Chiều ngày 7-1-2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội nhân kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2009 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ. Cuộc họp báo có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo (ảnh). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo.
Năm 2009 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy vậy, với sự điều hành chặt chẽ, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là việc sử dụng linh hoạt các biện pháp kích thích kinh tế, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, hoạt động sản xuất, thương mại đã từng bước vượt qua giai đoạn đáy suy thoái và đang có xu hướng phục hồi. Các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển khá. Chính trị-xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng và thu được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2009 ước đạt 5,32%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (5%) và cao hơn số liệu ước tính đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10-2009 (5,2%). GDP năm 2009 đạt mức thấp nhất trong đà tăng trưởng nhiều năm trở lại đây, nhưng là ở mức cao trong khu vực. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3% so với năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm 2009 ước tăng 18,6% so với năm trước. Tính chung cả năm, số doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh ước đạt 83 nghìn doanh nghiệp, tổng số vốn ước đạt 440 nghìn tỷ đồng, bằng 77,2% so với năm ngoái. Vốn đầu tư từ xã hội ước đạt 704,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm trước, bằng 42,8% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với năm 2008 tăng 6,88%, thấp hơn mức tăng giá Quốc hội cho phép là dưới 10%... Công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả thiết thực. Giải quyết đượckhoảng 84% các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chính phủ khẳng định đảm bảo mục tiêu bình ổn giá nằm trong ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề được coi trọng. Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề như: Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Tinh thần từng bước xây dựng thương hiệu doanh nghiệp dân tộc trong quá trình hội nhập. Kinh tế tăng trưởng liên tục là điều đáng mừng, tuy nhiên điều đó cũng dẫn đến hệ lụy là vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thực sự thì đây là vấn đề toàn cầu. Chính phủ đã đề ra những giải pháp như: đầu tư hạ tầng hiện đại; phải tuyên truyền, vận động người dân phải có ý thức chấp hành giao thông, coi trọng văn hóa giao thông; hình thành hệ thống điều hành giao thông tốt. Năm 2010 là năm bản lề, tiến tới ĐH XI của Đảng, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên là dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm có hiệu quả. Chính phủ nhấn mạnh đấu tranh chống tham nhũng là quá trình liên tục, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, đúng pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh đến các giải pháp: Hoàn thiện cơ chế vận hành, bớt thủ tục gây phiền hà, nhũng nhiễu; công khai, minh bạch cho mọi người dân có thể giám sát, báo chí đóng vai trò quan trọng; phải xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng để răn đe, phòng ngừa; giáo dục để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giàu lòng tự trọng, tự giác rèn luyên; từng bước tạo điều kiện thu nhập cho cán bộ, công chức vượt qua cám dỗ. Năm 2010 Chính phủ đã đề ra những giải pháp đồng bộ, ưu tiên 5 vấn đề sau: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước, sức mạnh dân tộc cũng như sức mạnh thời đại: Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội; Làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Tạo được sự đồng thuận. Phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh; lực lượng quân đội nhân dân là nòng cốt, nền nếp, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu. Thủ tướng hoan nghênh báo chí phản ánh đúng hành vi tiêu cực đưa ra trước công luận. Báo chí cũng cần làm tốt hơn vai trò, chức năng của báo chí cách mạng, là diễn đàn của nhân dân, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác hơn, định hướng dư luận một cách đúng đắn. Cần có cơ chế chính sách để báo chí có điều kiện phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp.
Thu Huyền