Người dân quê tôi có một nếp sống rất hay là cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, mọi người lại hay nói nhiều đến các câu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao về tiết kiệm.Ví như: “Tọa thực sơn đăng” (miệng ăn núi lở); “tích cốc phòng cơ” (tiết kiệm lúc làm được, phòng khi bão lụt, thiên tai, cơ nhỡ..); “giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, giàu đâu đến kẻ say sưa tối ngày”. Và rõ nhất là “Giàu mà không tiết kiệm thì nghèo liền tay/Nghèo mà không tiết kiệm sớm ăn mày”.
Nhắc nhiều đến những câu này, trước hết là để tự khuyên nhủ, nhắc nhở mình, khuyên người, sau là để khuyên răn con cháu nhớ ghi tiết kiệm là một quy tắc trong cuộc sống, nhất là khi xuân về, người ta hay vin vào cái lý: “Cả năm mới có 3 ngày Tết” để phung phí về mọi phương diện. Theo kiểu ngày xưa một số người lãng tử bất cần đời, phung phí để “no nê, phè phỡn 3 ngày tết nhưng đói 3 tháng hè”.
Nhiều người ở quê tôi lắc đầu, lè lưỡi khi nghe tin vụ năm Đinh Dậu (năm con Gà), một số nơi, người ta đua nhau lên tận miền núi xa xôi, bỏ ra hàng chục triệu, thậm trí hàng trăm triệu đồng để lùng mua gà chín cựa, hoặc 5, 7 cựa về cúng bái, ăn thịt lấy hên cả năm. Đến năm nay, họ vẫn nhắc vui, khi bước sang năm Hợi này (năm Kỷ Hợi – năm con lợn) liệu có còn ai mê tín đi tìm lợn lạ như gà chăng? Chắc muốn cũng chẳng có.
Chính vì tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, ngay từ đầu năm khi Tết đến xuân về, người dân quê tôi trở nên giàu có. Cùng với sản xuất kinh doanh phát triển, nhà nào cũng có của ăn của để, toàn xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới ngay từ năm 2015.
Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã coi phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Nhưng so với tham nhũng thì lãng phí chưa được nhận diện đúng mức cả về quy mô, mức độ tác động đến đời sống xã hội. Xét trên nhiều khía cạnh, những tổn thất mà lãng phí gây ra là rất nghiêm trọng, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Chính vì thế trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, viết từ tháng 6 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ:“Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình. Tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa sỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức… Cần kiệm là phẩm chất của người lao động trong đời sống, công tác.”
Tôi nhớ mãi bài viết của đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (khóa X), đăng trên báo Nhân Dân (ngày 17-10-2006) cách đây đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. khi nói về tiết kiệm, đồng chí nhấn mạnh: “Tình trạng lãng phí trong các cơ quan đảng, nhà nước là rất lớn. Trụ sở của nhiều cơ quan đảng và nhà nước xây quá mức cần thiết, xe cộ quá mức sang trọng, tiêu sài lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng và tràn lan… Sinh thời, Bác Hồ đã gọi đồng chí Nguyễn Văn Trân, lúc đó là Bí Thư Thành ủy Hà Nội, hỏi về quy hoạch của thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Trân trình bày với Bác về quy hoạch xây dựng thành phố, trong đó có việc xây dựng cơ quan đảng, nhà nước khá qui mô. Bác hỏi: “Từ trước đến nay các chú làm việc ở đâu? Có nhất thiết phải xây dựng trụ sở mới hay không? nước ta còn nghèo mà chú đặt vấn đề như thế có đúng không?” Đồng chí Nguyễn Văn Trân đã kể lại câu chuyện này như thế.” Đồng chí Mai Chí Thọ kết luận: “Nhà sàn Bác Hồ là tiêu biểu mẫu mực của sự giản dị và tiết kiệm. Nhà sàn của Bác còn đó nhưng tệ nạn lãng phí, tham ô lại thật phũ phàng. Đây là hình ảnh trái ngược đến đau lòng và cần phải bị phê phán nghiêm khắc. Tiết kiệm nhất thiết phải là một quốc sách và phải là một trong những tiêu chuẩn chính để đánh giá các đảng ủy, các chi bộ, các cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể…có trong sạch, vững mạnh hay không? Phải phát động phong trào thi đua tiết kiệm, nhân điển hình tiên tiến và phải nghiêm khắc phê phán, kỷ luật những thiếu sót trong vấn đề này”.
Lãng phí có ngay trong tư duy của mỗi người qua các biểu hiện lệch lạc như thói xa hoa, phô trương hình thức, vung tay quá trán, sống hôm nay không biết ngày mai và là một căn bệnh nguy hiểm. Nhưng thái độ của không ít người với vấn nạn này lại rất đáng để suy nghĩ. Tham nhũng bị liệt vào tội phạm. Nhưng kết tội tập thể, cá nhân cơ quan nhà nước lãng phí rất khó dù hậu quả của nó rất nặng nề. Thói lãng phí, phô trương hình thức của người dân thì không thể kết tội. Không có luật nào kết án người lãng phí của cải do chính họ làm ra.
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống từ năm 2005, nhưng lãng phí còn rất lớn. Do vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới cao hơn, quyết liệt hơn mà trước hết là việc thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu các cơ quan của Đảng, Nhà nước về tệ nạn này. Cũng như chống tham nhũng, nên có điều tra, xét xử, kỷ luật những cán bộ sai phạm trong việc lãng phí, không thực hành tiết kiệm theo luật định. Cùng với công tác này là việc tổ chức cuộc vận động sâu rộng thường xuyên, quyết liệt để hình thành thói quen, nếp sống tiết kiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, xây dựng một xã hội tiết kiệm, chống lãng phí. Đó chính là học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo được thói quen tiết kiệm.
Phạm Tài Nguyên
Nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam