Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Quy chế thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng
Cuộc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tài chính, tháng 6-2015.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành Quy chế số 02-QC/TU "Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng", thực hiện thí điểm đến hết quý I-2020, thay thế Quy chế thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 1190-QĐ/TU ngày 19-9-2013 của BTV Tỉnh ủy.

Đối tượng thi tuyển là cán bộ, công chức trong quy hoạch chức danh tuyển chọn, hoặc trong quy hoạch chức danh tương đương không chỉ ở trong cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, mà được mở rộng ra ở các cơ quan, đơn vị, địa phương khác trong và ngoài tỉnh có chuyên môn gần với chức danh có nhu cầu bổ nhiệm. Khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh. Trường hợp không có hoặc chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi, thì cấp có thẩm quyền đề cử thêm người tham gia dự tuyển hoặc trường hợp đến thời điểm thi tuyển chỉ có 1 người dự thi, thì có tiếp tục thi hay không do cấp có thẩm quyền quyết định.

Các chức danh thi tuyển gồm: Giám đốc, phó giám đốc các sở; trưởng, phó các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; hiệu trưởng, hiệu phó Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Trường Đại học Hạ Long; phó trưởng BQL Vịnh Hạ Long; phó trưởng các ban Đảng, phó Văn phòng Tỉnh ủy; Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh.

Chức danh thi tuyển thuộc các sở, ban, ngành, địa phương quản lý gồm: Trưởng, phó phòng, ban, trung tâm và đơn vị sự nghiệp hoặc tương đương; phó trưởng các ban Đảng, phó văn phòng huyện ủy, thị ủy, thành ủy; phó trưởng các ban Đảng, Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Than Quảng Ninh (đối với trường hợp không tham gia cấp ủy).

Các thí sinh trải qua 2 kỳ thi: Thi viết phải đạt trên 50 điểm (thang điểm 100) thì được lọt vào vòng thi trình bày đề án với nội dung liên quan đến nghiệp vụ của vị trí lãnh đạo của chức danh cần tuyển chọn. Thi trình bày đề án (thang điểm 100), gồm: Xây dựng đề án (20 điểm); bảo vệ đề án (40 điểm); trả lời câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển (40 điểm). Những người được xem xét bổ nhiệm là những người vượt qua kỳ thi trình bày đề án với số điểm từ 80 điểm trở lên.

Căn cứ vào kết quả thi trình bày đề án (trên 80 điểm), cộng với hồ sơ cán bộ, quá trình công tác, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, lịch sử chính trị, thái độ chính trị…, cơ quan có thẩm quyền thực hiện bỏ phiếu kín để lựa chọn ra cán bộ lãnh đạo mới. Trường hợp các ứng viên có số phiếu bằng nhau thì người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định lựa chọn.

Việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tập trung dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, công tâm và các quy trình, quy định về công tác cán bộ.

Hoài Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất