Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, nêu rõ: Nhằm đảm bảo định hướng chính trị trên con đường phát triển của đất nước và kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì “ dân giàu nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ văn minh”. Nghị quyết ra đời đã được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, thổi luồng sinh khí mới vào thực tiễn, tạo nên chuyển biến tích cực, toàn diện trong đời sống xã hội nước ta. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều mục tiêu quan trọng của đất nước đã được thực hiện: chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội đồng thuận, dân tộc đoàn kết; vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cũng cần phải thấy rằng: việc xây dựng, phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Quá trình phát triển đất nước trong tình hình mới phát sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét, đánh giá thật khách quan, kịp thời có những giải pháp phù hợp, bổ sung các chủ trương, chính sách nhằm bồi đắp và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do đồng chí Hà Thị Khiết trình bày khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã được quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, làm chuyển biến cơ bản nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp tạo nên sự thống nhất và tăng cường phối hợp giữa Nhà nước, mặt trận, các đoàn thể trong nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân…

MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân với nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã phát triển và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Các chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam ngày càng có sức lôi cuốn đông đảo các thành viên tham gia, công tác Mặt trận ngày càng có hiệu quả, thiết thực; công tác giám sát của nhân dân ngày càng có cơ chế để phát huy; công tác tôn giáo, công tác dân tộc được phối hợp chặt chẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Đảng ta tiếp tục cụ thể hóa Chiến lược về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Nghị quyết Đại hội IX. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, chỉnh đốn Đảng, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy dân chủ, đề cao phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng. Nhờ vậy, đoàn kết trong Đảng, trong nước, trong nhân dân đã được củng cố và tăng cường, tạo động lực đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Tập hợp đoàn kết nhân dân có bước phát triển mới với các hình thức đa đạng, phong phú, quy tụ được nhiều người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào phong trào thi đua yêu nước. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng rộng rãi, đem lại hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội từng bước được phát huy; các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội từng bước được thực hiện hài hòa, sự đồng thuận xã hội ngày càng được mở rộng. Phong trào xóa đói giảm nghèo tiếp tục phát triển rộng khắp, chú trọng hơn về chất lượng; đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể. Chính trị - xã hội được ổn định; an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường và mở rộng. Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng được nâng cao; quan hệ giữa nhân dân với Đảng càng thêm gắn bó.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế trong triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết, như: việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương chất lượng chưa cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết. Chương trình hành động ở một số nơi còn chung chung, thiếu cụ thể chưa gắn với việc giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương. Một số địa phương, nhận thức của cấp ủy chính quyền về vị trí, vai trò của chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, việc cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đốn đốc tổ chức thực hiện nghị quyết còn hạn chế… Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế và những vấn đề mới đặt ra, những bài học kinh nghiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian tới, các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh một cách sâu rộng và hiệu quả thiết thực; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, miền núi, tạo ra sự phát triển bền vững các vùng miền, khu vực; rà soát, bổ sung hoặc thay thế nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới. Đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo đối với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết trong 5 năm qua, phân tích nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém. Đồng thời đề xuất bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục đưa Nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đi vào cuộc sống.
(Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất