Ngày 26-4, tại trụ sở Trung ương Ðảng, Hà Nội, Bộ Chính trị họp, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội bốn tháng qua, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm 2012. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Ðồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng qua.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo của Văn phòng Trung ương Ðảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ý kiến kết luận nêu rõ: Bộ Chính trị thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2012 đã có bước chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng, nhất là so với cùng kỳ năm ngoái. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011. Lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện; tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn có chuyển biến và duy trì tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 22,1% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch khá sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế quý I năm 2012 chỉ đạt 4% thấp hơn so với cùng kỳ và quý IV năm 2011. Lãi suất tuy đã giảm những vẫn còn ở mức cao; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn nhiều so với bốn tháng đầu năm 2011. Sản phẩm tồn kho tiếp tục tăng cao. Số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi tăng cao. Thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với tiến độ các năm trước. Tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bức xúc. Ðời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp.
Những hạn chế, yếu kém trên đây không nằm ngoài dự báo từ trước, có nguyên nhân khách quan bên ngoài như: kinh tế thế giới phục hồi chậm; khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách ở nhiều nước; những bất ổn chính trị và xung đột ở một số nơi làm giá dầu mỏ tăng cao... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: những tháng đầu năm vẫn phải tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập của người lao động. Thời tiết không thuận và dịch bệnh nhiều cũng gây thêm khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế. Việc quản lý, điều hành, thực hiện các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế có lúc, có nơi ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, đồng bộ, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tuy đã được quan tâm, đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn, gây bức xúc trong nhân dân...
Bộ Chính trị đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội. Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước bên cạnh những dấu hiệu tích cực, vẫn đang diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, phải kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cho năm 2012; tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ; đồng thời, thường xuyên cập nhật phân tích, đánh giá sâu sắc, đầy đủ hơn tình hình thực tế để có giải pháp phù hợp; bảo đảm thực hiện hài hòa mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể là: Tiếp tục kiềm chế lạm phát năm 2012 ở mức 8 - 9%, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ và năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và duy trì tăng trưởng ở mức 5,5 - 6% nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát trở lại. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại...
Nguồn: TTXVN