Công tác tổ chức xây dựng đảng ở Quảng Bình:
- Triển khai NQTW4: Quan tâm, đồng tình, mong muốn, chờ đợi các cấp uỷ đảng có những việc làm cụ thể, thiết thực
- Chất lượng quy hoạch có chuyển biến
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh đi vào nền nếp
- Công tác phát triển đảng viên là người có đạo, người dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả...
Về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã tổ chức 2 hội nghị quán triệt Nghị quyết cho 390 cán bộ cốt cán của tỉnh và 102 cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến các cấp uỷ, địa phương, đơn vị địa bàn toàn tỉnh. Qua triển khai bước đầu, trong đông đảo các tầng lớp nhân dân ở tỉnh có sự quan tâm, đồng tình, mong muốn, chờ đợi các cấp uỷ đảng có những việc làm cụ thể, thiết thực, biến quyết tâm thành hành động, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Về quy hoạch cán bộ, chất lượng quy hoạch có chuyển biến (quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình độ đại học tăng 8,8%, thạc sỹ, tiến sỹ tăng 155,6%, cao cấp, cử nhân chính trị tăng 25,5%; quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình độ đại học tăng 15%, thạc sỹ, tiến sỹ tăng 200%, cao cấp, cử nhân chính trị tăng 30,4%; quy hoạch ban chấp hành đảng bộ cấp huyện trình độ đại học tăng 43,2%, thạc sỹ, tiến sỹ tăng 81,8%, cao cấp, cử nhân chính trị tăng 59,2%; quy hoạch ban thường vụ huyện ủy trình độ đại học tăng 65,8%, thạc sỹ tăng 66,7%, cao cấp, cử nhân chính trị tăng 44,7%). Cơ cấu quy hoạch có sự điều chỉnh hợp lý hơn; đã chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tế; quan tâm tạo nguồn để bố trí kết hợp giữa 3 độ tuổi dưới 40, từ 40 đến 50 và trên 50, tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (quy hoạch ban chấp hành đảng bộ hai huyện miền núi Tuyên Hoá, Hướng Hóa tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 28,6%, 37,9%).
Về công tác luân chuyển cán bộ, Quảng Bình đã luân chuyển 497 lượt cán bộ, trong đó Trung ương luân chuyển về tỉnh 4 đồng chí; tỉnh lên trung ương 12 đồng chí. Cấp tỉnh về cấp huyện 16 đồng chí; cấp huyện lên cấp tỉnh 46 đồng chí. Cấp huyện về cấp xã 50 đồng chí; cấp xã lên cấp huyện 12 đồng chí. Huyện này sang huyện khác 1 đồng chí; xã này sang xã khác 4 đồng chí; luân chuyển trong nội bộ cơ quan, đơn vị 352 đồng chí. Số cán bộ được luân chuyển đã khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu rèn luyện, chủ động tìm tòi tiếp cận với điều kiện và môi trường làm việc mới, giữ gìn được phẩm chất, thể hiện được năng lực, tích lũy được kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong công tác. Phần đông cán bộ luân chuyển đã cùng với tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi luân chuyển đến đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác xây dựng đảng, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển. Tuy nhiên, công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có những hạn chế, đó là nhận thức về quy hoạch, luân chuyển cán bộ trong một số cấp ủy chưa sâu; việc quy hoạch còn mang tính hình thức, nặng về số lượng bằng cấp; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong quy hoạch còn thấp; chất lượng cán bộ dự nguồn một số chức danh chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng khép kín, bị động trong công tác quy hoạch cán bộ ở một số đơn vị, địa phương; có trường hợp luân chuyển, điều động cán bộ chủ yếu theo yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, nên cán bộ diện luân chuyển có nơi chưa phù hợp dẫn đến kết quả công tác còn hạn chế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh từng bước đi vào nền nếp, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được triển khai toàn diện, chú trọng theo hướng chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng thực thi công vụ, bổ sung kiến thức thực tiễn, kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống. Năm 2011, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút, đào tạo nhân tài giai đoạn 2010 - 2015 (Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 10-11-2011). Tuy nhiên, công tác dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; chế độ, chính sách đối với cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều khó khăn, bất cập; việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng có trường hợp chưa dựa trên quy hoạch.
Công tác phát triển đảng viên là người có đạo, người dân tộc thiểu số: Đến nay, Quảng Bình có 52 đảng bộ cơ sở xã có giáo dân; 823 đảng viên là người có đạo, chiếm 1,66% đảng viên toàn tỉnh. Riêng từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã kết nạp được 156 đảng viên là người có đạo; trong đó 47 đảng viên tham gia cấp ủy cơ sở, 85 đảng viên tham gia cấp ủy trực thuộc cơ sở, 3 đảng viên tham gia HĐND huyện, 151 đảng viên tham gia HĐND xã, 84 đảng viên tham gia chức danh trưởng, phó thôn. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã kết nạp được 247 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án về việc tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng đảm nhận chức danh phó bí thư đảng uỷ phụ trách cơ sở và đưa đảng viên là bộ đội biên phòng về sinh hoạt tại một số bản phía Tây biên giới của tỉnh để giúp đỡ các bản, trong đó có công tác kết nạp đảng viên, do đó đến tháng 12-2011 toàn tỉnh đã xóa hết bản “trắng” tổ chức đảng, đảng viên.
Xác định công tác quản lý đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp uỷ đảng ở Quảng Bình đã quan tâm, tăng cường công tác quản lý đảng viên tại nơi công tác và cư trú; thường xuyên, định kỳ góp ý, thực hiện phê bình, tự phê bình nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Năm 2011, qua đánh giá có 6.001 đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 38.860 hoàn thành tốt nhiệm vụ, 9.007 hoàn thành nhiệm vụ, 273 vi phạm tư cách.
Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên ở vùng đồng bào có đạo và vùng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên; kết quả thực hiện công tác kết nạp đảng viên ở một số đảng bộ còn thấp. Công tác vận động quần chúng của một số tổ chức đoàn thể còn yếu, chưa thu hút được đông đảo quần chúng giáo dân và dân tộc. Trình độ các mặt của đồng bào có đạo và dân tộc nói chung còn thấp, nhiều trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Một số ít chức sắc tôn giáo chưa tạo điều kiện cho giáo dân trong việc thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số cấp uỷ đảng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đảng viên; chưa kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo, kế hoạch cụ thể về công tác kết nạp đảng viên...
Về xây dựng TCCSĐ ven biển, nhận thức được tầm quan trọng của các xã vùng biển, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, các đồn biên phòng, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các tổ chức đảng được sắp xếp theo mô hình tổ chức đảng bộ, chi bộ gắn với tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế... trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở từng cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế, việc duy trì sinh hoạt đảng ở một số chi bộ chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu; công tác quản lý, phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên thiếu chặt chẽ; chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều mặt hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chưa quan tâm đúng mức; công tác kết nạp đảng viên chưa đạt chỉ tiêu; cuối năm 2011 còn 1 TCCSĐ yếu kém.
Lan Phương