Sáng 1-7, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013-2018) chính thức khai mạc với sự tham dự của 1.169 đại biểu ưu tú đại diện hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh, đoàn kết của giai cấp nông dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội qua các thời kỳ… về dự Đại hội.
Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, chủ động, hội nhập, phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2008-2013; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân thi đua yêu nước nhiệm kỳ 2013- 2018; thông qua Điều lệ Hội (sửa đổi) và bầu Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2013-2018.
Đại hội báo cáo với Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của hội viên, nông dân về các vấn đề khó khăn, bức xúc của đời sống nông dân hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018 diễn ra trong thời điểm cả nước đang tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Những năm tới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Tình hình trên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức vận động nông dân, đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra về nâng cao đời sống, nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân.
Hội từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Thông qua các hoạt động của Hội, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật và trình độ sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân được nâng lên. Các cấp Hội đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, khơi dậy các tiềm năng, nội lực trong nông dân, nông thôn; từng bước khẳng định vai trò của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu do Đại hội V đề ra. Nội dung và phương thức hoạt động của Hội, công tác chỉ đạo và điều hành của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng, gắn công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân. Hội đã hoàn thành tốt việc xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020…
Hội Nông dân các cấp ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và chất lương hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng; công tác cán bộ có nhiều chuyển biến tiến bộ, trình độ năng lực của cán bộ hội viên được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân được phát huy.
Các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển sâu, rộng và được nâng cao về chất, có sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đại hội cũng đã nghe trình bày dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt biểu dương những thành tựu to lớn của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.
Chỉ rõ phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân các cấp còn những hạn chế, yếu kém, Tổng Bí thư đề nghị tại Đại hội, các đại biểu cần trao đổi, thảo luận, xác định rõ hơn phương hướng xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy vai trò của Hội Nông dân trong đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân trong kinh tế thị trường; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào nông dân; phát huy vai trò của tổ chức hội nông dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018 mà Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V trình Đại hội, Tổng Bí thư đã chỉ rõ 6 nội dung các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Trước hết, Hội Nông dân Việt Nam cần nắm vững và quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới; tổng kết thực tiễn hoạt động của phong trào nông dân; nắm bắt các nguyện vọng chính đáng của nông dân để tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước và có những biện pháp cụ thể để đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp Hội cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; "phong trào sản xuất kinh doanh giỏi", "chung sức xây dựng nông thôn mới" với các hình thức hợp tác sản xuất hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hội cần chú trọng xây dựng các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn; đẩy mạnh tổ chức học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới "no đủ - làm giàu".
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh làm "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới". Mọi hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo điều hành, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa. Các cấp Hội cần chú trọng xây dựng "Làng văn hóa," "Gia đình nông dân văn hóa," bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tổ chức gia đình, thực hiện nếp sống văn minh, lên án những hành vi tiêu cực, đánh bạc, bạo hành với phụ nữ, trẻ em, vô trách nhiệm với gia đình.
Tổng Bí thư lưu ý, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong sự nghiệp "Đại đoàn kết toàn dân tộc", nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân-nông dân-trí thức vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một trong những vấn đề lớn của liên minh công nhân-nông dân-trí thức là lấy liên minh về kinh tế làm nền tảng cho liên minh chính trị. Việc trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn là hình thức liên kết kinh tế có tác dụng kích thích mạnh mẽ nông dân sản xuất, kết nối thị trường, hợp tác lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Tổng Bí thư yêu cầu Hội Nông dân phải coi đây là khâu quan trọng để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hội phải có quyết tâm cao, biện pháp tốt để dẫn dắt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi "đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng." Nhà nước cần tăng đầu tư vốn, có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản; ban hành các chính sách phù hợp về đất nông nghiệp, đất 2 lúa; bảo đảm giá cả hợp lý đối với những nông sản chủ yếu, những vật tư phục vụ nông nghiệp; bảo đảm lợi ích hài hòa trong các chính sách về an sinh xã hội đối với nông dân.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội về chính sách, các chương trình xây dựng nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện và có bước đi phù hợp để tiến tới người nông dân có trợ cấp hưu trí khi hết tuổi lao động; đồng thời có cơ chế rõ ràng để làm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nông dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thật nghiêm túc việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về công tác dân vận, tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội. Xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tổ chức lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tổng Bí thư tin tưởng, với bản chất và truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam, trong thời gian tới, các phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân nước ta sẽ có bước phát triển mới, cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn; hoạt động của Hội Nông dân sẽ có nhiều khởi sắc và hiệu quả hơn. Giai cấp nông dân Việt Nam sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, làm cho Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội, lãnh đạo Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã trao Bảng vàng tôn vinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng tặng Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa V.
Theo chương trình, Đại hội làm việc đến ngày 3-7-2013.
Nguồn: TTXVN