Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế nhiệm kỳ 2021-2026 làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, thực hiện tinh giản biên chế, tính đến ngày 30-6-2021, tòa án nhân dân các cấp đã giảm được 1.664 người (đạt tỷ lệ 10,9%). 

Bên cạnh đó, các cấp Tòa đã tuyển dụng, tiếp nhận 1.063 người, trong đó xét tuyển theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 3 trường hợp; tiếp nhận không qua thi tuyển và tổ chức thi tuyển 1.060 trường hợp. Trong đó, nhân sự được tuyển dụng vào các Vụ Giám đốc kiểm tra Tòa án Nhân dân Tối cao đều tốt nghiệp loại giỏi từ các cơ sở đào tạo luật uy tín ở trong nước và nước ngoài.

Về cơ cấu tổ chức, năm 2021, Tòa án Nhân dân Tối cao có 15 đơn vị cấp vụ (giảm 6 đầu mối); 57 đơn vị cấp phòng (giảm 12 phòng) so với thời điểm trước.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)
Tòa án Nhân dân Tối cao được Bộ Chính trị giao nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đề án đã báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, trình Bộ Chính trị theo quy định, hiện đang được khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện để đưa vào Đề án nhánh “Cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

Theo đó, đối với tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ giảm được 1 đơn vị cấp vụ; thí điểm sáp nhập 45 tòa án nhân dân cấp huyện tại 14 tình, thành phố trực thuộc Trung ương để tránh dàn trải về con người, cơ sở vật chất; chức năng nhiệm vụ của các đơn vị được sửa đổi, bổ sung đảm bảo khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo.


Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai kết luận tại buổi làm việc.

Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao đã chấp hành rất nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận Tòa án Nhân dân Tối cao đã tích cực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, cụ thể hóa, thể chế hóa. Tòa án Nhân dân Tối cao cũng là một trong những cơ quan tích cực trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật mới liên quan đến hoạt động của tòa án, đặc biệt là sau Hiến pháp 2013 đã tiến hành trình cho Quốc hội những đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động của Tòa án Nhân dân Tối cao và tòa án các cấp.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 39, 18, 19, Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao đã nghiên cứu kỹ lưỡng để có quá trình tổ chức thực hiện. Tòa án đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện các nghị quyết này.

Thực hiện tinh giản biên chế, tòa án có số biên chế từ năm 2013 đến nay không tăng mà còn giảm tiếp tục hơn 10% theo chủ trương của Đảng, đồng thời vẫn đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao.

Về cơ cấu, nhóm công chức hành chính và nhóm lãnh đạo, quản lý chiếm hơn 27%; nhóm nghiệp vụ chuyên ngành chiếm 62,7% và nhóm chuyên môn chung chiếm 9,5%. 

"Như vậy, cơ cấu cao nhất khoảng hơn 62% dành cho vị trí nghiệp vụ, chuyên môn, cho thấy đây là nhận thức mới của tòa án, đang là hướng đi đúng. Mục tiêu sắp tới phải tiếp tục cơ cấu này. Trên cơ sở đó, ngành Tòa án cũng quan tâm việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, những vị trí chuyên môn" - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Về thực hiện Nghị quyết 18, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tích cực sắp xếp lại đội ngũ và giảm các đầu mối. Tòa có 15 đơn vị cấp vụ (giảm 6 đầu mối); 57 đơn vị cấp phòng (giảm 12 phòng) so với thời điểm trước. 

Tòa án còn tiếp tục đổi mới, ví dụ như tiếp tục thí điểm sáp nhập 45 tòa án nhân dân cấp huyện của 14 tỉnh, thành phố; tiếp tục thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành Tòa án cũng quan tâm đến thi tuyển chức danh tư pháp và thi tuyển lãnh đạo cấp vụ. 

Trưởng Ban Tổ chức đánh giá cao ngành Tòa án trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác được đảm bảo. Như về án hủy, sửa, năm 2015 có tới 1,42% trong tổng số vụ án; đến năm 2021 chỉ còn 0,81%. Án oan sai giảm rất nhiều, nhất là những vụ phức tạp, nghiêm trọng. Bên cạnh đó, qua công tác tư pháp, quyền con người, quyền công dân được bảo vệ, đảm bảo bình đẳng trước pháp luật. 

"Nói cho cùng biên chế sẽ dẫn tới cơ cấu đội ngũ cán bộ và cơ cấu đội ngũ cán bộ thì dẫn đến chất lượng cán bộ và chất lượng thực thi nhiệm vụ chính trị" - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận những nỗ lực và nêu yêu cầu với Ngành Tòa án.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò rất quan trọng của tòa án, Tòa án Nhân dân Tối cao và tòa án các cấp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Ngành Tòa án tiếp tục đảm bảo yêu cầu tinh giản biên chế, tổng kết lại quá trình tinh giản biên chế thời gian qua, khắc phục những hạn chế và tiếp tục hoàn thiện về vị trí, việc làm. 

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó chính là khối lượng công việc của tòa án đang tăng lên (8,5%/năm) trong bối cảnh thực hiện đổi mới bộ máy, tinh giản biên chế, cho thấy áp lực rất lớn lên các tòa án.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh quan điểm, biên chế phải gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao; gắn với người đủ tiêu chuẩn, điều kiện; khung vị trí việc làm sát sườn hơn, phải gắn với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất