Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, đồng thời nhân dịp mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, Tạp chí Xây dựng Đảng giới thiệu bài Cuộc xuất quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đại tá Kim Sơn (tức Nguyễn Huy Văn) kể, Nhật Hoa Khanh ghi.
Từ 14-8-1945, tôi ở xóm Lũng Tẩu (thuộc Tân Trào).
Từ ngày đó, nữ đồng chí Trần Thị Minh Châu (Chánh Văn phòng Võ Nguyên Giáp ở khu giải phóng, tức các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang) báo cho tôi: Huy Văn được bổ sung vào "Đội Tuyên truyền Nước Nam Mới" (của Tổng bộ Việt Minh).
Đội Tuyên truyền Nước Nam Mới nằm trong Việt Nam Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp.
Đội Tuyên truyền Nước Nam Mới có khoảng hai mươi đội viên (trong đó có chị Đàm Thị Loan, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái; chị Ngọc, sau này là vợ Thượng tướng Vũ Lập; và chị Hải, tức vợ Trương Công Cẩn sau này).
Ngày 15-8-1945, tôi trở về Tân Trào, biên chế vào Đội Tuyên truyền Nước Nam Mới.
Sáng 16-8-1945, những đội viên nào trong Đội Tuyên truyền Nước Nam Mới chưa có vũ khí thì đều phải vào khu vực của trường Quân chính Kháng Nhật (khóa 1) ở Khuổi Kịch (nằm trong khu vực Tân Trào, cách Tân Trào về phía bắc khoảng 4km) để nhận vũ khí.
Đi cùng anh Địch Sơn và một số đội viên khác đến Khuổi Kịch, tôi nhận một khẩu Mút-xcơ-tông In-đô-si-noa). Nhận xong vũ khí, anh Địch Sơn và tôi cùng được lệnh về ngay Tân Trào. Cùng lúc ấy, đại đội Việt - Mỹ cũng hành quân ra Tân Trào.
Tại Tân Trào lúc đó, chi đội Việt Nam Giải phóng quân của Tân Trào do Lâm Kính (tên thật: Lâm Cẩm Như) chỉ huy.
Chỉ huy đại đội Việt–Mỹ là Đàm Quang Trung. Tham mưu (đại đội Việt–Mỹ) là Tô-mát (Thomas, Đội trưởng Đội Con Nai, Mỹ).
Tất cả đều dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.
Khoảng 2 giờ chiều ngày 16-8-1945, Việt Nam Giải phóng quân và đại đội Việt - Mỹ (do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung) được lệnh xuất quân tại gốc đa Tân Trào.
Việt Nam Giải phóng quân và đại đội Việt - Mỹ, dưới gốc đa Tân Trào, đứng tách ra thành hai phân đội. Các sĩ quan Mỹ cũng đứng tách ra. Riêng Tô-mát luôn luôn đứng gần Đàm Quang Trung và Võ Nguyên Giáp.
Khi họp Quốc dân Đại hội (từ 16-8-1945), trời vẫn mưa, nhưng vào lúc xuất quân (buổi trưa cùng ngày), trời không mưa nữa và vẫn ẩm ướt, đường sá lầy lội.
Một số đại biểu Quốc dân Đại hội (như Trần Huy Liệu, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, v.v...) dự lễ xuất quân.
Thay mặt Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu đến trước đoàn quân, bắt tay Võ Nguyên Giáp, sau đó, căn dặn và chúc đoàn quân đã đánh là thắng.
Võ Nguyên Giáp cám ơn, rồi đọc trang trọng Quân lệnh số 1. Giọng Võ Nguyên Giáp hùng hồn, rõ ràng, lôi cuốn, nổi bật trong không khí trang nghiêm của rừng núi Tân Trào.
Việt Nam Giải phóng quân ăn mặc chưa thống nhất. Người áo nâu, người áo chàm.
Đội Con Nai (của Mỹ), do trời nóng bức và ẩm thấp, cho nên người cởi trần, người mặc đầy đủ quân phục. Riêng Tô-mát vẫn trang trọng trong bộ quân phục sĩ quan.
Đông đảo nhân dân già trẻ xã Tân Trào ra tiễn.
Tôi đứng trong đội Việt Nam Giải phóng quân của Đàm Quang Trung.
