Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 18-11, Quốc hội họp tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 51): Cùng với việc bổ sung cụm từ “doanh nhân”, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nghiệp vào khoản 3 Điều 51. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1991 tán thành với ý kiến này và thấy rằng, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và thể hiện tại khoản 3 Điều 51 của Dự thảo.

Về vấn đề thu hồi đất, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề nghị Quốc hội cho được tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc thu hồi đất, theo hướng sửa lại khoản 3 như sau: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định và được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế-xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của pháp luật".

Liên quan đến chương chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị thiết kế mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ giữa thẩm quyền và tổ chức như sau: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với đặc điểm nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Một số ý kiến khác đề nghị, trong khi chưa có tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, đề nghị giữ mô hình: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành.

Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hiến pháp có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước. Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu và đã được triển khai, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước suốt 2 năm qua và được tiếp thu, chỉnh lý liên tục, đầy đủ, chất lượng cao.

Cũng trong sáng 18-11, Quốc hội tiếp tục góp ý một lần nữa vào dự thảo trên cơ sở góp ý bằng phiếu. Theo chương trình, ngày 28-11 Quốc hội sẽ quyết định thông qua Hiến pháp.

Từ ngày mai, 19-11 đến ngày 21-11, Quốc hội dành thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất