Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo” với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), sáng 17-4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu về công tác cán bộ nữ. Tại buổi Hội thảo, các nhóm nghiên cứu đã báo cáo các chuyên đề Nghiên cứu giới trong một số văn bản về công tác cán bộ và Một số giải pháp tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các bộ, ngành Trung ương.
Với chuyên đề Nghiên cứu giới trong một số văn bản về công tác cán bộ, các tác giả đến từ Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương đã phân tích những ưu điểm và hạn chế trong các văn bản đã ban hành của Đảng, Nhà nước liên quan đến các khâu của công tác cán bộ như tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Từ đó, đề xuất những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện những quy định hiện hành hoặc xây dựng những chính sách mới trong công tác cán bộ bảo đảm vấn đề bình đẳng giới, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Với những văn bản về công tác tuyển dụng cán bộ, nhóm tác giả đề nghị bỏ quy định tuổi dự tuyển trong các cơ quan đảng, đoàn thể; bỏ quy định “thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội không được tính vào thời gian tập sự; bổ sung quy định ưu tiên chọn ứng cử viên nữ trong trường hợp người dự tuyển là nam và nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nhau.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch của mỗi cấp, mỗi đơn vị; cần quy định cấp có thẩm quyền không duyệt quy hoạch nếu cấp trình quy hoạch không đảm bảo tỷ lệ nữ theo quy định; có chính sách để tạo nguồn cán bộ nữ.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức nữ gắn với công tác cán bộ chung của Đảng; cần sửa đổi điều kiện thời gian công tác để được cử đi học sau đại học từ 5 năm xuống còn 2 năm; bỏ các quy định phân biệt về độ tuổi giữa cán bộ nam và cán bộ nữ khi được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung các quy định hỗ trợ cho cán bộ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng…
Với công tác luân chuyển cán bộ, nhóm tác giả đề nghị bổ sung quy định về chế độ đối với cán bộ nữ khi thực hiện luân chuyển; không luân chuyển đối với cán bộ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; quy định thời gian luân chuyển đối với cán bộ nữ (2 năm).
Trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử, cần quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu đối với việc đảm bảo chỉ tiêu cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý; không quy định tuổi tái cử đối với cán bộ nữ giữ các chức danh bầu cử theo nhiệm kỳ; quy định cụ thể tỷ lệ ứng cử viên nữ tại hiệp thương vòng 3 trong quy trình chuẩn bị nhân sự bầu Quốc hội và hội đồng nhân dân…
Chuyên đề Một số giải pháp tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các bộ, ngành Trung ương được Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương nghiên cứu, thu thập thông tin tại 29 cơ quan Trung ương. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ (ở cấp bộ chiếm tỷ lệ 7,8%, cấp vụ 22,5% và cấp phòng là 43%). Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước thấp hơn trong các cơ quan đảng, đoàn thể. Độ tuổi của nữ lãnh đạo tăng dần theo độ cao dần của cấp lãnh đạo. Trình độ chuyên môn, trình độ LLCT của một bộ phận nữ lãnh đạo, quản lý trong một số bộ, ngành, đoàn thể trung ương còn tương đối thấp.
Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách và triển khai công tác cán bộ nữ tại 29 cơ quan trung ương, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp: 1- Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể đảm bảo tính đồng bộ và khả thi về phát triển đội ngũ cán bộ nữ nói chung, trong các cơ quan trung ương nói riêng. 2- Bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về công tác cán bộ theo hướng tăng cường lồng ghép giới, mang tính nhạy cảm hơn; xây dựng, bổ sung những chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ. 3- Củng cố, xây dựng cơ chế thực hiện đảm bảo việc triển khai thành công công tác cán bộ nữ. 4- Nâng cao vai trò, năng lực của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các bộ, ban, ngành trong việc tư vấn, tham mưu, đề xuất về công tác cán bộ nữ. 5- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về giới trong các cơ quan trung ương. 6- Tuyên truyền, động viên, khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ cán bộ nữ.