Anh Văn (tên thân mật của Võ Nguyên Giáp) mặc bộ com-plê màu xám (nhuộm bằng lá sim), hông đeo khẩu Côn-bát, quần xắn bắp chân, đầu đội mũ phớt.
Một bộ phận cán bộ (bao gồm những trí thức) vừa ở miên xuôi lên Tân Trào dự Quốc Dân đại hội được nhập ngay vào đoàn quân của Võ Nguyên Giáp. Đó là Phan Mỹ, bác sĩ Lê Văn Chánh, kĩ sư vô tuyến điện Trịnh Long Biên, hai bác sĩ mới tốt nghiệp đại học y khoa: anh Thế, sau này làm ở Cục Quân y, và anh Bích, tức Bích xương, do gầy quá, sau này là Chủ nhiệm khoa Gây mê - Hồi sức Viện Quân y 108.
Chi đội Giải phóng quân và nhóm của anh Văn lần lượt xuất quân. Phía Việt Nam trang bị súng kíp, súng máy, súng trường. Nhóm anh Văn gồm: đội Tuyên truyền Nước Nam Mới, các anh Phan Mỹ và các anh khác ở Hà Nội mới lên, cùng nhóm thư ký thuộc văn phòng của Võ Nguyên Giáp. Trong nhóm thư ký Văn phòng Võ Nguyên Giáp có Nguyễn Chính, bí danh Du Phòng, làm nhiệm vụ đánh máy và thư ký của anh Văn.
Đi sau cùng, là đội Mỹ. Đội này mang vác nhiều vũ khí nặng, trong đó có cả súng cối, hơn hẳn phía Việt Nam.
Cuộc xuất quân lần đầu của Giải phóng quân Việt Nam sát cánh cùng một đơn vị quân đội Mỹ, từ Tân Trào, trong rừng núi âm u, trùng điệp thật thiêng liêng và hùng vĩ, ngoài sức tưởng tượng của tất cả chúng tôi và những đại biểu đến chứng kiến !
Tất cả cùng hành quân theo hướng nam để tiến về Thái Nguyên.
Khoảng 19 giờ ngày 16-8-1945, tới xóm Đồng Măng và xóm Đồng Cọ (thuộc châu Tự Do, tức huyện Sơn Dương, Thái Nguyên). Chính quyền và nhân dân ở đây đã chuẩn bị đón tiếp. Khoảng 20 giờ, ăn cơm, rồi ngủ. Ông Chủ tịch châu Tự Do lo liệu vấn đề đón tiếp một cách hoàn hảo !
Sáng sớm 17-8-1945, đoàn quân tiếp tục đi. Lần lượt tới Văn Lãng, rồi tới đường 13 (bắc huyện Đại Từ, Thái Nguyên, cách Đại Từ hơn 10km). Tất cả hành quân công khai trên quốc lộ 13.
Tôi đi cạnh Võ Nguyên Giáp trên nhiều chặng đường của cuộc xuất quân.
Anh Văn ra lệnh cho bộ đội đi theo hình chữ chi (Z). Đi hai bên đường, chéo nhau, không đi một hàng dọc.
Chiều 17-8-1946, trời vẫn mưa to, cuộc hành quân vẫn tiếp tục.
Tới bản Ngoại (huyện Đại Từ), anh Văn cho đoàn quân rẽ trái, vượt cánh đồng, xuyên qua rừng nứa um tùm, đến làng Phục Linh (vẫn thuộc Đại Từ) lúc sẩm tối. Đoàn ăn cơm tại đây. Riêng Võ Nguyên Giáp cùng một vài cán bộ chỉ huy không kịp ăn cơm, đi trinh sát ngay đồn Nhật và trại bảo an binh ở Đại Từ.
Sáng hôm sau, khoảng 7 giờ (18-8-1945), tại Phục Linh, Võ Nguyên Giáp quyết định: không đánh đồn Đại Từ, tiến thẳng về thị xã Thái Nguyên, đánh Nhật ở Thái Nguyên.
Từ Phục Linh, đoàn quân rẽ ra suối Cát (thuộc xã Hà Thượng, Đại Từ), rồi vào đường 13, hành quân đến làng Cù Vân (cũng thuộc Đại Từ) khoảng 11 giờ trưa cùng ngày (18-8-1945). Quân ta ăn cơm do nhân dân địa phương lo liệu. Anh Văn và tôi cùng ở đình làng Cù Vân.
Khoảng 12 giờ trưa, tất cả đi tiếp theo đường mòn, băng rừng, tới xã Phúc Xuân (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) lúc 19 giờ. Trên đường, dưới mưa tầm tã, phải băng qua suối lũ. Bước trơn, bước ngã. Người nào người nấy đều ướt sũng. Băng qua cả một khu mỏ của Pháp trước đây. Vô cùng vất vả, đói, mệt.
Hôm sau, tức 19-8-1945, từ Phúc Xuân tới làng Thịnh Đán (huyện Đồng Hỷ, cách Thái Nguyên 5km) khoảng 17 giờ.
Một số công chức của chính quyền cũ và cán bộ ta có mặt ở Thái Nguyên cùng ra đón tiếp đoàn quân. Một cán bộ báo cáo tình hình với Võ Nguyên Giáp. Nghe xong, anh Văn lập ngay kế hoạch đánh Thái Nguyên.
10 giờ đêm (19-8-1945), quân ta bao vây Nhật ở thị xã Thái Nguyên.
Tại Thái Nguyên, sở chỉ huy của Võ Nguyên Giáp đóng ở đình Hoàng Phố, một ngôi đình to, gần trại bảo an binh và đồn Nhật. Đồn Nhật đóng ở dinh Công sứ Pháp. Trại bảo an binh đóng trên một quả đồi gần đó. Lâm Kính cùng Đàm Quang Trung trực tiếp chỉ huy bao vây.
5 giờ 30 sáng 20-8-1945, thấy quân Nhật tập hợp tiến ra cổng doanh trại, quân ta ra lệnh Nhật dừng lại. Địch chẳng những không dừng mà còn nổ súng trước. Do đó, ta buộc phải bắn. Hai bên kịch chiến, không phân thắng bại.
Khoảng 6 giờ sáng (20-8-1945), Võ Nguyên Giáp cho gọi Bùi Huy Lượng, Tỉnh trưởng Thái Nguyên (người Việt Nam) đến, trao cho Lượng tối hậu thư gửi Nhật. Anh Văn yêu cầu Lượng mang tối hậu thư đi cùng với anh Quỳ (tức Quỳ đen, vì da đen), một người Việt Nam phiên dịch tiếng Nhật. Bùi Huy Lượng tỏ ý lo sợ. Thấy vậy, anh Văn nói với Lượng: ông tự tay cầm cờ trắng đi cùng với ông Quỳ thực hiện nhiệm vụ nói trên. Đừng sợ! Phải can đảm !
Một lát sau, người chỉ huy quân Nhật nhận được tối hậu thư bản tiếng Việt (do anh Văn ký) và bản tiếng Anh (do Tô-mát ký). Ông ta liền cử ba sĩ quan mặc thường phục ra gặp Võ Nguyên Giáp ở đình Hoàng Phố.
Khi ba sĩ quan tới nơi, Võ Nguyên Giáp, đứng ở cửa đình, bắt tay và nói: rất tiếc, sáng nay các anh đã nổ súng trước.
Sau đó, anh Văn thông báo mệnh lệnh của ta: cho Nhật suy nghĩ tới 14 giờ cùng ngày (20-8-1945); quá 14 giờ, nếu không trả lời, phía Việt Nam sẽ nổ súng.
Nhật vẫn không chấp hành.
Hai bên tiếp tục bắn nhau.
Võ Nguyên Giáp chuyển sang chỉ huy tại nhà hai tầng của chủ nhà máy điện (người Pháp), gần nhà Xéc-ta (tức câu lạc bộ của người Việt Nam), gần một cái đình.
Tại đây, anh Văn nói chuyện với lính bảo an (gồm toàn người Việt Nam).
Viên giám binh người Việt nộp ngay cho quân ta 600 (sáu trăm) khẩu súng nhiều loại. Võ Nguyên Giáp ra lệnh bảo quản tốt số vũ khí đó và tuyển thêm một đơn vị mới, trang bị bằng 600 khẩu súng đó. (Chi đội mới này gọi là chi đội 3).
Từ 20 đến 23-8-1945, bắn nhau dữ dội với Nhật, quân ta vẫn chưa chiếm được đồn địch.
Chiều 23-8-1945, từ Tân Trào về tới Thái Nguyên, Tổng Bí thư Trường Chinh bàn với Võ Nguyên Giáp cùng thống nhất phải gấp rút về Hà Nội (vì cố đô Thăng Long đã khởi nghĩa thành công ngày 19-8).
