Đào tạo nhân lực - Những thuận lợi và trở ngại

Sáng 1-7-2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề Đào tạo nhân lực - Những thuận lợi và trở ngại.

 
 Ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam khai mạc Hội thảo.

Vấn đề đào tạo và phát triền nguồn nhân lực Việt Nam được coi là động lực chính thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Phát triển nguồn nhân lực là nền móng để giải quyết triệt để đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định chính trị, xã hội để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật để khuyến khích, ưu đãi và phát triển hơn nữa nguồn nhân lực Việt Nam. Hiện nay, việc đào tạo nhân lực của nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Số lượng các trường học tại các cấp học tăng nhanh, đặc biệt là các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Đến cuối năm 2010, nước ta có 414 trường đại học và cao đẳng (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh), trong đó có 188 trường đại học (50 trường ngoài công lập), hàng ngàn trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Có 77.542 giảng viên cơ hữu trong các trường đại học, trong đó 12,7% là GS, PGS, TSKH, 38,9% thạc sĩ. Nội dung, chất lượng đào tạo cũng có nhiều đổi mới, tiến bộ so với trước. Đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 11 trên 12 nước Châu Á tham gia xếp hạng; chỉ số kinh tế tri thức đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân lực qua đào tạo các bậc của Việt Nam hằng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu của xã hội, nhất là những chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu, hoạch định chính sách, tư vấn luật pháp, quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế; những lao động kỹ thuật trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, dầu khí, năng lượng...

Các tham luận tại Hội thảo đã đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nguồn nhân lực: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là ở các trường trực tiếp đào tạo nhân lực như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề... cả về chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo. Tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo. Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên. Có chiến lược phát triển và đào tạo nhân lực hợp lý, xuất phát từ nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp; chú ý đào tạo nhân lực chất lượng cao ở 3 nhóm: hoạch định chính sách, khoa học - công nghệ và doanh nhân. Sử dụng và đãi ngộ nhân lực một cách hợp lý, có chính sách tuyển dụng, giữ chân người tài, ngăn chặn kịp thời việc chảy máu chất xám...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất