Ngày 9-1-2012, Ban Tổ chức Trung ương- Đề án 165 phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo: Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản Và Việt Nam hiện nay. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165 dự và phát biểu khai mạc hội thảo (ảnh); đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt, các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương tham dự.
Tại Hội thảo, giáo sư I-tô Ku-ni-ô hiện là Chủ tịch Hiệp hội quan hệ đầu tư Nhật Bản, Chủ tịch Hội nghiên cứu và xúc tiến liên doanh Nhật Bản… và Giáo sư Trần Văn Thọ, từng là uỷ viên chuyên môn Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, cố vấn nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Nhật, thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giáo sư thỉnh giảng Đại học Quốc gia Hà Nội… tham gia thuyết trình.
Với chủ đề Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và Việt Nam hiện nay, các giáo sư đã giải thích cơ cấu lý luận của phát triển kinh tế, đề xuất giả thuyết về quan hệ giữa các giai đoạn phát triển và biến đổi hệ thống, phân tích quá trình phát triển của Nhật Bản từ thời Minh Trị, khi Nhật Bản bắt đầu sự nghiệp CNH, HĐH và đến khi đuổi kịp các nước phát triển. Làm rõ nguồn lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản sau thời Minh trị đến nay và quá trình phát triển của doanh nghiệp. Các giáo sư cũng đã trao đổi về những kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản, góp phần luận giải vấn đề mà nhiều học giả và nhà nghiên cứu đã nghiên cứu đó là Nhật Bản đã làm thế nào để phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước công nghiệp hiện đại, đuổi kịp các nước Âu, Mỹ. Thông qua phân tích những kinh nghiệm, nguyên nhân, cung cấp những quan điểm, bài học kinh nghiệm giúp tham khảo cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
Với kiến thức uyên thâm và tình cảm gắn bó với Việt Nam, bằng nhiều ví dụ cụ thể, sâu sắc, hai giáo sư đã cung cấp cho người nghe nhiều kiến thức bổ ích, làm phong phú vốn hiểu biết, góp phần vận dụng vào công việc của mỗi người.
Hồng Phúc