Thưa các đồng chí!
Trước hết, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệt liệt chào mừng các đồng chí về dự Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng - một hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tôi nói Hội nghị chúng ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là xuất phát từ tính chất, vai trò quan trọng của Đại hội lần thứ XI, nội dung các văn kiện mà Đại hội thông qua, cũng như mục đích, yêu cầu của việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đại hội.
Như chúng ta đều biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước ta đã đi qua thập niên đầu và đang chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; đã trải qua chặng đường 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh 1991), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2001-2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ X. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-1-2011 với 1.377 đại biểu đại diện cho 3,6 triệu đảng viên trong cả nước tham dự. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kiểm điểm 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội X, Đại hội đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm sắp tới, trong đó có các văn kiện lớn, như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị; Điều lệ Đảng.
Cương lĩnh năm 1991 là văn kiện định hướng cho cả thời kỳ quá độ lên CNXH. Lần này chúng ta tiếp tục khẳng định Cương lĩnh năm 1991, đồng thời phát triển, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, với những tư duy, nhận thức mới phù hợp thực tiễn Việt Nam và thời đại. Cương lĩnh xác định mục tiêu xa, cho đến khi chúng ta kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH, là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Và trên cơ sở mục tiêu ấy, Đại hội xác định, từ nay đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Những nội hàm của nó còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng đó là mục tiêu chung rất cơ bản. Trên chặng đường tương đối dài hạn như thế, Đại hội xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; và trước mắt từ nay đến năm 2015 phải tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với những tiêu chí, nội hàm tương đối rõ. Ví dụ, nếu năm 2010 so với 2000, tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá thực tế tăng 3,2 lần, thì đến năm 2020 GDP sẽ tăng theo giá so sánh gấp 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người tăng từ 1.168 USD năm 2010 lên khoảng 2.000 USD vào năm 2015 và đến năm 2020 là 3.000 USD. Tuổi thọ trung bình ở nước ta hiện nay là 72 tuổi, đến năm 2015 sẽ là 74 tuổi và năm 2020 khoảng 75 tuổi. Các chỉ tiêu quan trọng khác như về xóa đói giảm nghèo, cơ cấu kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) v.v. cũng đã được xác định khá rõ. Các đồng chí báo cáo viên sẽ trình bày kỹ hơn trong các nội dung bài giảng.
Như vậy, Đại hội XI đã xác định mục tiêu cho cả một giai đoạn rất dài đến khi kết thúc thời kỳ quá độ, rồi đến giữa thế kỷ này, đến năm 2020 và trước mắt đến năm 2015.
Về các nhiệm vụ và giải pháp. Đại hội XI đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, lâu dài cho cả thời kỳ quá độ; cũng như những nhiệm vụ, giải pháp tương đối cụ thể cho những năm trước mắt, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước,… Đồng thời xác định ba khâu đột phá trong 5 năm và 10 năm tới, đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Đại hội đặc biệt nhấn mạnh, để thực hiện được tất cả những mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn hiện nay, công việc thiết yếu hàng đầu và then chốt là phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; động lực chủ yếu là phát huy sức mạnh toàn dân tộc (ở đây nhấn mạnh sức mạnh toàn dân tộc chứ không chỉ là đoàn kết dân tộc), bao gồm cả phát huy các nguồn lực, các thành phần, các giai cấp, tầng lớp trong nước cũng như ở nước ngoài, chung tay, chung sức để thực hiện cho được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Về phương pháp tư tưởng, lần này có điểm rất mới là Cương lĩnh đã chỉ rõ: Trong quá trình tổ chức thực hiện phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, như: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Đồng thời nhấn mạnh: không phiến diện, cực đoan, duy ý chí. Đây là bài học rất sâu sắc cả về thực tiễn và lý luận. Trong nhiều năm, kể cả thời kỳ bao cấp, có lúc chúng ta duy ý chí, làm không đúng quy luật khách quan; có lúc phiến diện, cực đoan, nhấn mạnh mặt này, coi nhẹ mặt kia, từ cực này nhảy sang cực khác. Hiện nay, Hội đồng lý luận Trung ương và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để xử lý tốt các mối quan hệ nói trên.
