Đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định mô hình tổ chức đảng trong các hội quần chúng (do đồng chí Phạm Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương làm chủ nhiệm) đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về tổ chức đảng trong các hội quần chúng ở Trung ương và địa phương, về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, đặc biệt là cấp uỷ cấp trên trực tiếp đối với tổ chức đảng trong các hội quần chúng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc phát triển hội là nhu cầu khách quan. Các hội và tổ chức phi chính phủ ngày càng phát triển, tập hợp được đông đảo hội viên, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.
Tuy nhiên, những năm qua cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội như: số lượng hội được lập ra nhanh nhưng công tác quản lý nhà nước về hội từ Trung ương đến địa phương còn bất cập, chưa nắm chắc được thực chất hoạt động của nhiều hội. Các văn bản pháp quy về tổ chức và hoạt động hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tình trạng hoạt động còn hình thức, hành chính hoá khá phổ biến. Nhiều hội chưa thực hiện tốt nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tình hình hoạt động của tổ chức đảng trong các hội quần chúng ở Trung ương, địa phương cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Quan điểm, nhận thức về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng và mô hình tổ chức đảng ở các hội rất khác nhau, nhiều năm qua chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Các kiến nghị về lập tổ chức đảng ở các hội quần chúng đối với cấp uỷ có thẩm quyền ít được quan tâm giải quyết.
Trên cơ sở xác định rõ vai trò, vị trí, những tiêu chí mô hình tổ chức đảng ở các hội có quy mô toàn quốc; đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của tổ chức đảng trong các hội quần chúng; các quan điểm của Đảng về lãnh đạo, quản lý các hội quần chúng... Đề tài đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về tổ chức đảng trong các hội ở Trung ương, về tổ chức đảng trong các hội quần chúng ở địa phương, về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, đặc biệt là cấp uỷ cấp trên trực tiếp đối với tổ chức đảng trong các hội quần chúng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội.
Hội đồng khoa học các Ban Đảng đánh giá đề tài được nghiên cứu đạt yêu cầu đề ra.
Tin và ảnh: Hà Thư