Lúc này, một nhóm trí thức Hà Nội cầm thư của các giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên, v.v... lên Tân Trào gửi Tổng bộ Việt Minh, đề nghị Tổng bộ cử người về ngay Hà Nội để tiếp nhận chính quyền cách mạng (vì Hà Nội đã cướp được chính quyền từ ngày 19).
Võ Nguyên Giáp lập tức cử Lê Trung Đình (một cán bộ của Cứu quốc quân 3) làm Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên. Anh Đình và Phan Mỹ (bí danh: Lân) cùng Đàm Quang Trung ở lại Thái Nguyên tiếp tục chiến đấu chống Nhật, giải phóng Thái Nguyên bằng được.
Tô-mát cũng tạm ở lại Thái Nguyên (theo lệnh của cấp trên phía Mỹ). Vị sĩ quan tình báo bạn thân của quân ta rất buồn vì không được cùng Võ Nguyên Giáp xuôi ngay về Hà Nội.
Tổng Bí thư Trường Chinh và anh Văn về Hà Nội, chủ yếu bằng ô tô, theo lối chợ Thắng và bến Vân (đều thuộc Bắc Giang), băng qua sông Cầu, sang Từ Sơn (thuộc Bắc Ninh), tới Hà Nội ngày 23-8.
Cùng ngày, Võ Nguyên Giáp chuẩn bị đón Hồ Chí Minh qua đường Chèm (thuộc Hà Nội) và cử Hoàng Minh Giám làm việc với Tư lệnh Nhật ở Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch). Sau cuộc gặp này, Tư lệnh Nhật đồng ý cử người lên Thái Nguyên ra lệnh cho quân Nhật ở Thái Nguyên trao vũ khí cho Việt Nam giải phóng quân.
Cũng trong ngày 23-8-1945, các đơn vị quân giải phóng (do Lâm Kính chỉ huy) hành quân bộ từ Thái Nguyên về Hà Nội (chỉ để một bộ phận nhỏ ở lại).
Tới bến Vân (Bắc Giang), nước ngập, đê vỡ, không thể đi được. Nhân dân nằm la liệt trên đê. Cảnh tượng vô cùng đau xót. Tôi và Lâm Kính cùng toàn thể đơn vị phải đi thuyền suốt đêm 23-8.
25-8-1945, tới Từ Sơn, đoàn quân chúng tôi chia đôi: một bộ phận đi đánh Quốc dân đảng ở Phúc Yên và Vĩnh Yên; một bộ phận từ Yên Viên, qua Gia Lâm, tiến về Hà Nội.
Lúc này, Hà Nội đề nghị chúng tôi mặc đồng phục nhưng quân ta không có đồng phục. Một số chiến sĩ phải mặc quần áo của lính bảo an (theo đề nghị của Nhật tại Hà Nội). Riêng về giày, ai nấy đều phải đi giày xăng đá (một loại giày tốt của quân đội Pháp).
18 giờ ngày 26-8-1945, Lâm Kính và tôi cùng toàn thể đơn vị tới đầu cầu Long Biên. Do không đủ quần áo của bảo an binh, một số chiến sĩ quân giải phóng vẫn phải mặc quần áo tự trang bị từ Thái Nguyên (nào áo chàm, nào áo sơ mi, nào quần tây đủ loại).
Gặp Nhật tại Long Biên. Nhật chưa cho đoàn quân giải phóng vượt cầu vào nội thành (vì chưa được lệnh của Tư lệnh Nhật tại Hà Nội).
Ngay sau đó, chúng tôi được nhân dân Gia Lâm đón tiếp tưng bừng.
Khoảng 19 giờ (cùng ngày 26-8-1945), vào tới Hà Nội, chúng tôi được nhân dân cố đô Thăng Long nồng nhiệt đón tiếp và lo ăn uống chu đáo.
Trước mắt chúng tôi, trong ánh đèn Thăng Long tối hôm đó, Hà Nội tràn ngập các khẩu hiệu chào mừng cách mạng.
Thăng Long - Hà Nội đã trở về với toàn thể dân tộc !
Chúng tôi, ai nấy đều xúc động, mắt như nhòa lệ !!!
Đại tá Kim Sơn (tức Nguyễn Huy Văn) kể
Nhật Hoa Khanh ghi,
Hà Nội, 14-8-2011