Chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sáng ngày 15-6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, có lộ trình và hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh. Đường lối của Đảng ta phát triển kinh tế đi liền với vấn đề xã hội cho nên không thể vì kinh tế mà làm phức tạp thêm cho xã hội.

Về cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng nêu, nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, sự quan tâm của các cấp, các ngành, lần đầu tiên đã thống kê được toàn bộ thủ tục hành chính của cả nước và công bố lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các địa phương cũng đều đăng trên cổng thông tin của địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: dù có cải cách thủ tục gì đi chăng nữa, nhưng nếu cán bộ thực thi nhiệm vụ không tận tụy, mà vẫn tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng thì không có cải cách nào giải quyết nổi. Phó Thủ tướng đề nghị và mong muốn các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường những cán bộ có năng lực, phẩm chất, nhất là trong các lĩnh vực mà thủ tục người dân đang bức xúc như đất đai, xây dựng, an toàn thực phẩm, thuế, khám chữa bệnh...

Phó Thủ tướng cho rằng đánh giá nền kinh tế dựa trên 3 tiêu chí quan trọng: một là chỉ số phát triển công nghiệp, bao gồm sản xuất, tiêu thụ của đất nước, của doanh nghiệp; hai là xuất nhập khẩu và ba là tổng mức bán lẻ của nền kinh tế. Như vậy, căn cứ vào các tiêu chí này thì nước ta trong tháng 5-2012, tình hình kinh tế đã tốt hơn so với tháng 4 và cả quý I. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, chính vì vậy chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển.

Phó Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội là các tập đoàn, tổng công ty cần phải công khai, minh bạch công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về kỷ cương, kỷ luật và vấn đề cán bộ công chức, Phó Thủ tướng đề xuất các giải pháp: Trước hết, rà soát văn bản pháp luật về tuyển dụng, đánh giá, thi cử để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Thứ hai, cần công khai quy định danh sách cán bộ để loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ vi phạm kỷ luật, cán bộ mất uy tín. Thứ ba, thực hiện đúng Luật Cán bộ, Luật Công chức, luật này đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của người cán bộ. Trong Đề án cải cách công chức, công vụ đang triển khai để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội có điểm mới là quản lý cán bộ, công chức trên cơ sở xác định vị trí, mô tả việc làm cụ thể của từng cán bộ, công chức, xác định rõ trách nhiệm. Thứ năm, phải tiếp tục đổi mới cơ chế tiền lương, đây là vấn đề đặt ra trong giải pháp để nâng cao trách nhiệm của cán bộ. Thứ sáu, phải thanh tra công vụ thường xuyên, nghiêm túc...

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng tán thành với ý kiến của đại biểu phải có luật thể chế nói chung, đặc biệt là thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để có quy định chặt chẽ hơn trong phòng, chống tham nhũng. Thứ hai, cần có tiêu chuẩn, có quy định và giám sát tốt hơn nữa, không để lọt cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy của nhà nước. Thứ ba, có cơ chế thu hút nhân tài trong bộ máy nhà nước, điều đó không những làm tăng năng suất xã hội mà còn góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất