Ban hành quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là cần thiết


Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Văn Chính nêu rõ: Trong thời gian qua, Đảng ta tiếp tục tập trung lãnh đạo đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, tham nhũng quyền lực mà biểu hiện cụ thể là chạy chức, chạy quyền. Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: "Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương". Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh: "Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện". Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ: "Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Đồng chí Mai Văn Chính cho biết: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương nhận thấy đây là một vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu. "Việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức chạy quyền, chống chạy chức chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành Quy định của Bộ Chính trị về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay" - đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là cần thiết. Các đại biểu đã tập trung góp ý vào một số nội dung: Tình hình, nguyên nhân hạn chế của kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, đồng thời làm rõ, phân tích kỹ về bố cục, tên gọi, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc của Quy định; về cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền; chống hành vi chạy chức, chạy quyền; cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền và việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền; về trách nhiệm thực hiện Quy định…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Tổ biên tập, lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu và tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu để tham mưu giúp Lãnh đạo Ban chuẩn bị tốt dự thảo Đề án, Quy định, Tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo quy định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất