Văn hoá quà tặng nảy nở khi đời sống vật chất của con người được nâng lên. Chẳng có gì là xấu cả. Tốt là khác. Đồng tiền không đến nỗi ngặt nghèo thì gặp nhau có thể kéo nhau làm vài cốc bia. Đến nhà nhau ngày dưng chẳng có lý do gì cũng có thể tặng bạn quả dưa hấu miền Nam nặng 3 hay 4 kg, hoặc chục cam Vinh, cân nho Mỹ. Huống hồ là ngày hội, ngày lễ, ngày Tết. Thành ra, với thầy Phùng, ngày Tết cổ truyền năm nay, học trò đem hoa cùng tặng phẩm tới chúc mừng cũng là biểu lộ lòng tri ân như một sự thường tình, đâu phải tiền bạc theo nghĩa lót tay, bôi trơn, hối lộ. Vậy mà thầy Phùng lại băn khoăn, thậm chí lương tâm có điều day dứt không yên, thế mới lạ.
Chiều đó, không thể giữ kín trong lòng được nữa, thầy sang tôi. Không để tôi hỏi cơn cớ, thầy tái nhợt mặt mày, đặt đánh cạch lên bàn chiếc cân bàn và nói: “Ông xem hộ tôi, ngày Tết Nguyên đán năm nay có đứa học trò tên Hoài tặng tôi cái này đây. Đây có phải nó có ý móc máy, xỏ xiên hay ngụ ý răn đe, nhắn nhe điều gì với tôi không?”
Chao ôi! Một cái cân bàn! Cái cân, công cụ đo lường trọng lượng. Nhưng đồ vật không chỉ là đồ vật. Nó còn cái bóng của nó nữa! Bên kia của cánh hoa hồng là tình yêu nồng thắm. Màu hoa tím là sự chung thủy. Màu trắng là biểu trưng của tuyết sạch giá trong. Học trò tặng thầy Phùng cái cân là muốn nhắn nhủ với thầy điều gì?
Đầu óc thầy Phùng muốn nổ tung. Xưa nay thầy vốn được coi là thần tượng của sự trung thực, công bằng kia mà. Chưa bao giờ có trò nào, bạn bè nào phàn nàn rằng thầy vì lợi lộc riêng mà ăn ở, đối xử với đồng nghiệp đơn sai. Năm kia, con ông Chủ tịch tỉnh học đã kém lại lười biếng, ỷ thế cha, bỏ học một tháng đi chơi Sài Gòn, thầy kiến nghị nhà trường kỷ luật cảnh cáo, không cho lên lớp, đích thân ông Chủ tịch đến xin, hứa hẹn điều này, điều nọ với thầy, thậm chí còn nói toạc ra rằng lúc này tỉnh đang xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho thầy. Mặc, thầy vẫn giữ nguyên chính kiến. Thầy là một nhân cách ngay thẳng! Thầy rất nghèo. Các con thầy còn nhỏ. Vợ thầy tốt nghiệp trung cấp sư phạm, chưa có công ăn việc làm, hằng ngày làm giá đỗ đem ra chợ bán, thu nhập chẳng đáng là bao. Thầy không thể chỉ vì quyền lợi cá nhân mà làm trái lương tâm, quy chế, đạo đức người thầy. Còn bây giờ, nếu học trò đem tặng thầy cái cân với ngụ ý gì đó thì khổ cho thầy. Oan cho thầy. Vì thế, thầy càng muốn được giãi bày, được thanh minh. Thầy mong làm cho mọi sự sáng tỏ mà lúng túng quá, chưa biết cách nào. Thấy thầy rầu rĩ, là đồng nghiệp, tôi cũng buồn phiền, lo lắng theo.
- Em Hoài, em có biết thầy gọi em đến để nói chuyện là vì lý do gì không?
Cuối cùng chính tôi phải thay mặt thầy Phùng mời em học trò tặng thầy cái cân bàn lên để hỏi chuyện. Thoáng cái, mọi việc đã sáng tỏ một cách thật bất ngờ. Tôi nhớ mãi cái tình huống đó, tình huống có một không hai trong đời dạy học của tôi và thầy Phùng.
- Thưa thầy, em thấy cô đi bán giá đỗ không có cân, nên em dành tiền mua tặng thầy cô thôi ạ.
Đó là câu trả lời của chú học trò. Chú vừa nói vừa mếu máo, nghẹn ngào vì lo âu. Đang nấp ở phía sau, thầy Phùng lập tức xô lên đứng bên cạnh tôi, trước mặt học trò. Rồi cả hai chúng tôi cùng bật khóc ngay khi đó. Trời! Học trò thời nay. Tình thương yêu với người thầy quá đỗi mộc mạc và chân thành!
Chuyện học trò tặng quà thầy ngày Tết khiến tôi nhớ đến chuyện tác giả Võ Nhật Vinh đăng trên chuyên mục Góc nhìn của báo điện tử VnExpress kể về người bạn của anh nhờ anh đang ở Pháp mua quà Tết tặng sếp. Chà! Quà Tết người bạn anh nhờ là gì vậy? Là nước hoa Chanel và túi xách Hermès. Theo anh Vinh, nước hoa loại này thấp nhất giá cũng vài trăm, loại cao hơn là hàng nghìn ơ-rô, tương đương vài chục triệu tiền Việt Nam. Còn túi xách Hermès thì có giá khoảng chục nghìn ơ-rô, tức cỡ vài trăm triệu đồng. Hai nhãn hàng hiệu cao cấp này đang được ưa chuộng ở ta. Và phải đặt mua tận bên Pháp vì sợ mua ở trung tâm mua sắm cao cấp tại Hà Nội lỡ phải hàng giả thì mất mặt với sếp, lại còn hỏng việc!
Tôi đem chuyện này kể lại với bạn tôi, một tiến sĩ xã hội học thì bạn tôi trố mắt nhìn: Này, bộ ông không biết hay giả đò ngây thơ? Hãy mở máy tính, bấm mục Quà tặng sếp thì sẽ rõ. Nghe lời bạn, tôi choáng thật sự. Trên mạng có cả một rừng thông tin, một thị trường sôi động, có hẳn các công ty chuyên lo giùm bạn việc này. Họ sẽ hướng dẫn bạn nếu lần đầu bạn mua quà tặng sếp. Bạn băn khoăn không biết nên chọn quà gì vừa sang vừa xịn. Nếu chọn vật dụng quen thì không gây ấn tượng, đồ độc, lạ thì chưa chắc sếp đã dùng. Đồ giá rẻ thì bị chê, đồ đắt tiền thì mang tiếng hối lộ… Cả một nghệ thuật và nguyên tắc trong việc chọn quà tặng sếp! Còn quà tặng thì muôn hình vạn trạng. Có cả trăm loại để thỏa mãn mọi nhu cầu.
Tết đến, tặng quà cho người thân, bề trên, bạn bè là chuyện thường tình! Như chuyện chú học trò biểu lộ lòng thương mến một cách mộc mạc và chân thành với thầy giáo của mình. Còn ở câu chuyện sau thì quà Tết đã có phần biến tướng. Tết đã thành một cơ hội, một dịp để người ta trao đổi lợi ích, trả công, cảm ơn nhau, thậm chí là gợi ý lợi ích hay sự ưu tiên, hoặc tất toán “nợ nần” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vài năm gần đây, thấy rõ mặt tiêu cực của chuyện tặng quà Tết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị “cấm tặng quà Tết” dưới mọi hình thức, nhưng thực tế vẫn thấy, ngoài món quà là xấp phong bì tiền ngoại hoặc một cú nhấp chuột chuyển khoản là cảnh người ta chạy vạy nhờ mua hàng cao cấp nước ngoài để biếu, tặng sếp.
Văn hóa quà tặng ngày Tết là biểu hiện của lối sống, truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta. Có một dạo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội đã tranh luận rằng nên đón Tết Tây hay Tết ta và cuối cùng Tết Tây cũng không thay thế được Tết ta vì phong tục đón Tết cổ truyền đã trở thành văn hóa dân tộc. Càng những ngày lễ, Tết, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng nhận được nhiều quà cấp dưới biếu, tặng. Quan tâm nhau ngày lễ, ngày Tết là phong tục, thói quen tốt. Cha ông chúng ta đã dạy “năng đến, năng gần”. Ngày lễ, Tết là dịp để chúng ta nhìn lại, bớt chút thời gian bận bịu đời thường để đến thăm, tặng quà nhau. Có như thế, đời sống tinh thần, tình cảm của con người mới càng phong phú, tốt đẹp hơn. Vì thế, đừng để truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị “biến tướng”, mang hàm ý xấu, đấy là trách nhiệm không chỉ của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn là của chung tất cả chúng ta.
Ma Văn Kháng