Trong chuyến thăm và làm việc tại Lâm Ðồng, chiều 26-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác giữa tỉnh Lâm Ðồng và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2004-2009 và kế hoạch hợp tác giai đoạn 2010 - 2015.
Dự và chủ trì hội nghị, có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Lê Hoàng Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng; Huỳnh Ðức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng.
Từ năm 2004, chương trình hợp tác giữa tỉnh Lâm Ðồng và TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển và đã mang lại những kết quả trên nhiều lĩnh vực. Trong 5 năm, Lâm Ðồng đã thu hút 212 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh có tổng vốn đăng ký 51.605 tỷ đồng, đã có 68 dự án đang triển khai với số vốn gần 13.000 tỷ đồng.
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác một cách hiệu quả góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển cho cả Lâm Ðồng và TP Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp hai địa phương cùng nhất trí trong việc đưa chương trình hợp tác lên một tầm cao mới, hợp tác một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, cụ thể và sát hợp.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sự hợp tác là nhu cầu tự thân, khách quan của cả TP Hồ Chí Minh và Lâm Ðồng, thể hiện xu thế chung của thời kỳ hội nhập; hoan nghênh những nỗ lực của hai địa phương trong việc cụ thể hóa chương trình đã ký kết và đã đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, Lâm Ðồng và góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Về phương hướng sắp tới, Chủ tịch nước chỉ đạo: Kết quả sự hợp tác giữa Lâm Ðồng và TP Hồ Chí Minh còn chưa tương xứng với tiềm lực của hai địa phương. Vì vậy, lãnh đạo và các sở, ban, ngành của hai địa phương cùng kiểm điểm, làm rõ những vướng mắc, những lực cản trong quá trình hợp tác; từ đó, chỉ đạo xử lý quyết liệt các vấn đề chưa tốt; cùng trao đổi kinh nghiệm và hoàn thiện cơ chế chính sách. Bên cạnh hợp tác về kinh tế, cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện, tạo ra một hình ảnh mới, khí thế mới trong tiến trình hợp tác; cùng hỗ trợ nhau, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân và an sinh xã hội.
(Nguồn: Nhân Dân điện tử)