Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý tại Hội nghị cán bộ toàn quốc 2012
Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh (thứ 3 từ trái sang) với đại biểu dự Hội nghị.

Hôm qua (10-1-2011), Hội nghị có 5 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 69 lượt ý kiến phát biểu, đóng góp vào các dự thảo tại tổ. Không khí thảo luận sôi nổi, nghiêm túc, thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề trong Dự thảo Báo cáo tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. Trong đó, có nhiều ý kiến bổ sung những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ công tác này trong thời gian tới.

Dưới đây là tổng hợp ý kiến thảo luận đối với từng văn bản:

I. Về dự thảo Báo cáo tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2011, phương hướng và nhiệm vụ năm 2012

Nhìn chung các ý kiến bày tỏ sự nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị. Các ý kiến cho rằng Báo cáo được chuẩn bị công phu, chu đáo, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được của toàn Ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2011; phân tích làm rõ kết quả công tác tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; khẳng định năm 2011, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã triển khai và hoàn thành một khối lượng công việc lớn và có kết quả tốt, được cấp ủy ghi nhận, dư luận cán bộ, đảng viên đánh giá cao. Bố cục của Báo cáo khá mạch lạc, rõ ràng; các mặt công tác không chỉ được trình bày khái quát mang hơi thở của cuộc sống ở các địa phương, đơn vị mà còn thể hiện sự hài hòa, cân đối giữa các đánh giá, nhận định, các khuyết điểm hạn chế và giữa phần đánh giá kết quả năm 2011 với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, bổ sung và sớm ban hành báo cáo.

Các ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm từng nội dung của Dự thảo Báo cáo, tập trung vào những nhóm vấn đề sau:

1. Nhóm các ý kiến về công tác tổ chức

- Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng, đảng đoàn; mối quan hệ giữa ban cán sự đảng, đảng đoàn với đảng ủy bộ ngành. Năm 2012, nghiên cưu, điều chỉnh, bổ sung Quy định (số 222) của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tham mưu, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện.

- Một số ý kiến đề nghị sớm tổng kết Nghị quyết số 38 của Ban Bí thư (khóa IV) về công tác đảng ngoài nước, trong đó làm rõ mô hình, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và công tác quản lý đảng viên đối với một số trường hợp đặc thù.

- Có ý kiến cho rằng: Mô hình Đảng ủy tập đoàn, tổng công ty như hiện nay khó thực hiện và đang có tình trạng chồng chéo trong thực hiện mô hình tổ chức đảng theo ngành và lãnh thổ, thiếu nhất quán trong hệ thống tổ chức của Đảng.

- Nhiều ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trrung ương sớm giao chỉ tiêu biên chế khối đảng, đoàn thể để các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai, thực hiện.

2. Nhóm ý kiến về công tác cán bộ

- Có ý kiến cho rằng: có hiện tượng chạy chức, chạy quyền nhưng không nhiều. Do vậy nên cân nhắc cụm từ “nạn chạy chức, chạy quyền” hay cụm từ “phổ biến” như đã nêu trong Báo cáo.

- Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm số lượng phó bí thư, phó chủ tịch, trưởng, phó các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện để tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện luân chuyển cán bộ. Thực hiện luân chuyển cả hai chiều lên-xuống và luân chuyển ngang; kết hợp luân chuyển với chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Cần có chính sách khuyến khích và chế độ nhà công vụ đối với cán bộ luân chuyển và thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.

- Có ý kiến cho rằng: thời gian luân chuyển 3 năm là dài, chỉ nên là 2 năm để kịp bố trí cán bộ; song cũng có ý kiến cho rằng thời gian luân chuyển 3 năm là ngắn, chưa đủ để cán bộ rèn luyện, đào tạo, thử thách từ thực tiễn cơ sở; có ý kiến chỉ nên luân chuyển cán bộ còn đủ tuổi ít nhất là 8 năm công tác.

- Nhiều ý kiến cho rằng công tác cán bộ có nhiều khâu nhưng đánh giá cán bộ phải được coi là khâu quan trọng để thực hiện các khâu tiếp theo. Do vậy năm 2012 đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ bằng quy chế, quy định cụ thể theo chức danh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra. Có ý kiến đề nghị thực hiện việc nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ 6 tháng 1 lần.

- Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt yêu cầu; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, cán bộ là người dân tộc phù hợp với đặc điểm, tình hình mang tính đặc thù từng địa phương, từng ngành và có biện pháp để thực hiện cho bằng được.

- Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

- Quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở xã phường, thị trấn. Nghiên cứu hình thực thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp theo lộ trình thích hợp.

- Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu một số chính sách đối với cán bộ khối Đảng, đoàn thể nhưng chưa đồng bộ, hợp lý, công bằng trong đó có cán bộ cấp xã.

3. Nhóm các ý kiến về công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

- Tại các tổ thảo luận, các ý kiến đều tập trung đề nghị: Ban Tổ chức Trung ương cần nghiên cứu để tham mưu bổ sung, sửa đổi một số quy định về mô hình tổ chức đảng trong một số loại hình cơ sở, bởi sau thời gian triển khai thực hiện đã xuất hiện một số bất cập, hạn chế như: mô hình chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn... Tổ chức nghiên cứu xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... trực thuộc cấp huyện.

- Có ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương trước khi ban hành các hướng dẫn đối với cơ sở đảng, đảng viên cần tham khảo ý kiến địa phương, đơn vị nhằm tránh sai sót không đáng có như Hướng dẫn đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên vừa qua.

- Sớm tổng kết Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm nhằm đổi mới tốt hơn về hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ nhất là qua việc triển khai nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

- Một số ý kiến đề nghị quan tâm đặc biệt và có chủ trương về công tác phát triển đảng viên trong giai đoạn mới. Ban Tổ chức Trung ương nên có hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập lý luận phù hợp, nhất là cho đảng viên ở những lĩnh vực đặc thù.

4. Nhóm các ý kiến về công tác bảo vệ chính trị nội bộ

- Có ý kiến cho rằng trong phần phương hướng chỉ mới nêu rất ngắn, cần quan tâm chú trọng hơn đến công tác này và phải đặt ở vị trí tương xứng. Nghiên cứu để có giải pháp phù hợp với vấn đề chính trị hiện nay. Mặt khác có cơ chế, quy chế bảo vệ cán bộ, tránh làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng. Cần xem xét lại giữa vấn đề chính trị nội bộ và bảo vệ cán bộ lãnh đạo để tránh sai sót.

5. Một số ý kiến khác

Hầu hết các ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cần thực hiện chủ trương giao ban định kỳ theo khu vực hoặc theo nhóm công việc. Một số ý kiến đề nghị thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ như đã thực hiện rất tốt trong năm 2011. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị quy định hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương, đơn vị.

Có ý kiến cho rằng: việc tổ chức thi đua theo cụm như đang thực hiện đã có những biểu hiện hình thức.

Có ý kiến phân vân: khối lượng công việc đề ra trong năm 2012 như Dự thảo Báo cáo là quá lớn, cần cân nhắc, lựa chọn một số nhiệm vụ lớn, quan trọng, cấp bách để tập trung triển khai thực hiện có kết quả.

II. Đối với hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng

Các ý kiến đều nhất trí với các nội dung đã trình bày trong báo cáo, đồng thời đánh giá cao chất lượng của các văn bản quan trọng phục vụ cho công tác xây dựng đảng. Những điểm mới bổ sung, sửa đổi cơ bản đáp ứng yêu cầu và tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhất là phần cụ thể hóa những nội dung như: tính tuổi đảng của đảng viên theo quy định mới của Điều lệ Đảng; đơn giản hóa thủ tục thẩm tra, xác minh lý lịch người vào Đảng; việc thôi tham gia cấp ủy của các đồng chí có quyết định nghỉ công tác, chờ nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu... Cơ bản không có ý kiến khác nhau trong cùng một vấn đề.

Nhiều ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nhanh chóng quán triệt những nội dung của các văn bản này để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.

III. Đối với sơ thảo Quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý
 
Nhiều ý kiến cơ bản đồng tình với khung Sơ thảo quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý và cho rằng có nhiều nội dung mới, chi tiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Một số ý kiến đề nghị bổ sung mục đích, yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng nên bố trí các chức danh không phải người địa phương như Sơ thảo đã nêu. Có ý kiến đề nghị sửa cụm từ “xin ý kiến...” bằng cụm từ “trao đổi...” với Ban Tổ chức Trung ương, ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan. Sớm có quy định về chế độ chính sách, nhất là cơ chế đi lại đối với cán bộ luân chuyển tới các địa bàn khó khăn, đồng thời nghiên cứu có chế độ đặc thù đối với cán bộ luân chuyển là nữ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất