Sáng 24-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc, kết thúc tốt đẹp nội dung chương trình đã đề ra. Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều vị khách mời; các vị đại biểu Quốc hội các khóa trước…
Phát biểu kết thúc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, toàn diện và đề ra nhiều giải pháp quan trọng, tích cực.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, đoàn kết, thống nhất, cùng đội ngũ doanh nhân và đồng bào, chiến sỹ cả nước phát huy cao độ nội lực, tranh thủ có hiệu quả nguồn đầu tư, sự hỗ trợ, đoàn kết quốc tế, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và chuyển đổi thành công mô hình kinh tế, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo có hiệu quả; phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015. Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân, mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công.
Với tinh thần khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới.
Theo đó, cần tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để xác định các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống.
Khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ xét thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương của Nhà nước, tới quyền giám sát và đánh giá cán bộ của Quốc hội và hội đồng nhân dân, do vậy, cần có thêm thời gian thảo luận kỹ, thấu đáo bảo đảm chất lượng Nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trước khi quyết định.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau. Đồng thời, Quốc hội đã quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (theo quy định của Nghị quyết 35) đối với những người được Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.
Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Đến diễn đàn này, hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sỹ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc.
Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Tán thành các giải pháp các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội
Tại phiên bế mạc, với 96,18% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII nêu rõ Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tập trung giải quyết, trả lời 2.268 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương nghiên cứu, trả lời 2.216 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; tiếp tục rà soát, thực hiện những nhiệm vụ, tiêu chí chưa đạt tại các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Quốc hội cơ bản tán thành các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội và yêu cầu cụ thể đối với lĩnh vực tài chính; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; lĩnh vực thanh tra.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét những vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Thành tựu trong công tác giảm nghèo góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
Tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên bế mạc (96,99%) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Nghị quyết nêu rõ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; vẫn còn tồn tại tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc lồng ghép chính sách, cân đối nguồn lực và công tác quản lý, điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế.
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây, năm 2015: Đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách và nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 đồng bộ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác làm cơ sở để lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo. Điều tra, phân loại và công bố tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. Đổi mới có hiệu quả cơ chế điều hành, chủ trì, phân công, phân cấp, phối hợp trong công tác giảm nghèo.
Giai đoạn 2016-2020: Đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực ; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế-xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh.
Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo. Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đang thiếu đất sản xuất; kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất, đồng thời có chính sách giải quyết tình trạng di cư tự do ở một số địa phương. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng, đào tạo nghề hợp lý, hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú với quy mô phù hợp; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cử tuyển gắn với sử dụng.
Bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương; cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Định kỳ 2 năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Nguồn: TTXVN