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, phải bắt đầu lại bằng giáo dục và xây dựng một chuẩn mực văn hóa tôn trọng, bình đẳng đối với tất cả các giới.
Thật mừng, Hội nghị toàn quốc về Văn hóa được tổ chức ngày 24-11 vừa qua với kỳ vọng chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống các chuẩn mực về văn hóa mới đầy đủ hơn, đủ sức “soi đường cho Quốc dân đi” như Bác Hồ đã dạy trong giai đoạn mới. Không biết vô tình hay hữu ý, chủ đề Ngày Quốc tế đàn ông (19-11) năm nay - một sự kiện còn khá lạ lẫm ở Việt Nam, lại là “Thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa nam giới và nữ giới”. Một chủ đề mang nhiều ý nghĩa trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ, cho phụ nữ, chống lại mọi hình thức bất công đối với phụ nữ đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, nâng cao vị thế người phụ nữ ngày nay lên rất nhiều. Nhưng rõ ràng là chưa được như kỳ vọng. Cuộc đấu tranh ấy xem ra vẫn còn rất lâu dài, nhưng nếu có sự đồng lòng của toàn xã hội, sự quyết tâm của nữ giới, biết cách vượt lên trên mọi định kiến, thoát ra khỏi cái lẽ “nữ nhi thường tình” thì chắc chắn cuộc đấu tranh này sẽ nhanh tới thành công.
Văn Ba