Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh, sáng 12-5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí
Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh trong
thời đại ngày nay”. Tham dự hội thảo có 55 đại biểu quốc tế, là các nhà khoa
học, các nhà hoạt động chính trị-xã hội đến từ các nước Trung Quốc, Cuba,
Nga, Pháp, Ấn Độ, Triều Tiên, Anh, Bangladesh, Brazil, Bulgaria, Chile, Hàn
Quốc, Hoa Kỳ, Hungary Indonesia, Mexico, Philippines, Thái Lan và Venezuela và
gần 400 nhà khoa học nghiên cứu lý luận, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ giảng
dạy từ các học viện, trường đại học trong cả nước. GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Uỷ
viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hữu
Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia
Hồ Chí Minh nêu rõ: Trong nhiều năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào
cõi vĩnh hằng, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã dày công nghiên cứu và
đạt được nhiều thành tựu trong việc tìm hiểu cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng của
của con người vĩ đại đã làm thay đổi số phận không chỉ của dân tộc mình, mà còn
góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20. Những thành
tựu khoa học đã làm sáng tỏ sự vinh danh của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí
Minh; Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất. Hội thảo là dịp để
các nhà khoa học trình bày những kết quả nghiên cứu thời gian qua và thảo luận,
nâng cao nhận thức khoa học về giá trị lý luận và thực tiễn của di sản Hồ Chí
Minh đối với thời đại ngày nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Phú Trọng khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy
vĩ đại của cách mạng Việt Nam,
chiến sĩ cách mạng kiên cường và người bạn rất thân thiết của các dân tộc trên
thế giới. Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước.
Người đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng đồ sộ, một di dản hết sức quý
báu. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh. “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống chính trị toàn
diện và sâu sắc. Là kết quả nhiều nhăm bôn ba lăn lộn trong hoạt động thực
tiễn, nghiên cứu, học tập ứng dụng Chủ nghĩa Mác -Lênin vào thực tiễn
cách mạng Việt Nam.
Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc, phát huy tinh hoa
văn hoá của nhân loai…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng
định, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rõ nhất trong lịch sử của dân tộc
Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chỉ là nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà chiến lược thiên tài, mà còn là nhà
hoạt động thực tiễn kiệt xuất.
Tại phiên khai mạc, bà Katherine Muller Marin,
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã nêu lên những đóng góp to lớn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các lĩnh vực hoạt động của UNESCO như văn hóa, bảo
tồn di sản văn hóa, truyền thông, bình đẳng giới, môi trường, trồng cây và bảo
vệ rừng... Bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh trong lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch
Hồ Chí Minh, bên cạnh tư cách là một nhà thơ rất quan tâm đến việc bảo vệ và
bảo tồn di sản. Người cũng quan tâm đến việc khôi phục nhiều loại hình nghệ
thuật truyền thống trên khắp đất nước. Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ. Người cũng viết trong Di chúc
là Đảng và Chính phủ nên có những kế hoạch để đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ
tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả lãnh đạo và rằng chị em cần phải
phấn đấu vươn lên.
Diễn ra trong hai ngày 12-13/5, hội thảo tập
trung đi sâu, làm rõ hơn nữa, phát hiện thêm nhận thức mới trong Di sản Hồ Chí
Minh đối với thời đại ngày nay theo ba nhóm vấn đề là di sản Hồ Chí Minh về độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; di sản Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị, hợp
tác giữa các dân tộc; các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong Di sản Hồ
Chí Minh.
(Nguồn: TTXVN)