Quốc hội thảo luận quy hoạch thủy điện và thu hút đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh

Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; vận hành khai thác các công trình thủy điện và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Đánh giá về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương có liên quan; thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện thời gian qua còn một số hạn chế, việc xây dựng dự án thủy điện chưa theo đúng lộ trình, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hiệu quả đầu tư thấp; đời sống nhân dân ở vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện kém chất lượng; loại bỏ quy hoạch dự án tác động xấu đời sống người dân.

Đa số các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện để đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm an toàn cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả, tích cực hơn nữa để chăm lo đời sống của người dân tái định cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người; đảm bảo định canh, định cư. Việc nâng cao đời sống của người dân nên là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ cần xây dựng các phương án tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất; bảo đảm sự sinh kế của người dân sau khi thu hồi, xây dựng chương trình dài hạn, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề mới cho người dân.

Giải trình về việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nêu: Quy hoạch thủy điện là quy hoạch mang tính đặc thù, dựa trên tiềm năng, lợi thế của nước ta về nguồn thủy năng. Quy hoạch thủy điện không phải quy hoạch bất biến, cố định mà là quy hoạch "động" và "mở", qua từng thời kỳ có thể được sửa đổi, bổ sung, loại trừ những quy hoạch không khả thi. Đối với công tác rà soát quy hoạch các công trình thủy điện, các địa phương không nên chờ khi Quốc hội có Nghị quyết về về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện mới tiến hành rà soát các công trình này... Những dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch không phải là các dự án không có tính khả thi về kinh tế mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố như môi trường, tài chính... 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch đều đang trong giai đoạn nghiên cứu nên không gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp.

Tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38/2004/QH11 là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, dự án đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong Báo cáo của Chính phủ số 1581/CP-CN ngày 22/10/2004 về Dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết 38/2004/QH11. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết 38/2004/QH11 không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung.

Các đại biểu nhất trí Quốc hội cần ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Thủy Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất