Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, sáng 18-2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dâng hương và dự Lễ khai bút đầu xuân tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).
|
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, lúc nhỏ ở với ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán trong kinh thành Thăng Long. Sau khi ông ngoại mất, Nguyễn Trãi về làng Ngọc Ổi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam xưa (nay là thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) ở và học tập cùng cha. Từ vùng quê nghèo Thượng Phúc, Nguyễn Trãi học hành, rèn chí, luyện tài để phò vua giúp nước, trở thành bậc khai quốc công thần triều Lê, người có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử dân tộc.
Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân và du khách, Dự án Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã được khởi công vào ngày 14-11-2022, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Khu lưu niệm được lãnh đạo TP. Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín dành nhiều tâm huyết để xây dựng với mục đích tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của cụ Nguyễn Trãi trên chính quê hương và đặc biệt là giáo dục tinh thần đoàn kết, khơi dậy truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trước anh linh Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn Ức Trai tiên sinh, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất, một nhà tư tưởng vượt thời đại, một nhà chính trị, chiến lược quân sự, ngoại giao lỗi lạc. Viết lưu bút tại đây, Chủ tịch nước khẳng định sẽ luôn khắc ghi lời dạy của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nỗ lực không ngừng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lòng phục vụ Nhân dân, xây nền thái bình muôn thuở.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thực hiện nghi thức khai bút đầu Xuân năm 2024 tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).
|
Chủ tịch nước cũng dự Lễ khai bút đầu xuân với chủ đề: Thủ đô Hà Nội: “văn hiến - văn minh - hiện đại” và thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân. Việc khai bút đầu xuân từ lâu đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Lễ khai bút đầu xuân là nét văn hóa đẹp của vùng đất Danh hương Thường Tín có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Đây là hoạt động có ý nghĩa như là hiệu lệnh động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đề cao việc học, thi đua lao động, sản xuất. Những nét chữ đầu tiên của năm mới thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, xây dựng trí tuệ con người Việt Nam.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, động viên cán bộ, công nhân đang xây dựng trên công trình đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án có tổng chiều dài 112,8km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng và được triển khai thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Đến nay trên địa bàn ba tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã huy động đầy đủ 100% nhân lực, máy móc để thi công đồng loạt trên toàn tuyến đường.
Nguồn: vietnamplus.vn