Như vậy, rõ ràng là các văn kiện của Đại hội XI toát lên những quan điểm, phương hướng cơ bản chỉ đạo cho cả lâu dài, trung hạn, ngắn hạn và trước mắt; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tư tưởng, phương pháp nhận thức và chỉ đạo thực hiện. Dù còn không ít vấn đề phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ, nhưng có thể nói, đến Đại hội XI, chúng ta tiến thêm một bước trong việc hoạch định và hoàn thiện hệ thống các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiếp tục đi lên theo con đường XHCN. Đó là kết quả của sự tổng kết lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển đường lối cách mạng của Đảng ta theo tinh thần Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các đồng chí đã biết, trước Đại hội, chúng ta đứng trước không ít vấn đề lý luận và thực tiễn khó khăn, nhưng bằng việc phát huy dân chủ, chuẩn bị tích cực từ tháng 2-2008 đến tháng 1-2011, liên tục 3 năm, với 3 hội nghị Trung ương bàn về các nội dung đại hội và tổ chức để đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, nhân dân góp ý kiến, Quốc hội góp ý kiến, các nhà khoa học, các bậc lão thành, các tầng lớp, các giới, các ngành ở trong nước và ở nước ngoài gửi kiến nghị, góp ý tới Đại hội; ra Đại hội tiếp tục thảo luận và cuối cùng biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%. Điều này khẳng định, Đại hội XI của Đảng đã thành công tốt dẹp.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế lại quan tâm đến Đại hội XI của Đảng ta (những người thiện chí quan tâm, những người không thiện chí, muốn chống phá chúng ta cũng rất quan tâm). Nhiều đảng anh em trao đổi kinh nghiệm với chúng ta. Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng ta, tại một kỳ Đại hội lại có tới 178 điện mừng của bè bạn quốc tế (cả Đảng cầm quyền, Đảng không cầm quyền, cả tổng thống, các tổ chức chính trị-xã hội,…). Và cũng chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số Đảng anh em như Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng Bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội. Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Hội thảo quốc tế “Các đảng và một xã hội mới" tổ chức tại Mê-hi-cô, các nội dung văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng ta được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, nhiều người nghiên cứu rất kỹ. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Lao động Pê-ru cho biết: ông đã thức suốt đêm hôm trước để đọc văn kiện Đại hội XI của Đảng ta. Nhân dịp Hội thảo, Đảng Lao động Mê-hi-cô cũng đã xuất bản và phát hành rộng rãi cuốn sách "Cách mạng Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn", cho rằng kinh nghiệm và bài học của cách mạng Việt Nam có ý nghĩa thời đại. Các đồng chí lãnh đạo Cu-ba cũng rất quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm của chúng ta trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba.
Ngày 17-3-2011 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 01-CT/TW về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011. Bao nhiêu công phu chuẩn bị để có được các văn kiện quan trọng như vậy, nếu chúng ta không nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc thì không thể đưa nghị quyết vào cuộc sống được và như thế thì Nghị quyết Đại hội cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên rất cần phải học tập; học tập để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động. Đại hội là cơ quan cao nhất của Đảng đã bàn bạc và ra nghị quyết thì mọi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải nói và làm theo nghị quyết. Trên cơ sở đó mà lựa chọn, bố trí cán bộ, ai tán thành thì làm, không thể cứ ngập ngừng hoặc nói trái đường lối, nghị quyết của Đảng. Đó là nguyên tắc hoạt động của Đảng, là nhân tố tạo nên sức mạnh thống nhất của Đảng. Mặt khác, nếu chúng ta không tự trang bị cho mình những kiến thức, những hiểu biết thì cũng khó có thể phản ứng kịp thời, có hiệu quả trước những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, vì người ta nói đúng chẳng biết, nói sai cũng chẳng hay. Hơn ai hết, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp càng phải thấm nhuần, nắm chắc các quan điểm tư tưởng của Đảng, thể hiện trong Cương lĩnh, Chiến lược, Báo cáo Chính trị, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng. Trên cơ sở đó khẩn trương xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực công tác của ngành mình, địa phương mình. Đồng thời phải nâng cao tính chiến đấu, tính tư tưởng, uốn nắn các nhận thức lệch lạc, phản bác các quan điểm sai trái, kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm thù địch. Muốn vậy chúng ta phải nắm chắc kiến thức, nắm chắc nội dung văn kiện, nắm chắc thực tiễn và luôn tổng kết, bổ sung. Trong quá trình nghiên cứu, học tập, có điều gì còn băn khoăn hoặc chưa rõ cần mạnh dạn nêu ra, thẳng thắn trao đổi để nhận thức cho sâu và thanh thoát trong công tác thực tế.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội nghị này, mong các đồng chí tập trung cao độ, tận dụng tối đa thời gian và điều kiện cho phép để thu được kết quả thiết thực.
Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.